KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC ĐÃ XÂY DỰNG QUY TRÌNH KIỂM TOÁN VỤ VIỆC CÓ DẤU HIỆU THAM NHŨNG

Tại Phiên họp thứ 26 cho ý kiến về báo cáo công tác Kiểm toán Nhà nước, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Doãn Anh Thơ cho biết, Kiểm toán Nhà nước đã xây dựng quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. Những vấn đề có dấu hiệu tham nhũng đã được kiến nghị với địa phương hoặc Bộ trưởng để tổ chức thanh tra, làm rõ...

Thực hiện Phiên họp thứ 26, sáng 12/9, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo công tác năm 2023 và kế hoạch kiểm toán năm 2024 của Kiểm toán Nhà nước.

Tại Phiên họp, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Doãn Anh Thơ đã tiếp thu, giải trình về một số nội dung được các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm.

Toàn cảnh Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo công tác năm 2023 và kế hoạch kiểm toán năm 2024 của Kiểm toán Nhà nước.

Thứ nhất là về các văn bản quy phạm trong nội ngành và những tồn đọng chủ yếu, Kiểm toán Nhà nước đã xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật trong nội ngành đáp ứng tiến độ. Tuy nhiên, tồn đọng chủ yếu là các văn bản về sửa đổi các chuẩn mực kiểm toán Nhà nước. Kiểm toán nhà nước cũng đã ban hành kế hoạch để sửa đổi các chuẩn mực, trong đó có 39 chuẩn mực. Cho nên để đáp ứng thông lệ quốc tế thì Kiểm toán nhà nước cũng phải tiếp thu các thông lệ quốc tế nhằm đưa vào chuẩn mực của Kiểm toán nhà nước Việt Nam.

Thứ hai, liên quan đến kiến nghị của Bộ Y tế liên quan đến vấn đề chứng từ ghi nhận, qua những ý kiến, Kiểm toán Nhà nước sẽ kiểm tra lại, vì chứng từ thực hiện kiến nghị kiểm toán thì thông thường hướng dẫn cũng đã rõ. Tức là khi thực hiện kiến nghị kiểm toán phải ghi là thực hiện theo kiến nghị kiểm toán nộp số thuế hoặc số kinh phí vào ngân sách Nhà nước.

Qua ý kiến của Ủy ban Tài chính- Ngân sách về tiến độ triển khai kế hoạch kiểm toán thì Kiểm toán nhà nước sẽ thực hiện đúng tiến độ kế hoạch năm. Tuy nhiên, từng nội dung đến tháng 8 thì thực hiện theo từng đợt, cho nên có thể có những số liệu thì các chỉ tiêu khác thấp hơn so với năm 2022.

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Doãn Anh Thơ.

Về xử lý tài chính, kế hoạch năm 2023 tập trung vào một số chuyên đề giám sát. Còn những năm trước tập trung vào những chuyên đề về miễn, giảm, giãn hoãn thuế và đặc biệt, Kiểm toán Nhà nước có đối chiếu để xác định nghĩa vụ ngân sách đối với các doanh nghiệp không phải là doanh nghiệp nhà nước thì số tăng thu cao. Năm 2023, chủ trương của Quốc hội đang còn có hỗ trợ miễn, giảm cho các doanh nghiệp khó khăn nên Kiểm toán nhà nước chủ trương không thực hiện đối chiếu thuế mà chỉ thực hiện kiểm toán qua cơ quan quản lý nhà nước là cơ quan thuế. Nếu có phát hiện những bất cập thì yêu cầu các cơ quan thuế triển khai các theo các quy định của pháp luật, chứ không kiến nghị trực tiếp đối với doanh nghiệp để tăng thu cho nên số liệu xử lý tài chính cũng giảm đi.

Liên quan đến đất đai, vừa qua, Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng Trung ương khi nghiên cứu kết quả kiểm toán để kiểm tra, tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu Kiểm toán nhà nước tiếp tục kiểm tra việc đền bù của sân bay Long Thành và 46 dự án đất đai của tỉnh Đồng Nai. Sau khi có kết quả này, Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng Trung ương có thể yêu cầu một số đơn vị tổng kết để báo cáo với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đặc biệt liên quan đến vấn đề cơ chế.

Liên quan đến kiểm toán, quyết toán ngân sách nhà nước và kiểm toán ngân sách địa phương, quyết toán ngân sách địa phương, đây là một chủ trương Quốc hội đã chỉ đạo của năm 2023. Qua thực tiễn thực hiện, Hội đồng nhân dân địa phương thấy rằng, chủ trương này của Thường vụ Quốc hội rất đúng đắn. Trước khi Hội đồng nhân dân phê chuẩn quyết toán thì Kiểm toán nhà nước đã có ý kiến. Tuy nhiên, chỉ thiếu một phần là Kiểm toán nhà nước trình ý kiến phê chuẩn quyết toán tại Hội đồng nhân dân cũng chưa thực hiện được. Các báo cáo kiểm toán đã kiểm toán số lượng khoảng 90,5%, năm 2023 là khoảng 80,3% đã được trình trước khi Hội đồng nhân dân phê chuẩn quyết toán. Căn cứ vào đó, Hội đồng nhân dân phê chuẩn quyết toán. Năm 2024, thực hiện Nghị quyết 91 của Quốc hội thì Kiểm toán nhà nước cũng đã chỉ đạo các đoàn kiểm toán, còn lại của năm 2023 phải làm rõ những vấn đề trong Nghị quyết 91 của Quốc hội, đặc biệt là tăng thu, giảm chi, chuyển nguồn...

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham dự Phiên họp.

Về kế hoạch kiểm toán năm 2024, tiếp thu ý kiến của Thường vụ Quốc hội, Kiểm toán nhà nước rà soát, đặc biệt là phối hợp với Thanh tra để tránh chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, đặc biệt là trong xác định danh mục của cuộc kiểm toán, các đầu mối chi tiết. Kiểm toán nhà nước cũng sẽ phối hợp với thanh tra các ngành, thanh tra các địa phương để tránh chồng chéo trong hoạt động kiểm toán. Kiểm toán cũng chủ trương sẽ lồng ghép tối đa các cuộc kiểm toán để tránh tần suất xuất hiện tại một địa phương, tối đa là không xuất hiện quá 2 lần, kể cả kiểm toán ngân sách địa phương, kiểm toán các chuyên đề. Còn kiểm toán quyết toán thì theo chủ trương cũng như là theo yêu cầu, đề xuất của Hội đồng nhân dân các tỉnh cho nên không tính tần suất xuất hiện của kiểm toán ngân sách địa phương.

Đề xuất làm rõ thêm những nội dung nghi ngờ có khả năng xảy ra những tiêu cực, thất thoát

Với các nội dung theo ý kiến chỉ đạo của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Doãn Anh Thơ khẳng định: Kiểm toán nhà nước sẽ tiếp thu và tiếp tục rà soát các nội dung để xây dựng kế hoạch một cách tốt nhất, đặc biệt là trong tổ chức phương án tổ chức kiểm toán đảm bảo tốt nhất.

Nếu thực hiện kiểm toán từ xa cũng đòi hỏi các đơn vị, đặc biệt là các Bộ ngành, địa phương, các tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước phải có hệ thống công nghệ thông tin với sự kết nối tốt thì Kiểm toán Nhà nước mới đáp ứng được thực hiện nhiệm vụ. Đây là một số ý kiến giải trình, báo cáo thêm của Kiểm toán nhà nước những vấn đề chính, còn lại những vấn đề tiếp thu chi tiết thì Kiểm toán nhà nước sẽ có văn bản tiếp thu sau.

Các đại biểu, đại diện các cơ quan của Chính phủ tham dự Phiên họp.

Về kiểm toán chỉ trên cơ sở những bằng chứng thu thập được, xác nhận đưa ra những ý kiến, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Doãn Anh Thơ cho biết, nếu phát hiện ra dấu hiệu tham nhũng, lãng phí, thất thoát thì lúc đó cơ quan sẽ hoàn thiện hồ sơ.

Hiện nay, Kiểm toán Nhà nước đã xây dựng quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. Tuy nhiên, với thời gian cuộc kiểm toán có 60 ngày, những vấn đề Kiểm toán nhà nước phát hiện ra thì đã được kiến nghị với địa phương hoặc Bộ trưởng để tổ chức thanh tra rõ, làm sâu thêm nếu thấy có dấu hiệu tham nhũng. Tổng Kiểm toán kết thúc một cuộc kiểm toán đều có văn bản gửi đến đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Bộ trưởng đề xuất làm rõ thêm những nội dung nghi ngờ có khả năng xảy ra những tiêu cực, thất thoát.

Năm 2022, Kiểm toán Nhà nước đã cung cấp cho Ủy ban Kiểm tra Trung ương, các cơ quan điều tra Bộ Công an, các cơ quan điều tra của các địa phương khoảng 800 bộ hồ sơ để tiếp tục làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật. Còn khi có dấu hiệu mà thu thập thấy rõ thì Kiểm toán Nhà nước sẽ chuyển cho các cơ quan điều tra, còn lại thì kiến nghị để các Bộ trưởng, Ủy ban nhân dân các cấp, chủ yếu cấp tỉnh tiếp tục làm rõ hơn.

Cũng tại Phiên họp, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Doãn Anh Thơ cũng bày tỏ sự cảm ơn và tiếp thu các ý kiến định hướng, chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các nội dung trọng tâm sẽ được Kiểm toán nhà nước tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu để đưa vào hướng dẫn kiểm toán năm 2024. Có những nội dung có thể đưa vào kế hoạch, định hướng kiểm toán chung, có những nội dung sẽ được đưa vào định hướng kiểm toán của từng cuộc kiểm toán, để đáp ứng được các yêu cầu theo các Nghị quyết của Quốc hội tại kỳ họp vừa qua./.

Bích Lan

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=79760