Kiểm toán loạt dự án trọng điểm quốc gia, phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội

Loạt dự án trọng điểm quốc gia được đưa vào kế hoạch kiểm toán năm 2024, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, đầu tư các dự án và phục vụ công tác giám sát chuyên đề của Quốc hội.

Nhiều dự án quan trọng quốc gia được đầu tư

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 đề ra mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc. Để hiện thực hóa mục tiêu trên, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Quốc hội khóa XV đã quyết định chủ trương đầu tư nhiều các dự án quan trọng quốc gia.

Điển hình như: Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021- 2025; Vành đai 4 Vùng Thủ đô; Vành đai 3 TP. HCM; các dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1); cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1).

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Minh Sơn, những dự án quan trọng quốc gia được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư trong thời gian qua đều phù hợp với chủ trương, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đã được Đại hội XIII của Đảng thông qua. Đồng thời, đây cũng là những công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, góp phần thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

Theo đại biểu, kiểm toán hoạt động là một trong những công cụ hỗ trợ Quốc hội thực hiện có hiệu quả việc quyết định chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia.

Thực hiện quy định của Luật, thời gian qua, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã chủ động tích cực trong việc cho ý kiến về chủ trương đầu tư các dự án quan trọng quốc gia. Đây cũng là một trong những điểm nhấn quan trọng của KTNN trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, Tổng Kiểm toán nhà nước đã ban hành Hướng dẫn việc chuẩn bị ý kiến của KTNN về chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia.

Hướng dẫn này quy định rõ nhiệm vụ, trình tự, thủ tục, nội dung chuẩn bị ý kiến của KTNN về chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia. Trong đó, một trong những yêu cầu bắt buộc khi xây dựng báo cáo ý kiến của KTNN là phải thu thập thông tin, hồ sơ, tài liệu.

Riêng đối với dự án quan trọng quốc gia, cần thu thập thêm thông tin về hình thức đầu tư; công nghệ, kỹ thuật, các điều kiện cung cấp vật tư, thiết bị, nguyên liệu, năng lượng, dịch vụ, hạ tầng; phương án đầu tư và quy mô các hạng mục đầu tư; tiến độ thực hiện dự án, phân chia giai đoạn đầu tư; phương án giải phóng mặt bằng tái định cư, biện pháp bảo vệ môi trường…

“Công tác kiểm toán hoạt động là một trong những công cụ hỗ trợ Quốc hội thực hiện có hiệu quả việc quyết định chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia”, ông Nguyễn Minh Sơn cho hay.

Cũng theo ông Nguyễn Minh Sơn, KTNN vừa có trách nhiệm trình ý kiến để Quốc hội xem xét, quyết định, vừa tham gia ý kiến với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

“Các ý kiến góp ý, báo cáo kết quả kiểm toán là căn cứ, dữ liệu đầu vào quan trọng hỗ trợ Ủy ban Kinh tế hoàn thành nhiệm vụ chủ trì thẩm tra mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội giao”, ông Sơn nhấn mạnh.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường

Mỗi công đoạn hoàn thành, lập tức KTNN phải vào cuộc

Theo đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội), việc KTNN đưa ra ý kiến của mình không chỉ đơn thuần là ý kiến khách quan, độc lập mà nó còn là căn cứ, cơ sở chắc chắn hơn cho các đại biểu Quốc hội trong quá trình thảo luận, đóng góp ý kiến.

“Việc phát huy vai trò của KTNN khi đưa ra ý kiến về chủ trương đầu tư các dự án quan trọng quốc gia sẽ giúp cho Quốc hội, Chính phủ có tiếng nói chung, đi đến một phương án để quyết định đầu tư các dự án có hiệu quả nhất”, ông Cường cho hay.

Đại biểu ví dụ, từ đánh giá so sánh về suất đầu tư giữa các dự án của cơ quan kiểm toán, cho thấy có những khoản dự toán còn “chưa thuyết phục” và đặt ra câu hỏi tại sao lại có phần chênh lệch như thế?

“Không chỉ so sánh giữa các dự án với nhau, KTNN còn đưa ra so sánh giữa dự kiến đầu tư cho những con đường này với các công trình đã đầu tư trước đây có tính chất tương tự. Đấy là căn cứ để chúng ta có cái nhìn khách quan để đánh giá xem dự toán như thế đã hợp lý chưa”, ông Cường nói.

Đại biểu đang là Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng lưu ý, khi mỗi khâu, mỗi công đoạn hoàn thành thì lập tức KTNN phải vào cuộc để hậu kiểm, tức là đến khâu nào phải làm dứt điểm khâu đó. Nếu làm được như vậy thì sau khi công trình hoàn thành, có thể bảo đảm được rằng, tất cả các công đoạn đều đã được nhìn nhận, đánh giá một cách độc lập.

“Trong quá trình đó, nếu có vấn đề cần phải chấn chỉnh, điều chỉnh cũng sẽ được xử lý nhanh, kịp thời, nhằm đảm bảo những công trình quan trọng của quốc gia được triển khai sớm nhất, hiệu quả nhất và tiết kiệm nhất”, đại biểu đoàn Hà Nội cho hay.

Cơ quan kiểm toán cho biết, trong năm 2024, loạt dự án trọng điểm quốc gia cũng đã được đưa vào Kế hoạch kiểm toán của KTNN. Kết quả kiểm toán không chỉ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, đầu tư các dự án mà còn phục vụ cho công tác giám sát chuyên đề của Quốc hội trong năm 2024.

Luân Dũng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/kiem-toan-loat-du-an-trong-diem-quoc-gia-phuc-vu-hoat-dong-giam-sat-cua-quoc-hoi-post1632437.tpo