Kiểm soát ô nhiễm không khí từ sản xuất nông nghiệp ở Hà Nội

Thời gian qua, mặc dù TP. Hà Nội đã tăng cường các biện pháp kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, song tình trạng đốt rơm rạ, chất thải phụ phẩm sau thu hoạch vẫn diễn ra tại nhiều nơi. Để cải thiện chất lượng không khí, thành phố đã và đang quyết liệt triển khai nhiều giải pháp.

Hà Nội đang tạo cơ chế khuyến khích các HTX áp dụng mô hình sản xuất sạch, hỗ trợ kinh phí mua chế phẩm xử lý rơm rạ, mua máy cuốn ép rơm, giới thiệu mô hình HTX thu gom rơm rạ sau thu hoạch phù hợp với điều kiện của từng huyện, thị xã để ứng dụng, triển khai, định hướng, khuyến khích phát triển các HTX sản xuất nông nghiệp tận dụng rơm rạ trong sản xuất.

Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp

Sau mỗi vụ thu hoạch, trên những cánh đồng lúa ở Hà Nội vẫn còn mù mịt khói từ việc đốt rơm rạ. Hành động đốt rơm rạ trái quy định không chỉ gây ảnh hưởng xấu đến môi trường không khí mà còn tác động tiêu cực đến sức khỏe con người và gây mất an toàn giao thông.

Đốt rơm rạ trái quy định không chỉ gây ảnh hưởng xấu đến môi trường không khí mà còn tác động tiêu cực đến sức khỏe con người.

Ông Tạ Quang Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Môi trường, Bộ Giao thông Vận tải đánh giá, việc đốt rơm rạ sau khi thu hoạch vụ lúa từ lâu đã trở thành thói quen của người nông dân. Tuy nhiên, hiện nay, với xu hướng đô thị hóa các vùng nông thôn, nhiều tuyến giao thông liên tục được xây dựng, mở rộng đi qua những khu vực đồng ruộng khiến việc đốt rơm, rạ trở thành một trong những tác nhân gây mất an toàn giao thông tại nhiều tuyến đường.

“Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đã phối hợp với Hà Nội tổ chức tuyên truyền người dân đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa trong việc thu gom vận chuyển rơm rạ. Khuyến cáo việc ứng dụng các chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ sau thu hoạch thành phân bón hữu cơ phục vụ nông nghiệp, sản xuất nấm… góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường”, ông Hưng cho biết.

Đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội (Sở TN&MT Hà Nội) cho biết, hiện nay, UBND thành phố cũng đã có Chỉ thị yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước UBND thành phố trong việc chỉ đạo, triển khai thực hiện, đảm bảo không còn hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định trên địa bàn. Các quận, huyện, thị xã cũng đã có các văn bản, kế hoạch liên quan để giảm thiểu tối đa tình trạng đốt rơm rạ.

Đồng thời khuyến khích các HTX, các cơ sở sản xuất nông nghiệp tận dụng nguồn rơm rạ sau thu hoạch lúa làm thức ăn cho gia súc, tận dụng rơm rạ để sản xuất nấm rơm giúp tăng thêm thu nhập.

Bên cạnh đó còn tận dụng rơm rạ để ủ phân hữu cơ bón cho cây trồng. Vỏ trấu cũng được đưa vào phục vụ sản xuất nông sản sạch như sản xuất trấu viên để xuất khẩu, từ đó giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường thay vì trước đây phải bỏ đi.

Nhiều HTX ở Hà Nội hiện đã và đang tổ chức tập huấn cho các thành viên sử dụng sản phụ từ sản xuất lúa gạo, chủ yếu là thu gom rơm trồng nấm.

Hiệu quả từ các mô hình

Thực tế, có nhiều mô hình thiết thực, hiệu quả, tạo ra việc làm trong lúc nông nhàn, tăng thu nhập, đặc biệt là giảm được ô nhiễm môi trường, tránh gây ngộ độc hữu cơ cho vụ lúa tiếp theo. Điển hình như HTX nông nghiệp Mai Đình, huyện Sóc Sơn.

Nhiều mô hình trồng nấm của HTX đã ra đời, giúp giảm thiểu môi trường từ đốt rơm rạ, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững.

Đại diện HTX cho biết: HTX có tổng diện tích 200ha, trong đó có 180ha canh tác lúa. Nhiều năm qua, nông dân trong HTX rất phấn khởi và tự tin nhờ hệ thống tưới tiêu khá tốt của HTX đầu tư, lúa trồng trong đê bao nên nông dân rất yên tâm, không sợ mưa lũ bị ngập úng.

Bên cạnh đó HTX còn khuyến khích nông dân sau khi thu hoạch xong vụ lúa, thay vì bán hoặc đốt bỏ rơm rạ thì đem về nhà trồng nấm rơm để tăng thu nhập cho gia đình. Khi trồng nấm rơm xong, tận dụng rơm mục có sử dụng chế phẩm sinh học Trichoderma để ủ thành phân hữu cơ bón cho rau màu và cây ăn trái của gia đình.

“Đặc biệt, sử dụng nấm Trichoderma và chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ tại đồng ruộng giúp tăng cường nguồn phân hữu cơ cho đất. Tận dụng nguồn rơm rạ để tạo các sản phẩm có giá trị cao hơn như trồng nấm, ủ phân hữu cơ bón cho các loại cây trồng giúp giải quyết công ăn việc làm và tăng thu nhập, giảm thiểu ô nhiễm môi trường”. Vị đại diện HTX này đánh giá.

Tại huyện Chương Mỹ, ông Vũ Tiến Đức, Giám đốc HTX sản xuất nấm Đức Hà, xã Trần Phú chia sẻ, HTX đã vận động nông dân trong xã không đốt rơm rạ sau thu hoạch, mà sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý rơm rạ hoặc là tận dụng rơm rạ để trồng nấm, HTX sẽ đào tạo các hộ nông dân kỹ thuật trồng, áp dụng các kiến thức về sản xuất nấm.

Được biết, trang trại sản xuất nấm rơm của HTX sản xuất nấm Đức Hà hiện sản xuất với quy mô 20 - 40 tấn rơm/năm. Thu nhập từ nấm rơm đem lại khoảng 100 triệu đồng/năm và với nấm sò là 120 triệu đồng/năm, người lao động thu nhập từ 150 - 200 nghìn đồng/người/ngày.

Ngoài các mô hình trồng nấm, nhiều HTX ở thủ đô cũng đã đầu tư mô hình thu gom rơm bằng máy cuốn rơm. Không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, việc thu gom rơm rạ bằng máy cuốn rơm còn hạn chế ô nhiễm môi trường, rơm rạ được thu gom để sử dụng trong chăn nuôi, làm nấm, che phủ đất để trồng cây, chế biến phân hữu cơ, giảm lượng rơm phơi trên đường, làm cho đường làng ngõ xóm sạch hơn.

Có thể thấy, ngoài lợi ích kinh tế, việc thu gom rơm còn hạn chế ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, việc đưa máy cuộn rơm vào sản xuất cũng là hình thức tăng cường ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất, nâng cao giá trị thu hoạch trên diện tích canh tác, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững.

Kim Yến

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//kinh-doanh-xanh/kiem-soat-o-nhiem-khong-khi-tu-san-xuat-nong-nghiep-o-ha-noi-1085246.html