Kiểm soát sự tập trung giữa cơn bão công nghệ

Kiểm soát sự tập trung giữa cơn bão công nghệ bằng cách nào? Johann Hari - một nhà báo người Anh đã khuyến cáo: Nếu bạn muốn làm tốt mọi việc, không có cách nào khác là phải tập trung cẩn thận vào một việc tại một thời điểm.

Sách đã chỉ ra rành rẽ 12 nguyên nhân khiến con người có thể mất tập trung. Có thể đó là sự trỗi dậy của công nghệ, sự gia tăng của tốc độ, hoặc có thể là trạng thái tâm lý lang thang, cũng có thể là sự suy kiệt thể chất và tinh thần của mỗi người. Và còn rất nhiều nguyên nhân khác được phân tích khá kỹ càng và thuyết phục.

Điều mà chúng ta có thể cảm nhận rất rõ khi sống vào đầu thế kỷ 21 đó chính là sự tập trung đã và đang rạn vỡ. “Những người vừa bước sang tuổi 40 như chúng tôi mỗi khi tụ tập bạn bè cùng thế hệ đều than thở về việc bản thân mất tập trung”. Johann Hari đã viết như vậy. Tôi giật mình kiểu như thể anh ấy đang viết cho chính tôi.

Tái kết nối với những thứ có ý nghĩa với chính mình là một hành trình đầy cảm hứng của chính tác giả với con trai đỡ đầu của anh - Adam. Như bất kỳ một phụ huynh nhiệt huyết nào, tác giả khá buồn khi cậu bé Adam lạc lối khi bỏ học vào năm 15 tuổi, dành trọn thời gian mải mê những thứ trên màn hình đầy quyến rũ. Cuốn theo thần tượng một cách thức thời, hút tâm trí vào những điều tiếp nhận trên xa lộ thông tin từ các thiết bị di động, Adam chới với và rời rạc mất toàn bộ kết nối thực với thế giới và người thân. Lời tự thú của bé mới xót xa làm sao: “Con biết là có cái gì đó không ổn song con không biết làm cách nào để sửa chữa?”.

Còn với tất cả chúng ta, làm thế nào để sửa chữa được điều này?

Theo một nghiên cứu ở trường Đại học Mỹ, trung bình sau mỗi 65 giây, sinh viên sẽ chuyển sang việc khác. Lượng thời gian trung bình mà sinh viên tập trung vào một việc chỉ khoảng 19 giây. Còn đối với một nghiên cứu khác dành cho khối nhân viên công sở, thời gian này tầm 3 phút. Trung bình khi con người đang tập trung làm một việc gì đó và bị gián đoạn thì bạn sẽ mất tầm 23 phút để quay trở về trạng thái tập trung ban đầu.

Hành trình của tác giả đồng hành cùng con trai đỡ đầu cũng chính là hành trình của anh khi vượt qua hơn 48.000km, gặp gỡ nhiều chuyên gia để tìm cách khôi phục lại khả năng chú ý và tập trung của tất cả chúng ta.

Dựa vào hiểu biết và trải nghiệm của bản thân, nhà báo Anh Johann Hari đã chỉ ra hơn mười căn nguyên đang ra sức hủy hoại khả năng chú ý của con người. Đúng như nhà văn James Baldwin đã nói: “Không phải thứ gì chúng ta đối mặt cũng đều có thể thay đổi được, nhưng bạn không thể thay đổi được gì cho đến khi đối mặt với nó”.

Nhà báo người Anh đã đối mặt với nó bằng một trải nghiệm tuyệt vời. Chính anh đã dành cho mình một chuyến đi không điện thoại, không tin nhắn, thư thoại hay email, mà bằng cách hòa mình vào thiên nhiên. Sau một ngày lang thang trên biển với những cảm xúc đắm chìm của chính mình thì anh đã trèo lên giường với một giấc ngủ sâu tầm 15 giờ đồng hồ. Tại sao chúng ta không cố gắng khiến mọi thứ chậm lại theo một nhịp độ mà ta có thể suy nghĩ thông suốt? Nhà báo này đã tư duy như vậy, và đem sự tò mò đến phỏng vấn một giáo sư chuyên ngành khoa học thần kinh đã nhận được một sự thật trần trụi. Bộ não con người chỉ có thể sản sinh một hoặc hai ý nghĩ. Tâm trí của chúng ta chỉ theo đuổi một mục đích duy nhất.

Lý giải cho việc cạn kiệt ý tưởng sáng tạo, nhiều nghiên cứu đã được nhà báo Anh dẫn ra: Các cải tiến mới đến từ đâu? Chúng đến từ việc bộ não định hình những mối liên kết mới dựa trên những điều bạn nhìn thấy, nghe thấy và học hỏi. Nếu không bị phân tâm, quá trình này diễn ra tự nhiên: hấp thụ, gắn kết, va chạm, tương tác và nảy sinh những điều mới, liên tục là như thế. Nhưng nếu bạn dành nhiều thời gian cho việc chuyển đổi và sửa lỗi thì rõ ràng bạn đã tước đi rất nhiều cơ hội của bộ não trong việc bắt kịp những liên tưởng, kết hợp để đưa đến những ý nghĩ độc đáo hơn.

Điều này nói lên điều gì? Thực chất, nếu phân tâm, sao nhãng sẽ kiệt quệ sáng tạo. Mà sáng tạo đúng ra là sẽ dẫn truyền và thắp lửa để con người hành động vì những điều tốt đẹp và cao cả hơn. Không hiểu sao tôi chợt hình dung đến những con Zombie - xác sống, những thực thể vô cảm luôn chạy theo những hành động mất cảm xúc tính người, sự sáng tạo, nhân văn và truyền cảm hứng. Những Zombie vô hồn đang hành động thiếu tính mục đích, trượt dài trong những xa lộ thông tin.

Đừng đọc cuộc đời một cách vội vã và cũng đừng vội vã lướt từ thứ này sang thứ khác và ngày càng lĩnh hội ít đi. Và cũng đừng trượt dài vào một thế giới mà trong đó mọi mối quan hệ đều diễn ra qua các nền tảng và màn hình. Thế giới và cuộc sống thật sự này là để kết nối và yêu thương, trải nghiệm và sáng tạo.

Thông điệp này chưa bao giờ là cũ, đến từ một nhà báo có trách nhiệm không chỉ với bản thân mà còn cả cộng đồng sau chặng hành trình tìm thấy chính mình, sự kết nối với người thân sau khi vòng quanh thế giới và phỏng vấn hơn 200 chuyên gia, nhà nghiên cứu ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

Nguyễn Hường

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/kiem-soat-su-tap-trung-nbsp-giua-con-bao-cong-nghe-30844.htm