Kiểm toán Nhà nước chủ động thích ứng linh hoạt với chuyển đổi số

Công cuộc chuyển đổi số, phát triển kinh tế số đòi hỏi sự nỗ lực của nhiều bộ, ngành, địa phương, trong đó có Kiểm toán Nhà nước. Đơn vị này đã và đang chung tay cùng cả nước phát triển nền kinh tế số và thích ứng linh hoạt với quá trình chuyển đổi số.

Ảnh minh họa: Cổng TTĐT Kiểm toán Nhà nước.

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu

Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động mạnh mẽ đến hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề, trong đó có lĩnh vực Kiểm toán Nhà nước. Cuộc cách mạng làm thay đổi cơ bản phương thức thực hiện kiểm toán hiện nay bằng việc áp dụng chứng từ điện tử, các phần mềm tổng hợp, xử lý dữ liệu kiểm toán cũng như cho phép thực hiện các phương thức kiểm toán trong môi trường tin học hóa, tiết kiệm thời gian, công sức, không bị giới hạn bởi không gian, khoảng cách địa lý, tiếp cận gần hơn với hệ thống kiểm toán quốc tế.

Tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Chiến lược chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cùng nhiều chủ trương, chính sách liên quan. Luật kiểm toán Nhà nước cho phép Kiểm toán Nhà nước được khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia, dữ liệu của đơn vị được kiểm toán. Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đề ra mục tiêu kinh tế số chiếm tối thiểu 20% vào năm 2025.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, hiện nay, Chính phủ, các ngành, các cấp đang đẩy mạnh chuyển đổi số. Đây là nội dung rất quan trọng, mang tính đột phá. Nếu làm tốt chuyển đổi số thì chúng ta có thể phát triển nhanh, bền vững và đặc biệt đẩy mạnh hoạt động cải cách thủ tục hành chính cho các cơ quan Nhà nước.

"Do vậy, chúng tôi cũng đề nghị Kiểm toán Nhà nước tiếp tục phối hợp và hỗ trợ Hà Nội trong vấn đề thực hiện chuyển đổi số, trước hết là việc cung cấp và chia sẻ thông tin,” ông Hà Minh Hải nói.

Nhận thức rõ công nghệ thông tin là công cụ hỗ trợ đắc lực trong việc hiện đại hóa mọi mặt hoạt động của kiểm toán Nhà nước, Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy, Lãnh đạo kiểm toán Nhà nước đã quan tâm và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quan trọng.

Đặc biệt, Kiểm toán Nhà nước đã kịp thời ban hành Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trung hạn (5 năm) và Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin hằng năm; Chiến lược phát triển và Kiến trúc tổng thể công nghệ thông tin của kiểm toán Nhà nước giai đoạn 2019-2025, tầm nhìn đến năm 2030; Kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển kiểm toán Nhà nước đến năm 2030 về phát triển công nghệ thông tin và công nghệ cao.

Về thực tế triển khai, đến nay, hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin của kiểm toán Nhà nước được triển khai theo mô hình quản lý tập trung. Kiểm toán Nhà nước đã xây dựng được 2 trung tâm dữ liệu hiện đại, đồng bộ, đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định của Nhà nước.

Cùng với đó, hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến đã được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng gồm 16 điểm cầu, kết nối 13 kiểm toán Nhà nước khu vực với kiểm toán Nhà nước Trung ương, hoạt động hiệu quả phục vụ cho các buổi hội nghị giao ban trực tuyến hàng tháng, các buổi học tập, hội thảo trao đổi chuyên môn... của kiểm toán Nhà nước.

Trong thời gian qua, để thiết lập một hệ thống tập trung, kiểm toán Nhà nước đã triển khai tích hợp, kết nối liên thông dữ liệu giữa các phần mềm nội bộ thông qua trục tích hợp để đảm bảo tính thống nhất, tập trung giữa các phần mềm trong toàn ngành; triển khai hệ thống xác thực quản lý người dùng tập trung, giúp người dùng sử dụng các phần mềm thuận lợi hơn, chỉ cần một tài khoản duy nhất để đăng nhập và tăng cường bảo mật tài khoản thông qua việc xác thực bảo mật 2 lớp; xây dựng mã định danh và hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung cho toàn bộ hệ thống.

Kiểm toán Nhà nước cũng đã và đang xây dựng hệ thống nền tảng phục vụ việc kết nối, chia sẻ dữ liệu với các đơn vị được kiểm toán và các cơ quan chức năng trong thời gian tới; đồng thời đang triển khai kết nối, trao đổi dữ liệu điện tử với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tạo nền tảng để triển khai kết nối, chia sẽ dữ liệu trên diện rộng phục vụ hoạt động kiểm toán.

Đồng thời, kiểm toán Nhà nước thực hiện kết nối với Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ việc gửi nhận văn bản được nhanh chóng, an toàn giữa các cơ quan nhà nước; đã thực hiện đồng bộ dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức với Cơ sở dữ liệu quốc gia theo Quyết định số 893 ngày 25/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Về đảm bảo an toàn thông tin, trong những năm qua, đơn vị đã tăng cường đầu tư nâng cao an toàn thông tin đối với hệ thống mạng kiểm toán Nhà nước. Đến nay, hệ thống thông tin của kiểm toán Nhà nước đã được đầu tư hệ thống an toàn bảo mật hiện đại, bài bản, với nhiều tầng, lớp bảo mật giúp đảm bảo an toàn thông tin và an ninh mạng trong hoạt động của ngành.

Về phát triển các hệ thống thông tin, phần mềm ứng dụng, Kiểm toán Nhà nước đã chủ động, tích cực đẩy mạnh phát triển ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của ngành. Đến nay, kiểm toán Nhà nước đã xây dựng trên 30 phần mềm phục vụ công tác quản lý điều hành nội bộ và hỗ trợ hiệu quả hoạt động kiểm toán.

Ngoài ra, từ năm 2017 đến năm 2022, Kiểm toán Nhà nước đã số hóa hồ sơ kiểm toán (trên 950 cuộc với hơn 13 triệu trang tài liệu các loại), tạo lập cơ sở dữ liệu về hồ sơ kiểm toán điện tử để phục vụ quản lý, lưu trữ và khai thác hồ sơ kiểm toán, từng bước hình thành dữ liệu lớn của kiểm toán Nhà nước.

Kiểm toán Nhà nước cũng đã xây dựng cổng trao đổi thông tin, tạo kênh trao đổi dữ liệu điện tử đa chiều giữa kiểm toán Nhà nước và đơn vị được kiểm toán, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị được kiểm toán cung cấp dữ liệu điện tử.

Bên cạnh việc xây dựng các phần mềm trên môi trường web, từ năm 2020, Kiểm toán Nhà nước triển khai ứng dụng hỗ trợ điều hành trên thiết bị di động, giúp lãnh đạo các cấp, cán bộ, công chức xử lý, tra cứu văn bản, tra cứu các thông tin về hoạt động kiểm toán, cán bộ, văn bản quy phạm pháp luật, lịch họp… một cách nhanh chóng, kịp thời.

Năm 2022, Kiểm toán Nhà nước đã ứng dụng công nghệ thông tin để triển khai thí điểm cuộc kiểm toán từ xa đối với Tập đoàn Bưu chính viễn thông thông qua việc kết nối, trao đổi dữ liệu số.

Vẫn còn nhiều thách thức

Bên cạnh những kết quả đạt được bước đầu, quá trình chuyển đổi số và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào mọi hoạt động, đặc biệt là hoạt động kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước vẫn còn gặp những thách thức.

Cụ thể, đối với các phần mềm hỗ trợ hoạt động kiểm toán, hiện nay, các phần mềm mới chủ yếu ứng dụng công nghệ thông tin vào một số khâu, chưa đáp ứng được hết yêu cầu nghiệp vụ.

Về kết nối, chia sẻ dữ liệu đối với đơn vị được kiểm toán: Hiện nay, việc tìm kiếm, thu thập, khai thác và đối chiếu thông tin từ các nguồn dữ liệu khác nhau chưa được triển khai hiệu quả khi thiếu vắng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành và công cụ tìm kiếm hỗ trợ.

Việc trao đổi thông tin giữa các kiểm toán viên, tổ, đoàn kiểm toán và với đơn vị được kiểm toán vẫn tiến hành tương đối thủ công, chưa có các hạ tầng thông minh giúp việc trao đổi thông tin dễ dàng và đảm bảo an toàn bảo mật.

Trình độ, khả năng sử dụng các công cụ công nghệ thông tin của kiểm toán viên vẫn còn chưa đồng bộ, chưa theo kịp được với những đòi hỏi mới về ứng dụng công nghệ thông tin, điều này phần nào đó làm hạn chế tiến trình đẩy mạnh kết nối, chia sẻ, trao đổi dữ liệu điện tử rộng rãi trong toàn ngành và giữa kiểm toán Nhà nước với các đơn vị liên quan.

Chủ động, linh hoạt hơn để rút ngắn khoảng cách với thế giới

Để bắt kịp với xu thế, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực rút ngắn khoảng cách chênh lệch công nghệ, hướng tới môi trường kiểm toán số, bảo mật và tích hợp cao trên cơ sở triển khai đồng bộ một số giải pháp sau:

Bổ sung chức năng, nhiệm vụ, xây dựng và triển khai Đề án chuyển đổi mô hình hoạt động của Trung tâm Tin học; kiện toàn tổ chức bộ máy của đơn vị, phát triển đội ngũ công chức, viên chức đảm bảo đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu, có kiến thức, chuyên môn phù hợp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chuyển đổi số trong giai đoạn mới, đảm bảo triển khai các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin của Kiểm toán Nhà nước.

Xây dựng hạ tầng kỹ thuật, nền tảng kết nối và chia sẻ dữ liệu đảm bảo tính sẵn sàng cao của hệ thống; từng bước nâng cấp, chuyển đổi sang nền tảng điện toán đám mây nhằm đáp ứng tốt nhất các yêu cầu hạ tầng, tạo nền tảng để áp dụng các công nghệ số vào hoạt động của Kiểm toán Nhà nước.

Xây dựng hạ tầng dữ liệu, trong đó tập trung triển khai hệ thống định danh, xác thực điện tử và cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ trao đổi, tích hợp dữ liệu; thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu điện tử với các đơn vị được kiểm toán. Xây dựng Hệ thống thông tin quản lý đối tượng kiểm toán, các cơ sở dữ liệu tập trung từ nhiều nguồn dữ liệu khác nhau phục vụ cho việc ứng dụng các kỹ thuật phân tích dữ liệu lớn hỗ trợ hoạt động kiểm toán.

Phát triển các phần mềm ứng dụng, trọng tâm là hướng đến cung cấp công cụ báo cáo thống kê và phân tích, dự báo phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và kiểm toán dựa trên dữ liệu lớn, hỗ trợ phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu trong xây dựng kế hoạch và thực hiện kiểm toán.

Triển khai các giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn thông tin cho hệ thống công nghệ thông tin của Kiểm toán Nhà nước với trọng tâm là bảo vệ dữ liệu, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về an toàn thông tin, an ninh mạng, phù hợp với đặc thù và chiến lược phát triển công nghệ thông tin của Kiểm toán Nhà nước.

Tiếp tục phát huy vai trò đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin của Kiểm toán Nhà nước, phối hợp với các đơn vị trong ngành.

Phát triển, đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin, trong đó phát triển đội ngũ chuyên trách công nghệ thông tin có đủ năng lực chuyên môn để tham mưu phát triển, quản lý và tổ chức vận hành hệ thống công nghệ thông tin của Kiểm toán Nhà nước.

Hành trình chuyển đổi số vẫn đang diễn ra mạnh mẽ tại các bộ, ngành, địa phương. Với vai trò, vị thế của mình, Kiểm toán Nhà nước cần nỗ lực và quyết liệt hơn nữa để thúc đẩy hành trình đó, góp phần cùng cả nước thực hiện thành công chiến lược chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế số.

Thu Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/kiem-toan-nha-nuoc-chu-dong-thich-ung-linh-hoat-voi-chuyen-doi-so-post33027.html