KIÊN GIANG: NGHỊ QUYẾT SỐ 43/2022/QH15 TIẾP SỨC CHO KINH TẾ-XÃ HỘI CỦA TỈNH

Kết quả giám sát cho thấy, Nghị quyết số 43/2022/QH15 được ban hành đã kịp thời đáp ứng những nhu cầu cấp thiết của nền kinh tế sau đại dịch Covid-19, đã tiếp sức cho nền kinh tế - xã hội của tỉnh Kiên Giang dần phục hồi và phát triển khá tốt. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2023 (đạt 6,79%) đứng thứ 31/63 tỉnh thành cả nước và thứ 8/13 trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long…

ĐOÀN ĐBQH TỈNH KIÊN GIANG SẼ GIÁM SÁT NHIỀU CHUYÊN ĐỀ QUAN TRỌNG TRONG NĂM 2024

Từ ngày 18/12/2023 đến ngày 22/12/2023, Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang đã tiến hành giám sát trực tiếp tại 08 đơn vị gồm: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Cục Thuế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Kiên Giang và UBND huyện Vĩnh Thuận. Công tác triển khai hoạt động giám sát của Đoàn được tiến hành đúng pháp luật, đảm bảo thời gian, nội dung theo yêu cầu. Các đơn vị nơi Đoàn đến giám sát trực tiếp và các đơn vị giám sát gián tiếp đã chấp hành nghiêm túc việc xây dựng báo cáo, bố trí tiếp và làm việc theo yêu cầu.

Tạo động lực cho quá trình phục hồi nền kinh tế - xã hội, nhất là giai đoạn sau khi khống chế được dịch Covid-19

Sau thời gian giám sát, đánh giá tác động cụ thể của việc thực hiện Nghị quyết số 43 đến phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Kim Bé nhấn mạnh: Nghị quyết số 43/2022/QH15 được ban hành đã kịp thời đáp ứng những nhu cầu cấp thiết của nền kinh tế sau đại dịch Covid-19, đã tiếp sức cho nền kinh tế - xã hội của tỉnh dần phục hồi và phát triển khá tốt. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2022 (đạt 7,7%) khá cao so với cùng kỳ 2021, đứng thứ 47/63 tỉnh thành cả nước và thứ 8/13 trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long; năm 2023 (đạt 6,79%) đứng thứ 31/63 tỉnh thành cả nước và thứ 8/13 trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long…

Đoàn Giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang làm việc với huyện Vĩnh Thuận về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15.

Về thực hiện chỉ tiêu phục hồi, phát triển và tăng trưởng: Năm 2022, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 7,7% (kế hoạch 6,02%). Trong đó, các khu vực: Nông - lâm - thủy sản tăng 0,84%; công nghiệp - xây dựng tăng 11,66%; thương mại - dịch vụ tăng 13,9%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 5,32%.

Năm 2023, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn ước tăng 6,79% (kế hoạch 6,5%). Trong đó, các khu vực: Nông - lâm - thủy sản tăng 2,96%; công nghiệp - xây dựng tăng 8,36%; thương mại - dịch vụ tăng 10,02%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 5,95%. Tỷ lệ thất nghiệp giảm sâu, năm 2022 tỷ lệ là 2,82%, năm 2023 giảm còn 2,42% (năm 2021 tỷ lệ thất nghiệp là 4,52%).

Về tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và người dân: Tỉnh Kiên Giang đã thực hiện các chính sách giảm mặt bằng lãi suất, cơ cấu lại, miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ, tái cấp vốn cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lĩnh vực ưu tiên. Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận các chương trình tín dụng ưu đãi, được hỗ trợ lãi suất, tiếp cận sản phẩm ngân hàng với lãi suất phù hợp, được điều chỉnh/ kéo dài thời hạn trả nợ, tạo điều kiện tiếp cận khoản vay mới mới,... Qua đó, giúp tiết giảm chi phí, giảm áp lực về các nghĩa vụ tài chính, hỗ trợ dòng tiền, góp phần quan trọng giúp doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, duy trì, khôi phục, mở rộng sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống….

Về phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, hỗ trợ người dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội: Tỉnh Kiên Giang đã kịp thời ban hành Kế hoạch số 113/KH-UBND ngày 09/5/2022 thực hiện hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, đáp ứng nhu cầu thiết thực của người lao động trong điều kiện dịch bệnh, phù hợp với điều kiện thực tiễn của khả năng ngân sách, hỗ trợ đúng đối tượng bị ảnh hưởng, đảm bảo cuộc sống của nhân dân, người sử dụng lao động, góp phần ổn định xã hội.

Vẫn tồn tại một số hạn chế

Đánh giá về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Kim Bé khẳng định, UBND tỉnh đã kịp thời triển khai thực hiện sâu rộng Nghị quyết số 43/2022/QH15 và các văn bản hướng dẫn thực hiện của Bộ, ngành Trung ương; ban hành kế hoạch triển khai thực hiện, văn bản chỉ đạo, điều hành, kiện toàn Ban Chỉ đạo phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19, thành lập Tổ Chỉ đạo phục hồi sản xuất công nghiệp tỉnh Kiên Giang…. Đồng thời, tỉnh đã thường xuyên tổ chức các buổi làm việc, kịp thời nắm bắt tình hình, đưa ra các kịch bản, phương án tăng trưởng kinh tế và các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh. Qua đó, đã tạo ra động lực cho quá trình phục hồi nền kinh tế - xã hội và ngày càng phát triển nhanh, nhất là giai đoạn sau khi khống chế được dịch Covid-19.

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Kim Bé phát biểu.

Tuy nhiên, theo Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Kim Bé, bên cạnh những két quả đạt được thì việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại một số hạn chế.

Theo đó, mặc dù kinh tế có sự phục hồi và tăng trưởng khá, nhưng chưa bền vững, chi phí trung gian còn chiếm tỷ lệ cao, làm giảm chất lượng tăng trưởng kinh tế. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, nhưng còn chậm. Do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế toàn cầu, đơn hàng sụt giảm làm ảnh hưởng đến sản xuất và xuất khẩu; chi phí đầu vào sản xuất tăng cao, nguyên vật liệu khan hiếm (nhất là nguyên liệu phục vụ cho chế biến thủy sản, vật liệu xây dựng). Tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp, hộ cá nhân kinh doanh trên địa bàn và một số ngành phục hồi chậm, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp; tình hình thắt chặt tín dụng, thị trường bất động sản sụt giảm… dẫn đến doanh thu các doanh nghiệp giảm mạnh.

Việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ trong điều kiện dịch bệnh còn nhiều quy định thủ tục không phù hợp với thực tế, mức hỗ trợ chưa tương xứng với chi phí thực hiện, hoặc tiêu chí xác định chưa rõ ràng,… dẫn đến khó thực hiện hoặc chậm được thực hiện.

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên là do tình hình thế giới diễn biến phức tạp, xung đột vũ trang, cạnh tranh giữa các nước đã làm đứt gãy một số chuỗi cung ứng; giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao (như: phân bón, xăng dầu, khí đốt,...) làm tăng chi phí logistics và chi phí sản xuất, làm giảm giá trị tăng thêm của tỉnh, đồng thời tác động trực tiếp đến đời sống, sản xuất của Nhân dân và doanh nghiệp. Do ảnh hưởng thời tiết không thuận lợi đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; nguyên vật liệu như: đá, cát xây dựng,… trên địa bàn tỉnh còn khan hiếm, giá cả tăng cao làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án…

Những giải pháp trọng tâm

Để tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 43/2022/QH15, thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Kim Bé đưa ra một số giải pháp trọng tâm.

Thứ nhất, giải pháp về cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15: Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 110/2023/QH15 ngày 29/11/2023 của Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước bố trí cho các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đến hết ngày 31/12/2024.

Thứ hai, giải pháp khắc phục hạn chế, khó khăn, vướng mắc: Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt sâu rộng đến người dân và doanh nghiệp về lợi ích của chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP và các quy định về thuế có liên quan trên các phương tiện thông tin như: Bằng văn bản, thư điện tử, đối thoại, trang thông tin điện tử ngành thuế… nhằm hướng dẫn doanh nghiệp, người dân hiểu và thực hiện đúng quy định.

Tăng cường chỉ đạo các bộ phận phụ trách, quản lý trên địa bàn thường xuyên kiểm tra, giám sát và hỗ trợ kịp thời người nộp thuế, được hưởng đầy đủ các chính sách hỗ trợ về thuế. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra tình hình thực hiện giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng khi xuất hóa đơn của các doanh nghiệp và giảm 20% trên doanh thu hộ kinh doanh đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế suất, giảm tỷ lệ trên doanh thu theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP.

Tiếp tục giám sát, chỉ đạo các tổ chức tín dụng: Hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN, các động lực tăng trưởng của tỉnh; Kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao; Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng, hấp thụ vốn như tích cực giảm lãi suất cho vay, triển khai chương trình tín dụng tháo gỡ khó khăn cho ngành, lĩnh vực, cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ….

Thứ ba, giải pháp tăng cường hiệu quả triển khai, thực hiện Nghị quyết số 43: Các Sở ngành, các đơn vị là chủ đầu tư các dự án tăng cường chỉ đạo, điều hành, phối hợp với các cơ quan đơn vị liên quan, đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo hoàn thành các dự án trong năm 2024, đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tỉnh Kiên Giang tiếp tục chỉ đạo thực hiện và triển khai hiệu quả các Luật thuế, đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế, xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý rủi ro, tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế, triển khai hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế,… thúc đẩy các doanh nghiệp sớm phục hồi và phát triển.

Ngoài ra, tỉnh Kiên Giang cần tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở y tế triển khai đưa các công trình, trang thiết bị đã được đầu tư vào khai thác sử dụng một cách có hiệu quả ngay sau khi được nghiệm thu, bàn giao./.

Bích Lan

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=86172