Kiểm soát an toàn thực phẩm tại các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc

GĐXH - Ở nước ta có nhiều lễ hội truyền thống. Đặc biệt là ngày hội văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc luôn thu hút đông đảo người dân tham gia nên vấn đề an toàn thực phẩm đòi hỏi kiểm soát càng chặt chẽ hơn để tránh nguy cơ ngộ độc tập thể.

Nguy cơ ngộ độc thực phẩm ở lễ hội truyền thống

Thời gian qua đã có không ít vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra ở các buổi ăn uống đông người, lễ hội. Ở các dịp lễ hội, điều kiện chế biến, bảo quản cùng với nguồn nguyên liệu cần được kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo ATTP cho người dân, khách thập phương. Dịch vụ ăn uống ở các lễ hội mang tính chất tạm thời; hàng quán "dựng" tạm bợ, đơn giản, thiếu nước sạch, thiếu phương tiện thu gom chất thải, thiếu điều kiện bảo quản và chế biến thực phẩm an toàn; nhiều nơi bố trí ngay ở đường đi… làm cho thức ăn dễ ô nhiễm, thực khách dễ bị ngộ độc thực phẩm.

Ở địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nguy cơ càng cao hơn. Bởi nguồn thực phẩm sử dụng hàng ngày như thịt, cá và các loại thực phẩm thiết yếu khác rất ít, không đủ đáp ứng cho nhu cầu, thường là do các tiểu thương đưa về từ các thị trấn, thị tứ hoặc vùng tiếp giáp. Phương tiện vận chuyển thực phẩm chủ yếu là xe khách hoặc xe máy, vận chuyển đến các cửa hiệu bán hàng nhỏ, lẻ, rải rác khắp nơi, khiến những mặt hàng này có nguy cơ mất an toàn thực phẩm rất cao.

Thêm vào đó, người dân vẫn chưa quan tâm nhiều, thậm chí thiếu kiến thức về an toàn thực phẩm. Khi mua thức ăn, uống thường không cần kiểm tra hạn sử dụng hay nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Ngay tại các phiên chợ vùng cao, nguy cơ mất an toàn thực phẩm cũng rất lớn khi đồ ăn chín được bày bán ngoài trời không cần che đậy, không có bất cứ giấy chứng nhận gì về đảm bảo an toàn thực phẩm.

Chính vì sự mất an toàn thực phẩm này nên hàng năm, số vụ ngộ độc từ miền núi, vùng sâu, vùng xa thời gian qua luôn tăng cao và để lại những hậu quả khó lường.

Nhiều địa phương vùng cao tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm tại các chợ, lễ hội. Ảnh MH

Nhiều địa phương vùng cao tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm tại các chợ, lễ hội. Ảnh MH

Tháng 9/2023, Trung tâm Y tế huyện Tủa Chùa, Điện Biên đã ghi nhận 11 trường hợp ngộ độc thực phẩm; trong đó có 4 trẻ em tại chợ phiên Tả Sìn Thàng. Các trường hợp đều có chung các triệu chứng lâm sàng như đau bụng, nôn mửa, đi ngoài phân lỏng nhiều lần. Qua điều tra xác minh, các trường hợp trên được chẩn đoán nghi ngộ độc thực phẩm do ăn bún tươi. Chủ cơ sở cung cấp bún đã không xuất trình được cam kết an toàn thực phẩm; phiếu kết quả kiểm nghiệm đã hết hạn; điều kiện sản xuất chưa đảm bảo theo quy định.

Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), ngộ độc thực phẩm rất nguy hiểm. Người bị ngộ độc không đơn giản chỉ bị rối loạn tiêu hóa mà có thể gặp phải những biến chứng nguy hiểm. Đặc biệt là trẻ nhỏ, người cao tuổi, người đang dùng các thuốc gây giảm miễn dịch trong điều trị các bệnh như ung thư, bệnh khớp, suy dinh dưỡng… ngộ độc thực phẩm càng nguy hiểm hơn. Nếu không phát hiện, xử lý kịp thời, nguy cơ tử vong rất cao.

Các lễ hội của đồng bào dân tộc tăng cường kiểm soát ATTP

Trước thực tế đã có nhiều vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra ở những nơi tập trung đông người như lễ hội, nhiều địa phương đã tăng cường kiểm soát ATTP. Như ngày hội văn hóa truyền thống của của đồng bào Bh’noong ở Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam với chủ đề "Sắc màu văn hóa Bh’noong - điểm hẹn mới", công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn trong những ngày diễn ra lễ hội truyền thống đã đặc biệt được quan tâm.

Theo ông Đỗ Hoài Xoan - Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, sau vụ ngộ độc cá muối chua vào tháng 3, khi lễ hội diễn ra, địa phương tăng cường kiểm soát ATTP tại các lễ hội, khuyến cáo người dân ăn chín uống sôi, không trữ thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. Đồng thời rà soát các món ăn có nguy cơ gây ngộ độc, nhất là trong cách chế biến và bảo quản thực phẩm tươi sống.

Hay tại Festival Khèn Mông và Lễ hội Văn hóa ẩm thực phẩm ba miền Bắc - Trung - Nam tại tỉnh Hà Giang năm 2023 là sự kiện văn hóa lớn. Để chủ động công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm xảy ra trước và trong thời gian diễn ra sự kiện, địa phương cũng đã tăng cường kiểm soát.

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Giang thành lập đoàn kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm các nhà hàng, khách sạn phục ăn uống trên địa bàn thành phố; khách sạn phục vụ ăn nghỉ cho các đại biểu và 60 gian hàng ẩm thực phẩm ba miền. Đồng thời kiểm tra, giám sát đến từng gian hàng, tuyên truyền các cơ sở chú ý khâu chế biến, bảo quản thực phẩm, đeo găng tay, khẩu trang khi tiếp xúc với thực phẩm, luôn giữ vệ sinh quầy hàng…; Lấy mẫu ngẫu nhiên test nhanh tại chỗ một số mẫu thực phẩm… góp phần ngăn ngừa thực phẩm không an toàn, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm trong suốt thời gian diễn ra sự kiện.

Để bà con có ý thức hơn trong phòng tránh an toàn thực phẩm, chuyên gia cũng tuyên truyền không chế biến thực phẩm tại những nơi có nguy cơ nhiễm khuẩn, như gần ao hồ, sông suối… Bên cạnh đó cần tự nâng cao ý thức phòng tránh ngộ độc bằng cách không sử dụng các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc hay không đảm bảo an toàn.

Hà My

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/kiem-soat-an-toan-thuc-pham-tai-cac-le-hoi-truyen-thong-cua-dong-bao-dan-toc-169230924092213357.htm