Kiên Giang: Mít-tinh kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng hoàn toàn huyện An Biên

Chiều 25/4, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang tổ chức mít-tinh kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng hoàn toàn huyện An Biên (25/4/1954-25/4/2024).

Giao thông trên địa bàn huyện An Biên.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, địa giới hành chính của huyện An Biên là một vùng rộng lớn, bao gồm các huyện An Biên, An Minh, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận và Kiên Hải ngày nay.

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, tháng 7/1951, huyện An Biên được sáp nhập vào tỉnh Bạc Liêu; đến tháng 10/1954, huyện An Biên được tách ra trực thuộc tỉnh Rạch Giá trước đây và tỉnh Kiên Giang ngày nay.

Quá trình hình thành và phát triển vùng đất An Biên luôn gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng hào hùng của quân và dân miền Tây Nam Bộ nói chung, tỉnh Kiên Giang nói riêng. Người dân An Biên không chỉ cần cù trong lao động, chinh phục thiên nhiên, mà còn kiên cường, bất khuất trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm.

Tiết mục văn nghệ chào mừng tại mít-tinh.

Sau Cách mạng Tháng 8/1945, thực dân Pháp dã tâm dùng vũ lực hòng đặt lại ách thống trị trên đất nước ta một lần nữa. Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với ý chí “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, Quận ủy An Biên đã lãnh đạo nhân dân đẩy mạnh chiến tranh du kích, phá tề, trừ gian lập nên những chiến công vẻ vang.

Thực hiện chủ trương của Bộ Tư lệnh Phân liên khu miền Tây, bắt đầu từ ngày 1/3/1954, các đơn vị chủ lực và quân dân An Biên đã liên tục bắn phá, tấn công quận lỵ Thứ Ba và các đồn bót dọc theo tuyến kinh xáng Xẻo Rô, buộc địch phải tháo chạy.

Cuối tháng 3/1954, quân và dân An Biên tiến công tiêu diệt đồn Xẻo Rô, bắt sống tên quận trưởng Lâm Quang Thiệp. Ngày 25/4/1954, cứ điểm cuối cùng của địch trên vùng đất Miệt Thứ bị tiêu diệt, huyện An Biên sạch bóng quân thù.

Nuôi trồng thủy sản là thế mạnh của huyện An Biên.

Sự kiện giải phóng hoàn toàn huyện An Biên đã cổ vũ, động viên, tiếp thêm sức mạnh, tạo luồng sinh khí mới cho phong trào đấu tranh cách mạng của quân và dân Đồng bằng sông Cửu Long; củng cố thêm niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào đường lối chiến tranh nhân dân và sức mạnh của lực lượng vũ trang; góp phần vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược.

Đó còn là bài học về nghệ thuật chiến tranh nhân dân, chiến tranh du kích; kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, tuyên truyền “địch, ngụy vận”. Bài học về sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân; phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, quyết chiến, quyết thắng của lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Lộ giao thông nông thôn xã Hưng Yên, huyện An Biên.

Chiến tranh lùi xa, phát huy truyền thống cách mạng, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và các lực lượng vũ trang huyện An Biên nỗ lực khai thác các tiềm năng, tranh thủ các nguồn lực xây dựng và phát triển địa phương. Kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Đến nay, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 57,84 triệu đồng/người/năm; văn hóa-xã hội chuyển biến tích cực; quốc phòng-an ninh được giữ vững; hệ thống chính trị thường xuyên được củng cố, kiện toàn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới.

Diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên, số hộ nghèo giảm đáng kể. Hiện, trên địa bàn huyện có 8/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và thị trấn Thứ Ba đạt chuẩn văn minh đô thị; huyện đạt chuẩn nông thôn mới…

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung phát biểu tại mít-tinh.

Tại buổi mít-tinh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung đề nghị huyện An Biên đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ; ưu tiên phát triển các ngành nghề, các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế. Tăng cường quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đầu tư nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác y tế, giáo dục-đào tạo và khoa học-công nghệ. Tiếp tục xây dựng nông thôn mới; thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, chính sách đối với người có công; giải quyết tốt vấn đề việc làm, giảm nghèo theo hướng bền vững.

Tập trung củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội góp phần tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh.

Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý hành chính nhà nước và phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội.

Thu hoạch sò huyết ở ven biển huyện An Biên.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh Kiên Giang, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên, các cấp, các ngành, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh Kiên Giang nói chung và An Biên nói riêng, tiếp tục phát huy mạnh mẽ truyền thống cách mạng, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, xây dựng quê hương An Biên ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/kien-giang-mit-tinh-ky-niem-70-nam-ngay-giai-phong-hoan-toan-huyen-an-bien-post806509.html