Kiên cường chiến đấu vì hòa bình, độc lập dân tộc

Chiến tranh đã lùi xa song tinh thần dũng cảm, sự kiên cường, bất khuất của lực lượng thanh niên, học sinh Hà Nội vẫn trong ký ức người ở lại. Nhiều câu chuyện bi hùng và xúc động được thân nhân các liệt sĩ kể lại bên lề trưng bày 'Mầm xanh trên đá', đang diễn ra tại Nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội.

Cờ đỏ sao vàng bay trên Tháp Rùa!

Theo lời kể của ông Nguyễn Đình Tân, em trai liệt sĩ Nguyễn Sỹ Vân: “Cuối năm 1947, anh Vân trở lại thành phố và ở ngôi nhà 50 Hàng Bài, sau thời gian tản cư tại Chương Mỹ, Hà Tây (nay là Hà Nội). Tôi nhớ đầu năm 1948, anh Vân vào trường Chu Văn An học tiếp lớp cuối cấp phổ thông cơ sở (lớp Đệ Tứ). Tôi không biết anh Vân tham gia kháng chiến, vì lúc ấy anh giấu gia đình”.

Cựu học sinh kháng chiến Hà Nội giai đoạn 1947 - 1954 và thân nhân liệt sĩ tại trưng bày "Mầm xanh trên đá". Ảnh: HS

Cựu học sinh kháng chiến Hà Nội giai đoạn 1947 - 1954 và thân nhân liệt sĩ tại trưng bày "Mầm xanh trên đá". Ảnh: HS

Cuối năm 1947 đến đầu 1948 cũng là thời điểm phong trào chiến tranh du kích, diệt tề trừ gian sôi nổi khắp nội và ngoại thành, tác động mạnh vào đầu não của địch; nhiều cơ sở kháng chiến đã có ở nhà máy, xí nghiệp, khu phố, trường học. Học sinh trường Chu Văn An cũng dần hình thành tổ học sinh bí mật, do ông Nguyễn Văn Khâm bắt mối vào trường, trong khi đó Nguyễn Sỹ Vân, Nguyễn Trọng Quang đã sớm trở thành cơ sở của Công an quận 6. Cơ hội hành động đến với tổ thanh niên kháng chiến trường Chu Văn An khi Công an quận 6 lên kế hoạch về việc treo cờ ở Tháp Rùa với Ban cán sự nội thành và đã được duyệt. Nguyễn Văn Khâm là tổ trưởng quán xuyến toàn bộ công việc chuẩn bị sẵn cán cờ, lá cờ và thống nhất việc bí mật bơi ra hồ sao cho địch không phát hiện được. Tất cả đều được xem xét chu đáo, kỹ càng, tỉ mỉ, vì bốt của địch tại Hàng Trống ngay gần Bờ Hồ.

Nhận nhiệm vụ, rạng sáng 19.5.1948, Nguyễn Trọng Quang và Nguyễn Sỹ Vân, có sự yểm trợ của Nguyễn Văn Khâm, bơi ra hồ Hoàn Kiếm, rồi công kênh nhau lên treo lá cờ Tổ quốc rộng 0,8x1,2m vào tường Tháp Rùa. Sáng hôm sau, địch ở bốt Hàng Trống và Tòa Đốc lý khi nhìn thấy lá cờ, chúng tức tốc ra Tháp giật cờ, nhưng nhân dân đã kịp truyền thông tin: Việt Minh treo cờ ở Tháp Rùa.

Cờ đỏ sao vàng tung bay giữa Hồ Gươm làm cho nhân dân nức lòng, phấn chấn, tin tưởng bởi sau hơn một năm Trung đoàn Thủ đô rút khỏi thành phố, lực lượng kháng chiến đã trở lại và “ra mắt” dân chúng, hành động này gây tiếng vang lớn, vẫy gọi nhân dân hướng về Chính phủ kháng chiến, khẳng định khát vọng hòa bình, độc lập, tự do của người dân thủ đô bấy giờ. Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, em gái ông Nguyễn Văn Khâm, khi đó mới hơn 1 tuổi sau này có nghe các anh chị trong gia đình kể lại, vào đêm ông Khâm tham gia cắm cờ đã nói với các em mình: sáng mai hãy ra Hồ Gươm xem cờ đỏ sao vàng bay trên Tháp Rùa nhé!

Kiên cường và bất khuất

Ông Tân tiếp dòng hồi tưởng: “Ngày ấy tôi học lớp dưới, anh Vân không cho theo, nhưng kỷ niệm thì không quên được. Tôi nhớ, sáng hôm sau, anh Vân về nhà, trên người mặc quần áo anh Khâm, mẹ tôi hỏi tối qua đi đâu không về, anh ấy nói tối qua con đi xem phim. Không ai biết, chỉ mấy ngày sau, tai họa ập xuống gia đình tôi”.

Cả gia đình ông Tân cũng không ai biết ông Nguyễn Sỹ Vân đi treo cờ đêm ấy, cho đến khi ông bị bắt chiều 25.5.1948, tất cả bàng hoàng. “Tôi nhớ rất rõ chiều hôm ấy, khoảng gần 5 giờ, ô tô của phòng Nhì Pháp đến 50 Hàng Bài, hỏi: ở đây có ai là Việt Sơn không? Không có câu trả lời, chúng lại hỏi tiếp: có ai học trường Chu Văn An không? Lúc đó, chỉ có các anh chị em tôi và tôi ở nhà. Mẹ tôi đang bán nước chè ngay cùng phố nghe bà con mách liền tất tả chạy về. Chúng không khám xét mà bắt anh Vân ra ô tô luôn. Tôi chạy theo, đã thấy anh Khâm ngồi trong đó. Mẹ tôi thương xót gào khóc thảm thiết”.

Địch đưa ông Khâm và ông Vân về hầm đá Cửa Đông tra tấn. Về phía ông Quang, sau khi khám xét và thu được khẩu súng giấu trên gác, chúng cũng đưa ông vào Cửa Đông và kể từ đó, gia đình bặt tin ông. Theo tư liệu còn ghi lại, vào đêm cuối tháng 5.1948, nghe tin sáng hôm sau giặc sẽ chuyển tất cả anh em tù từ Cửa Đông vào Hỏa Lò, ông Quang tìm được viên phấn, vẽ lên tường lá cờ đỏ sao vàng rất lớn và khẩu hiệu "Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm". Hôm sau, tên sĩ quan Pháp bước vào buồng giam, thấy lá cờ và khẩu hiệu, y đã cho dừng ngay việc chuyển tù để đưa tất cả anh em đi tra tấn, truy tìm người vẽ.

“Anh Quang khảng khái đứng ra nhận. Không khai thác được gì, trước tinh thần đấu tranh bất khuất của anh và các chiến sĩ, vài hôm sau, giặc đưa anh Quang, anh Khâm và 2 người nữa là Công an quận 6 lên thị trấn Phùng (Đan Phượng, Hà Tây), trói tay lại rồi thả cho chạy trên cánh đồng và xả súng bắn…”, ông Nguyễn Trọng Hiển - em trai liệt sĩ Nguyễn Trọng Quang xúc động cho biết.

Với ông Vân, địch lập án, rồi đày đi Khe Tù, Tiên Yên, Quảng Ninh, lao động khổ sai, làm đường cho chúng. Ông Tân kể: “Năm 1952, anh Vân vượt ngục nhưng bị chúng bắt lại, tra tấn đến chết ở trại giam Khe Tù ngày 7.11.1948 (âm lịch). Sau này, gia đình tôi lấy ngày này làm ngày giỗ anh. Đến ngày hòa bình, nhiều lần gia đình tôi đi tìm hài cốt anh mà không thấy. Năm 2001, với sự giúp đỡ của ngành công an, nhất là Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh, nguyên Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Xây dựng Lực lượng Bộ Công an và Ban liên lạc Học sinh kháng chiến Hà Nội, gia đình tôi đã đưa được hài cốt anh về làm lễ truy điệu tại phường Hàng Bài, rồi đưa về quê cha đất tổ”.

Hương Sen

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/kien-cuong-chien-dau-vi-hoa-binh-doc-lap-dan-toc-i337977/