Kiểm lâm viên 'mê' làm giàu từ nghề nuôi đông trùng hạ thảo

Vốn là một kỹ sư lâm nghiệp, thế nhưng, anh Nguyễn Hữu Hiện (xã Phú Lương, Đông Hưng, Thái Bình) quyết tâm đầu tư và phát triển đông trùng hạ thảo ở quê hương.

Kiểm lâm viên mê làm giàu từ nghề nuôi đông trùng hạ thảo

Sinh ra và lớn lên tại Thái Bình, ngay sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Lâm Nghiệp (Hà Nội), anh Nguyễn Hữu Hiện làm việc trong ngành kiểm lâm tại Lai Châu. Tuy nhiên, anh vẫn mong muốn một ngày nào đó có thể thực hiện ước mơ làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Anh Nguyễn Hữu Hiện, chủ cơ sở sản xuất đông trùng hạ thảo Phú Hưng. (Ảnh: ĐN)

Anh Hiện cho biết, anh bén duyên với đông trùng hạ thảo từ năm 2018, thời điểm này anh và vợ vẫn còn công tác trên Lai Châu. Tuy nhiên, đầu năm 2022, khi tích lũy đủ kinh nghiệm và tài chính, anh chị quyết tâm trở về Thái Bình mở cơ sở sản xuất trồng đông trùng hạ thảo Phú Hưng.

Vào thời điểm đó, tiềm năng thị trường tiêu thụ cả nước rất lớn, do vậy anh mới đưa ra quyết định có phần mạo hiểm, “vét” hết vốn liếng để đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất và nuôi trồng đông trùng hạ thảo.

“Vào thời điểm sau đại dịch Covid-19 không lâu, lúc ấy, tôi chỉ nghĩ rằng nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam đang rất lớn, trong khi cuộc sống của bà con ở quê còn nhiều khó khăn, tại sao mình không đầu tư để thực hiện ước mơ làm giàu của mình và cũng phần nào giúp cải thiện cuộc sống cho bà con. Suy nghĩ ấy đã khiến tôi quyết tâm về quê hương làm kinh tế sau hơn 10 năm sống và làm việc tại Lai Châu”, anh Hiện nói.

Khi bắt tay vào xây dựng cơ sở sản xuất Phú Hưng, anh Hiện đối mặt với không ít khó khăn, từ việc lựa chọn giống, quy trình sản xuất,... cho tới mẫu mã, bao bì phải đẹp mắt để cạnh tranh tại thị trường nội địa.

Ở thời điểm hiện tại, các sản phẩm của cơ sở này được rất nhiều người tiêu dùng trong nước đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã đẹp nhưng giá thành hợp lý.

Anh Hiện tiết lộ, để có sản phẩm đạt chất lượng, bản thân anh đã trực tiếp tuyển chọn các loại phôi giống tốt nhất.

Sau khi lựa chọn giống, đông trùng hạ thảo theo quy trình khép kín, từ sơ chế nguyên liệu để nuôi nấm từ gạo lứt, nhộng tằm, khoai tây nghiền nát, sau đó mang hấp tiệt trùng và chuyển sang phòng lạnh cho nguội rồi bắt đầu cấy phôi giống vào, ủ tối từ 7 - 10 ngày để nuôi sợi, sau đó mới đến giai đoạn tạo giá thể, nuôi giá thể nấm và thu hoạch.

Các sản phẩm được nhiều người tiêu dùng trong nước đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã đẹp, giá thành hợp lý. (Ảnh: DM)

Anh Hiện chia sẻ: Trong quá trình nuôi trồng đông trùng hạ thảo, ngoài giống tốt, môi trường, nhiệt độ nuôi là yếu tố quyết định đến sự thành bại. Phòng nuôi phải bảo đảm các điều kiện về tiệt trùng, hệ thống chiếu sáng, hệ thống máy lạnh và giàn giá để đặt hộp nuôi.

“Đặc biệt, nhiệt độ phải bảo đảm từ 18 – 20 độ C, độ ẩm từ 80 - 90%. Khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện trên, khoảng 60 - 65 ngày có thể thu hoạch đông trùng hạ thảo”, anh Hiện nói.

Bí quyết lựa chọn đông trùng hạ thảo

Cơ sở đông trùng hạ thảo Phú Hưng cung cấp cho thị trường sản phẩm đông trùng hạ thảo tươi, sấy khô và nhộng đông trùng hạ thảo. Đặc biệt, cơ sở cũng mới cho ra đời sản phẩm viên nghệ đông trùng hạ thảo với nhiều công dụng vô cùng hữu ích.

Đến nay các dòng sản phẩm đông trùng hạ thảo của Phú Hưng đã có mặt ở hầu khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Cơ sở đông trùng hạ thảo Phú Hưng cung cấp cho thị trường sản phẩm đông trùng hạ thảo tươi, sấy khô và nhộng đông trùng hạ thảo. (Ảnh: DM)

Mô hình nuôi đông trùng hạ thảo của gia đình anh Hiện đã tạo việc làm cho bà con, nhờ đó được lãnh đạo địa phương ghi nhận và đánh giá rất cao.

Theo ông Nguyễn Trọng Thành, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp xã Phú Lương, đây là mô hình đầu tiên nuôi trồng đông trùng hạ thảo của địa phương nói riêng, của huyện Đông Hưng nói chung.

Đến nay đã gần hai năm đi vào hoạt động, cũng là chừng ấy thời gian cơ sở sản xuất đông trùng hạ thảo Phú Hưng tạo việc làm cho lao động địa phương. Đây là mô hình làm kinh tế điển hình, cần nhân rộng.

Về vấn đề này, anh Hiện chia sẻ, anh rất sẵn lòng chuyển giao công nghệ cho những cá nhân, tổ chức có đam mê và nhu cầu nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để sản xuất đông trùng - sản phẩm vàng cho sức khỏe.

Thời gian tới, bên cạnh việc “dạy nghề”, anh sẽ tiếp tục phát triển các sản phẩm đông trùng hạ thảo có tính chất chuyên biệt cho đối tượng sử dụng như: người ăn kiêng, người bị bệnh tiểu đường, người đau dạ dày…

Nếu phân biệt bằng vị giác, đông trùng hạ thảo thật khi nhai trực tiếp sẽ có mùi thơm, càng nhai càng thơm. (Ảnh: DM)

Nhiều người đã biết đến công dụng của đông trùng hạ thảo nhưng không phải ai cũng có thể phân biệt đông trùng hạ thảo giả, nhái, kém chất lượng.

Chia sẻ về cách lựa chọn đông trùng hạ thảo nuôi cấy hữu cơ uy tín, chất lượng, chủ cơ sở sản xuất đông trùng hạ thảo Phú Hưng cho biết: Nếu phân biệt bằng vị giác, đông trùng hạ thảo thật khi nhai trực tiếp sẽ có mùi thơm, càng nhai càng thơm; còn nếu là sản phẩm giả thì sẽ có mùi nồng, giống bột đất sét và cứng.

Nếu phân biệt bằng khứu giác, đông trùng hạ thảo thật sẽ có mùi thơm như nấm rơm và đậm mùi tanh của nấm hương, còn sản phẩm giả, nhái sẽ không có các mùi này.

Định Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/kiem-lam-vien-me-lam-giau-tu-nghe-nuoi-dong-trung-ha-thao-post274722.html