Kiên Giang: Để Đảo ngọc trở thành 'Thiên đường du lịch'

Đảo ngọc Phú Quốc (Kiên Giang) 'nóng' về vấn đề lượng khách và doanh thu du lịch sụt giảm ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của 'Thiên đường Đảo ngọc'.

Đảo ngọc - Điểm đến hấp dẫn

Đảo ngọc thiếu “Bản sắc riêng”

Ông Trần Quốc Khánh – TGĐ Công ty CP Sài Gòn Rạch Giá, Chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh Kiên Giang, cho biết, du lịch Kiên Giang có lợi thế về biển đảo, đường biên giới, tâm linh, cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư, chính sách trải thảm đỏ thu hút đầu tư, trong đó có “Đảo ngọc” Phú Quốc. Từ đó, Phú Quốc là một điểm đến du lịch nổi tiếng trong nước và thế giới, là một trong 10 hòn đảo nghỉ dưỡng được yêu thích nhất ở Châu Á do World Travel Awards (WTA) và tạp chí Conde Nast Traveller bình chọn.

Phú Quốc còn được Tạp chí danh tiếng của Mỹ Travel+Leisure bình chọn là một trong 23 hòn đảo tốt nhất thế giới và được các độc giả quốc tế bình chọn là “Top những hòn đảo đẹp nhất châu Á” trong 2 năm liên tiếp 2022 và 2023 thông qua Tạp chí Condé Nast Traveler (Mỹ),…

Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, Đảo ngọc “Nóng” bởi lượng du khách sụt giảm dẫn đến “thất thu” doanh thu của du lịch Phú Quốc. Dịp lễ 30/4 -1/5, Phú Quốc đạt khoảng 112.000 lượt du khách, giảm 11,5% so với cùng kỳ, doanh thu giảm 24,3% so với cùng kỳ; dịp lễ 2/9, Phú Quốc chỉ đón 62.544 lượt khách, giảm 26,5% so với cùng kỳ. Hàng loạt nhà hàng, khu du lịch, dịch vụ ca nô bãi biển vốn nổi tiếng ở khu vực Nam đảo Phú Quốc, thị Trấn Dương Đông, An Thới đều đìu hiu thưa vắng khách.

Đến Đảo ngọc du khách có nhiều trải nghiệm thú vị

Sự suy giảm về lượng khách dẫn đến không có sự tăng trưởng du lịch như kỳ vọng do nhiều nguyên nhân, như: Khủng hoảng kinh tế sau đại dịch Covid -19, do du nhu cầu của du khách khi lựa chọn điểm đến du lịch, giá vé máy bay cao, cơ sở kinh doanh dịch vụ bán hàng không đúng giá, “chặt chém” du khách, xã hội đen, nạn chèo kéo du khách, hoa hồng, ô nhiễm môi trường,… khiến “doanh thu” du lịch “Đảo ngọc” lâm vào cảnh “thất thu”.

Cùng với đó, việc đầu tư ồ ạt và thiếu quy hoạch khiến Phú Quốc mất đi vẻ đẹp tự nhiên vốn có. Các cảnh quan thiên nhiên dần mất đi, thay vào đó là những tác động tiêu cực của con người. Cả hòn đảo là những khối bê tông lộn xộn, thiếu hẳn mảng xanh, không có nét đặc trưng về kiến trúc, cảnh quan. Nhận thức về phát triển du lịch của một số bộ phận dân cư địa phương còn hạn chế, sự phối hợp liên ngành chưa hiệu quả; nguồn nhân lực du lịch chưa đảm bảo chất lượng, vừa thiếu và vừa yếu.

Hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. Khủng hoảng bất động sản, vấn đề xã hội nảy sinh ảnh hưởng xấu đến môi trường du lịch khiến du khách chuyển sang những điểm đến văn minh, an toàn, thân thiện hơn.

Công tác quy hoạch, phát triển sản phẩm và đánh giá thị trường của cơ quan quản lý địa phương chưa thực sự hiệu quả đã ảnh hưởng đến sự phát triển du lịch của Đảo ngọc trong thời gian qua. Du lịch Phú Quốc đang có rất nhiều thứ nhưng lại thiếu cái quan trọng nhất, là những bản sắc tạo nên giá trị riêng biệt của thương hiệu Phú Quốc để hấp dẫn du khách.

Tạo giá trị “khác biệt”

Bãi Dài - Điểm nhấn du lịch Phú Quốc

Ông Trần Quốc Khánh – TGĐ Công ty CP Sài Gòn Rạch Giá, Chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh Kiên Giang, cho rằng, để tiết kiệm chi phí, để không rơi vào tình trạng “chặt”, “chém” khi đi du lịch Phú Quốc, du khách nên đi theo nhóm, theo tua qua một công ty du lịch uy tín để đến được những nơi, địa điểm đẹp, an toàn. Tua du lịch có nhiều gói Trung, Cao cấp và bình dân đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của du khách. Du khách cũng có thể thông qua Hiệp hội du lịch để Hiệp hội cung cấp đơn vị du lịch có chất lượng.

Chính quyền địa phương phải tuyên truyền tới doanh nghiệp, người dân về văn hóa du lịch để tạo ấn tượng mạnh, hình ảnh đẹp trong lòng du khách về con người Phú Quốc thân thiện, chu đáo, hiếu khách, trọng thị, gần gũi, cởi mở.

Xây dựng môi trường vệ sinh an toàn, cơ sở hạ tầng xây dựng theo quy hoạch, tránh manh mún, dàn trải, hủy hoại cảnh quan môi trường thiên nhiên; đào tạo nguồn nhân lực để đảm bảo có nguồn nhân lực chất lượng cao, có sự hiểu biết về du lịch để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của du khách.

Ngành du lịch Phú Quốc cần có những nghiên cứu, phân tích và đánh giá chính xác, khách quan về hiện trạng của mình để có thể đưa ra được một kế hoạch và chiến lược phát triển phù hợp với lợi thế và thực tế của điểm đến. Cần xác định rõ đối tượng thị trường, mục tiêu, quy mô thị trường tiềm năng để nắm bắt chính xác tính hấp dẫn của điểm đến, đo lường phản hồi của du khách để có cơ sở xây dựng kế hoạch phát triển du lịch.

Phú Quốc - Điểm đến hấp dẫn du khách

Ông Nguyễn Vũ Khắc Huy, Tổng Giám đốc - Vina Phú Quốc Travel, cho biết, tình hình du lịch Phú Quốc đang khởi sắc trở lại, có rất nhiều chuyến bay từ thị trường quốc tế đến Phú Quốc, như các nước Ấn Độ, Úc, Hàn Quốc, Trung Quốc... Trong thị trường nội địa, dự báo từ nay đến cuối năm du khách nội địa đến với Phú Quốc ngày càng gia tăng. Do đó, các doanh nghiệp du lịch cần tối ưu hóa chi phí, áp dụng khoa học công nghệ vào quản trị, tìm kiếm thị trường mới phù hợp, xây dựng sản phẩm mới có tính đa dạng phù hợp với nhu cầu của du khách.

Đồng thời đẩy mạnh quảng bá truyền thông, xúc tiến điểm đến tập trung vào các thị trường tiềm năng, trọng điểm; đào tạo nhân sự chất lượng cao; thực hiện các gói combo, gói kích cầu du lịch; xây dựng các sản phẩm đặc thù đa dạng hóa dựa trên các sản phẩm thiên nhiên sẵn có, tạo thành dấu ấn riêng và Phú Quốc cần có lễ hội nào đó mang tầm quốc tế tạo thế cạnh tranh.

Cùng với đó, Đảo ngọc cần bảo tồn, gìn giữ tài nguyên tự nhiên, sinh thái để tăng lợi thế cốt lõi của du lịch sinh thái, biển đảo, bởi du khách luôn yêu thích các điểm đến nguyên sơ, yên bình, trong lành, không chặt chém, không vấn đề xã hội, không mất vệ sinh, đảm bảo an ninh an toàn, văn minh và thân thiện.

Khám phá dưới nước là trải nghiệm thú vị của Du khách

Đảo ngọc cần tăng cường quản lý các hoạt động du lịch gắn với phát huy và bảo tồn các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, xây dựng và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch; giới thiệu lịch sử anh hùng và văn hóa truyền thống đặc sắc của địa phương để thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Phát triển kinh tế hài hòa với phát triển văn hóa và bảo đảm an sinh xã hội, gắn với bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo nâng cao và ổn định sinh kế cho người dân Phú Quốc.

Đào tạo về cách làm du lịch cho người dân địa phương để cung cấp chất lượng dịch vụ tương xứng với giá khách hàng phải trả; có cơ chế có lợi tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, như: Miễn giảm thuế, phí; gia hạn, miễn giảm lãi, cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo chủ trương của Chính phủ để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phục hồi, phát triển du lịch.

Từ đó, góp phần đưa Phú Quốc trở thành đô thị biển - đảo độc đáo, đặc sắc, là trung tâm kinh tế du lịch, dịch vụ du lịch sinh thái biển - đảo độc đáo với nhiều giá trị khác biệt, chất lượng cao của quốc gia và quốc tế,…

Trương Anh Sáng

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/kien-giang-de-dao-ngoc-tro-thanh-thien-duong-du-lich-a21764.html