Kiên Giang: Các yêu cầu lớn về CCHC gắn với đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

Trong năm qua, công tác cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh Kiên Giang đạt được kết quả tích cực, đóng góp quan trọng vào phát triển KT-XH, bảo đảm an sinh, gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Nhân dịp này, Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn - Ảnh: VGP/LS

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn - Ảnh: VGP/LS

Nhiều kết quả tích cực trong giải quyết TTHC cho người dân

- Xin ông cho biết khái quát kết quả công tác cải cách hành chính của tỉnh Kiên Giang thời gian qua?

Ông Nguyễn Thanh Nhàn: Có thể nói, công tác CCHC của tỉnh Kiên Giang thời gian qua, nhất là năm 2022 đạt được những kết quả đáng khích lệ, được người dân và doanh nghiệp ghi nhận, góp phần quan trọng vào sự phát triển KT-XH, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.

Cụ thể, năm 2022, Chỉ số CCHC (Par Index) tỉnh Kiên Giang xếp hạng 41/63 tỉnh, thành phố, tăng 22 hạng so với năm 2021; Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh PAPI xếp hạng 53/63 tỉnh, thành phố, tăng 04 hạng so với năm 2021; Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) xếp hạng 24/63 tỉnh, thành phố, tăng 34 hạng so với năm 2021.

Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành trên 20 văn bản chỉ đạo, điều hành công tác CCHC năm 2023, đã giao 37 nhiệm vụ cho các sở, ngành liên quan thực hiện công tác CCHC và đã hoàn thành 37/37 nhiệm vụ, đạt 100% so với kế hoạch, tiếp tục rút ngắn thời gian giải quyết hơn 119 TTHC, giảm từ 3 - 5 ngày so với quy định.

Quy trình giải quyết được thường xuyên được cập nhật với việc 100% các sở, ban, ngành tỉnh và UBND cấp huyện đã ban hành quy trình giải quyết nội bộ, quy trình điện tử; hoàn thành công bố TTHC toàn trình và một phần; đang tiếp tục rà soát, làm sạch dữ liệu TTHC.

Đặc biệt, hồ sơ giải quyết TTHC trước và đúng hẹn đạt tỷ lệ cao.

Cụ thể, từ ngày 01/01/2013 đến ngày 16/11/2023, đã tiếp nhận 386.797 hồ sơ (tiếp nhận toàn trình 171.091 hồ sơ, một phần 186.404 hồ sơ, còn lại 29.302 hồ sơ; tiếp nhận trực tuyến 196.088 hồ sơ; trực tiếp, dịch vụ bưu chính 190.709 hồ sơ). Đã giải quyết 363.325 hồ sơ (trước hạn 348.505 hồ sơ, đúng hạn 5.508 hồ sơ, trễ hạn 9.312 hồ sơ); hồ sơ đang giải quyết 9.126 hồ sơ (trong hạn 8.312, trễ hạn 814 hồ sơ); xin rút/dừng/hủy 14.346 hồ sơ.

Tỉnh cũng tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Hệ thống Thông tin giải quyết TTHC tỉnh Kiên Giang tích hợp, liên thông với Cổng dịch vụ công quốc gia và kết nối, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo Đề án 06 của Chính phủ tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Đến nay, đã triển khai đến 100% các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện, xã; hiện đang cung cấp 1.558 dịch vụ công trực tuyến (trong đó đã cung cấp 100% TTHC đủ điều kiện toàn trình); kết nối thanh toán trực tuyến với 06 ngân hàng: Vietinbank, Agribank, SHB, BIDV, Vietcombank, VPbank và các hệ thống thanh toán trực tuyến, ví điện tử như: VNPT Pay, MoMo, Viettel Pay...

Triển khai Văn phòng điện tử với 100% các sở, ban, ngành tỉnh, UBND cấp huyện và UBND cấp xã có mạng nội bộ và kết nối internet; thực hiện gửi, nhận và xử lý văn bản, ký số trên môi trường mạng liên thông 3 cấp, kết nối với trục liên thông của Chính phủ.

Đây là điều kiện thuận lợi cho việc chỉ đạo, điều hành thông suốt, nhanh chóng từ tỉnh đến cấp xã trên môi trường mạng. Tăng cường công tác tuyên truyền và phân công công chức hướng dẫn, hỗ trợ người dân, tổ chức nộp hồ sơ, nhất là hồ sơ trực tuyến trên Cổng dịch vụ công (ở 3 cấp); qua dịch vụ bưu chính công ích và khi thanh toán trực tuyến.

23/24 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch

Những kết quả của công tác CCHC đã góp phần phát triển KT-XH của tỉnh Kiên Giang với nhiệm vụ là "1 trong 3 đột phá chiến lược" được tỉnh thực hiện như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Thanh Nhàn: Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy; sự giám sát và đồng hành của HĐND tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội; sự ủng hộ, tham gia tích cực của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, tình hình KT-XH năm 2023 của tỉnh phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực; có 23/24 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, còn 01 chỉ tiêu đạt trên 90% kế hoạch.

Kinh tế tỉnh Kiên Giang phục hồi và phát triển mạnh, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh năm 2023 ước đạt 73.377,01 tỷ đồng, bằng 100,68% so với kế hoạch, tăng 6,79% so với cùng kỳ; GRDP bình quân đầu người ước đạt 73,74 triệu đồng, tăng 3,85% so với kế hoạch; ước tổng thu ngân sách 15.120,5 tỷ đồng, bằng 124,2% so với kế hoạch, tăng 26,83% so với cùng kỳ.

Vận chuyển hàng hóa, doanh nghiệp phục hồi và phát triển, số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tăng, đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (có 1.500 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký là 15.900 tỷ đồng, đạt 100% về số lượng và đạt 66% về số vốn so với kế hoạch, giảm 20% về số lượng và giảm 37% về số vốn đăng ký so với năm 2022).

Ước giá trị giải ngân đến 31/01/2024 đạt 95,69% kế hoạch HĐND tỉnh giao, tăng 5,98% so cùng kỳ (cùng kỳ đạt 89,71%) và đạt 95,16% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; cao hơn cùng kỳ năm 2022 về giá trị gần 1.617.529 triệu đồng, nhiều công trình trọng điểm đã kịp thời hoàn thiện thủ tục và khởi công, tăng tốc trong những tháng cuối năm (ước đến hết năm 2023 giao thông nông thôn (GTNT) thực hiện 270/270 km, đạt 100% kế hoạch; nâng cấp, mở rộng 260/260 km, đạt 100% kế hoạch, nâng tổng chiều dài đường GTNT trên địa bàn tỉnh 7.083 km/9.565 km, đạt 74% số km đường GTNT được quy hoạch).

Du lịch phục hồi và bức phá trở lại sau đại dịch, doanh thu tăng cao nhất trong nhiều năm trở lại. Văn hóa - xã hội được tiếp tục quan tâm thực hiện tốt; các chính sách an sinh xã hội được triển khai đầy đủ. Cải cách hành chính được đặc biệt quan tâm, nhất là cải cách thủ tục hành chính, nâng dần chất lượng dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp được thuận lợi hơn. Công tác tư pháp, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được thực hiện tốt. An ninh chính trị tiếp tục được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn chủ trì cuộc họp về CCHC - Ảnh: VGP/LS

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn chủ trì cuộc họp về CCHC - Ảnh: VGP/LS

-Thưa ông, Kiên Giang thực hiện những giải pháp gì trong việc gắn CCHC với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ hiện nay?

Ông Nguyễn Thanh Nhàn: Chúng tôi xác định đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ và CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong toàn bộ hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước. Để thực hiện được mục tiêu trên, Kiên Giang xác định thực hiện có hiệu quả các nội dung lớn gồm:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức và năng lực về chuyển đổi số. Cần có đổi mới tư duy và thống nhất nhận thức ở từng cá nhân, từng tổ chức. Việc này chỉ có được qua quá trình đào tạo và tự học. Do đó, tỉnh Kiên Giang chỉ đạo tiếp tục tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, các lớp đào tạo, tập huấn kiến thức cơ bản về chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý, công chức, viên chức và người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục xây dựng các chuyên mục tuyên truyền về kế hoạch và kết quả thực hiện chuyển đổi số của tỉnh trên báo chí và phương tiện truyền thông; thông qua Tổ công nghệ số cộng đồng thực hiện tuyên truyền đến từng hộ gia đình về hiệu quả của dịch vụ công trực tuyến và hướng dẫn thực hiện thanh toán trực tuyến.

Thứ hai, phát triển Kho dữ liệu dùng chung của tỉnh. Tiếp tục triển khai cơ sở dữ liệu (CSDL) liên quan đến người dân, tập trung vào CSDL hộ tịch, y tế, giáo dục, doanh nghiệp và CSDL đất đai trên địa bàn tỉnh.

Thứ ba, hoàn thiện nền tảng số. Trong thời gian tới, tỉnh Kiên Giang đảm bảo kết nối, tích hợp và chia sẻ, khai thác dữ liệu dùng chung với các bộ, ngành trung ương và địa phương.

Thứ tư, phát triển, hoàn thiện các nền tảng công nghệ số nhằm nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan nhà nước và phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.

Thứ năm, phát huy hiệu quả của Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh Kên Giang (IOC), tập trung triển khai ứng dụng Kiengiang-S trên nền tảng di động nhằm nâng cao sự tương tác giữa chính quyền và người dân và ngược lại, giữa người dân với chính quyền; nâng cao chất lượng hoạt động hệ thống Tổng đài 1022,...

6 yêu cầu lớn của công tác CCHC trong thời gian tới

- Vậy những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác CCHC của tỉnh Kiên Giang trong thời gian tới là gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Thanh Nhàn: Muốn hoàn thành được các yêu cầu lớn của công tác CCHC, chúng tôi thống nhất thực hiện các mục tiêu sau:

Thứ nhất, kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức thi hành pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật tại tỉnh; tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh; kiểm tra, rà soát và hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật.

Thứ hai, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát các TTHC để kiến nghị cắt giảm, đơn giản hóa, rút ngắn thời gian, giảm chi phí giải quyết TTHC, đảm bảo đến năm 2024 hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra, hạn chế tối đa hồ sơ trễ hẹn nhất là trong lĩnh vực đất đất, xây dựng, đầu tư. Cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả các cấp theo quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP và Nghị định số 107/2021/NĐ-CP của Chính phủ; giảm tối đa tỷ lệ trễ hẹn trong giải quyết TTHC. Quan tâm xử lý các phản ánh, kiến nghị của tổ chức, người dân đảm bảo kịp thời. Tiếp tục đẩy nhanh việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính.

Thứ ba, tiếp tục thực hiện rà soát sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập theo Kế hoạch số 01/KH-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai thực hiện Nghị định số 107/2020/NĐ-CP của Chính phủ; Nghị định số 108/2020/NĐ-CP và Nghị định số 120/2020/NĐ-CP của Chính phủ; phê duyệt đề án vị trí việc làm viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập. Thực hiện tinh giản biên chế theo Kế hoạch số 102-KH/TU của Tỉnh ủy; Kế hoạch số 159- KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về quản lý, sử dụng biên chế trong hệ thống chính trị của tỉnh giai đoạn 2024 - 2026; giao số lượng biên chế công chức, số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách, biên chế các tổ chức Hội có tính chất đặc thù năm 2024; phê duyệt danh sách đối tượng và dự toán kinh phí thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị định số 29/2023/NĐ-CP theo quy định.

Thứ tư, thực hiện tốt công tác quản lý, sử dụng công chức, viên chức theo đúng quy định; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định phân cấp về quản lý công chức, viên chức theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phù hợp với tình hình thực tế địa phương, bảo đảm quy định pháp luật; triển khai thực hiện hiệu quả công tác cải cách chính sách tiền lương theo quy định của trung ương; kiểm tra chặt chẽ số lượng cấp phó trong các tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; thực hiện tốt các chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức; ban hành kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức khối nhà nước năm 2024. Thực hiện tốt các quy định về chính sách quản lý cán bộ, công chức cấp xã; rà soát tiêu chuẩn đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực hiện công vụ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ, công chức làm công tác CCHC ở các sở, ban, ngành và các địa phương từ tỉnh đến xã nhằm cập nhật, bổ sung các kiến thức liên quan đến công tác CCHC, văn hóa công sở.

Thứ năm, tăng cường công tác quản lý tài sản công, trong đó ban hành kịp thời các quy định về quản lý tài chính - ngân sách trên địa bàn tỉnh; tổ chức thực hiện tốt quy định về quản lý, sử dụng tài sản công; chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt các kết luận sau thanh tra; lập phương án sắp xếp nhà đất thuộc thẩm quyền của tỉnh, triển khai thực hiện cơ chế tự chủ tài chính tại các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP. Triển khai các giải pháp và đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công đạt yêu cầu kế hoạch đề ra trong năm 2024.

Thứ sáu, đẩy mạnh thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác CCHC, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện phát triển các thành phần kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh trên địa bàn tỉnh. Tăng cường quán triệt, triển khai thực hiện đảm bảo mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 22-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đảm bảo mục tiêu chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của quốc gia; thực hiện có hiệu quả Quyết định số 2174/QĐ-UBND; Kế hoạch số 194/KH-UBND của UBND tỉnh; tập trung triển khai thực hiện Chỉ thị số 02/CT-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh về nâng cao hiệu quả Hệ thống Thông tin giải quyết TTHC tỉnh Kiên Giang.

-Trân trọng cảm ơn ông!

Lê Sơn (thực hiện)

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/kien-giang-cac-yeu-cau-lon-ve-cchc-gan-voi-doi-moi-sang-tao-va-chuyen-doi-so-102231229163917025.htm