Kiểm kê và giảm phát thải khí nhà kính để xuất khẩu thép sang EU

Từ 1/10/2023, các doanh nghiệp thép xuất khẩu sang EU phải thực hiện Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của châu Âu, trước mắt là thực hiện Báo cáo kiểm kê và giảm phát thải khí nhà kính.

Ngày 12/9 tại Hà Nội, trong khuôn khổ Hội nghị và Triển lãm “Ngành Thép Việt Nam hướng tới chiến lược tăng trưởng xanh” diễn ra từ ngày 12-13/9, Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) phối hợp với Hiệp hội Thép tổ chức Hội thảo - đào tạo về phương pháp kiểm kê, giảm nhẹ và báo cáo phát thải khí nhà kính cho các công ty ngành thép.

Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam phát biểu tại sự kiện. Ảnh: LV

Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam phát biểu tại sự kiện. Ảnh: LV

Thép là một trong những ngành công nghiệp cơ bản ở Việt Nam vì sản phẩm của ngành là nguyên liệu đầu vào cho nhiều lĩnh vực khác như xây dựng, liên quan đến hậu cần (đóng tàu và vỏ container), ô tô, thiết bị gia dụng, cơ khí và các ngành khác.

Mặt khác, ngành thép là một trong những ngành phát thải nhiều nhất ở Việt Nam. Ước tính ngành thép sẽ thải ra khoảng 122,5 triệu tấn CO2 vào năm 2025 và khoảng 132,9 triệu tấn vào năm 2030, chiếm khoảng 17% tổng lượng khí thải của cả nước.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nghiêm Xuân Đa - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, từ 1/10/2023, các doanh nghiệp thép xuất khẩu sang EU phải thực hiện Cơ chế CBAM của châu Âu, trước mắt là thực hiện Báo cáo kiểm kê và giảm phát thải khí nhà kính. Kiểm kê và báo cáo giảm phát thải khí nhà kính sẽ giúp các doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu quy định của pháp luật và các yêu cầu của thị trường xuất khẩu, trong đó có EU.

Năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 8,397 triệu tấn thép, giảm 35,85% so với năm trước. Giá trị xuất khẩu đạt 7,99 tỷ USD, giảm 32,2% so với năm 2021.

Ông Chu Đức Khải - Chủ tịch Hội đúc và luyện kim Việt Nam cho biết, theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, tới năm 2045 Việt Nam sẽ trở thành nước công nghiệp phát triển. Khi đó tiêu thụ thép/đầu người/năm sẽ phải đạt 500 - 700 kg (hiện tại mới đạt 241,67 kg/người/năm). Vì vậy, ngành thép Việt Nam sẽ còn phải phát triển mạnh hơn nữa mới đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế quốc dân.

Tuy nhiên, ngành sắt thép và nhôm sẽ phải thực hiện Cơ chế CBAM từ ngày 1/10/2023. Do vậy, nếu doanh nghiệp muốn duy trì thị trường xuất khẩu thì phải tuân thủ kiểm kê và giảm phát thải khí nhà kính theo Quyết định 01/2022/QĐ-TTg (về Danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính) và Cơ chế CBAM.

Kiểm toán, giảm thiểu và báo cáo phát thải khí nhà kính ngày càng trở nên quan trọng đối với các công ty thép ở Việt Nam để đáp ứng các quy định ngày càng chặt chẽ nhằm hướng đến mục tiêu mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và yêu cầu khắt khe về thép có hàm lượng carbon thấp của người mua cuối trong chuỗi giá trị.

Tại hội thảo, các nhà sản xuất thép được tìm hiểu rõ hơn về cách các công nghệ khử cacbon công nghiệp, qua đó giảm lượng khí thải carbon trong sản phẩm của họ cũng như các cơ hội và thách thức liên quan đến giao dịch carbon, thông qua việc đào tạo về kiểm kê, giảm thiểu và báo cáo phát thải khí nhà kính ở cấp độ doanh nghiệp cho các công ty thép.

Hội thảo cũng cung cấp cho các công ty thép công cụ tính toán (mô hình excel) có thể sử dụng để lập báo cáo phát thải khí nhà kính hàng năm và kế hoạch giảm nhẹ khí nhà kính theo quy định của Việt Nam./.

Hà My

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/kiem-ke-va-giam-phat-thai-khi-nha-kinh-de-xuat-khau-thep-sang-eu-135643.html