Kiểm tra nồng độ cồn: Tài xế tự xưng người nước ngoài, 'cù nhây' gần 1 tiếng

Sau vài giờ kiểm tra nồng độ cồn, CSGT phát hiện một người đàn ông tự xưng là người nước ngoài, có dấu hiệu say xỉn, lái xe vào đường cấm. Khi bị tổ công tác kiểm tra, người này liên tục mời CSGT... ăn xoài, nài nỉ suốt gần 1 tiếng.

Tối 8/4, tại đoạn giao đường Nguyễn Văn Linh – QL 50 (huyện Bình Chánh, TP. HCM), Đội CSGT Đa Phước, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP. HCM (PC08) đã lập chốt đo nồng độ cồn, đối với các tài xế lái xe đi qua khu vực trên.

Bài liên quan

Đi máy bay dịp cao điểm nghỉ lễ 30/4, hành khách cần lưu ý những gì?

Loạt chuyến bay đi/đến cảng hàng không Phù Cát buộc điều chỉnh giờ bay

CSGT TP. HCM xử phạt vi phạm tốc độ: Nhiều người mới bị tước bằng lái, nay lại bị giam xe

Nhà thầu chậm chạp thực hiện cao tốc Bắc - Nam sẽ bị chấm dứt hợp đồng

Theo ghi nhận của phóng viên báo Nhà báo & Công luận, sau gần 2 tiếng, CSGT đã tiến hành kiểm tra nồng độ cồn đối với 30 tài xế ô tô.

Song, tổ công tác không phát hiện trường hợp nào vi phạm. Bên cạnh đó, CSGT đã tạm giữ xe gắn máy của một người đàn ông tự xưng là người nước ngoài, điều khiển xe vi phạm luật an toàn giao thông.

Khoảng 22h cùng ngày, lực lượng CSGT đã ra hiệu dừng kiểm tra đối với hàng loạt phương tiện.

Các tài xế sẽ được kiểm tra GPLX, giấy đăng ký xe và đo nồng độ cồn thông qua thiết bị đo.

CSGT yêu cầu tài xế nói to “1, 2, 3” hoặc thổi mạnh vào thiết bị, sau đó kết quả đo nồng độ cồn sẽ hiện trên màn hình.

Những trường hợp máy cho ra kết quả có nồng độ cồn trong hơi thở, CSGT sẽ tiến hành đo lại một lần nữa.

Sau khi kiểm tra, đối với những tài xế không vi phạm, CSGT sẽ cảm ơn, ghi lại thông tin và mời tài xế lái xe ra khỏi khu vực làm nhiệm vụ.

Ông Châu Trường Chinh (43 tuổi), tài xế xe ô tô (BS 63A – 07X.XX ) cho biết: “Tôi biết việc uống rượu bia khi lái xe sẽ bị phạt rất nặng, nên một giọt tôi cũng không dám uống. Tôi nghĩ việc kiểm tra nồng độ cồn thường xuyên như thế này là rất đúng, để hạn chế các trường hợp vi phạm. Sau khi có Nghị định 100 về xử phạt nồng độ cồn, tôi thấy nhiều tài xế chấp hành hơn, không uống rượu, bia khi lái xe nữa. Tuy nhiên thì vẫn còn không ít trường hợp tài xế say xỉn, chống đối”.

Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, quy định rõ mức phạt vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển xe ô tô. Theo đó, người điều khiển xe sau khi uống rượu bia có thể bị xử phạt lên đến 40 triệu đồng và tước giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng.

Cụ thể, phạt tiền từ 6 - 8 triệu đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50mg/100ml máu hoặc chưa vượt quá ngưỡng 0,25mg/1l khí thở; Phạt tiền từ 16 triệu đồng đến 18 triệu đồng đối với người điều khiển xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50mg đến 80mg trên 100ml máu hoặc vượt quá mức 0,25mg đến 0,4mg trên 1l khí thở; Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với người điều khiển xe có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/1l khí thở.

Đến khoảng 11h20 cùng ngày, CSGT phát hiện một người đàn ông lái xe máy (BS 59S2 – 78X.XX) đi vào đường cấm, nên đã áp sát và mời về chốt kiểm tra. Tại đây, người này tự xưng tên T.L., là người nước ngoài, không thể nói tiếng Việt. Ngay sau đó, một cán bộ CSGT đã giải thích lỗi vi phạm cho người này nghe bằng tiếng Anh.

Tổ công tác yêu cầu người đàn ông xuất trình giấy tờ, kiểm tra nồng độ cồn. Song, người này vẫn tiếp tục vòng vo, không hợp tác. “Tôi không có bằng lái ở đây, tôi lại không biết luật ở Việt Nam nên tôi mới đi sai làn. Tôi xin lỗi và mong các anh thông cảm. Các anh nên giải thích để tôi hiểu luật hơn chứ không phải xử phạt tôi”, anh L. nói.

Ngay sau đó, CSGT tiếp tục giải thích lại lỗi vi phạm, yêu cầu anh L. chấp hành kiểm tra nồng độ nhưng anh L. lại “cù nhây”. Lúc này, tổ công tác quyết định lập biên bản, tạm giữ phương tiện vì anh L. không thể xuất trình được GPLX, giấy đăng ký xe và thông báo cho người này có thể đến cơ quan CSGT để xử lý vào sáng hôm sau.

Thúy Vy

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/kiem-tra-nong-do-con-tai-xe-tu-xung-nguoi-nuoc-ngoai-cu-nhay-gan-1-tieng-post189245.html