Kiếm hiệp Kim Dung: Bang chủ Cái Bang không biết Đả cẩu bổng pháp

Đả cẩu bổng pháp là một trong hai tuyệt kỹ trấn bang của phái Cái Bang, chỉ có thể truyền cho bang chủ, thường dùng chung với Đả cẩu bổng.

Cái Bang là một môn phái rất nổi tiếng xuất hiện trong nhiều tác phẩm võ hiệp của nhiều nhà văn. Với đặc điểm là số lượng bang nhân đông đảo, phân bố rộng rãi, có nhiều tai mắt khắp nơi, khá giỏi trong việc thu thập tin tức, có mạng lưới tình báo nhanh nhất trong chốn giang hồ. Tất cả thành viên đều là ăn xin, nhưng vẫn có ngoại lệ xuất thân cao quý, họ cũng không chỉ biết ăn xin mà còn có một số hội quán buôn bán. Cái Bang bình thường được tôn vinh là một bang phái chính nghĩa, và với số lượng môn nhân đông đảo nên được mệnh danh là "Thiên hạ đệ Nhất đại bang".

Trong các tiểu thuyết kiếm hiệp của cố nhà văn Kim Dung, Cái Bang là một trong những bang phái đứng đầu thiên hạ xưng hùng cùng với các phái như Thiếu Lâm và Minh Giáo. Cái Bang sở dĩ có thể thống lĩnh giang hồ đương nhiên không thể không kể đến 2 tuyệt kỹ trấn phái vô song được truyền lại qua nhiều đời là Hàng long thập bát chưởng và Đả cẩu bổng pháp.

Trong đó Đả cẩu bổng pháp chỉ có thể truyền cho bang chủ, do bang chủ đời trước truyền lại cho người kế nhiệm. Môn côn pháp này phải dùng chung với bảo vật trấn bang là Đả cẩu bổng. Đả cẩu bổng pháp có 36 chiêu, mỗi chiêu đánh rất nhanh nhẹn, linh động, tùy cơ ứng biến khiến cho người có võ công kém hơn đối thủ cũng có thể chiến thắng. Trong mấy trăm năm tồn tại của Cái Bang không một bang chủ nào là không biết môn bổng pháp này trừ Du Thản Chi.

Du Thản Chi là một nhân vật xuất hiện trong tiểu thuyết kiếm hiệp Thiên long bát bộ. Chàng là thiếu trang chủ Tụ Hiền trang, con trai của Du Ký - một trong Du Thị Song Hùng.

Du Thản Chi vốn là kẻ có thân thể yếu ớt, võ học tầm thường lúc còn nhỏ. Tuy nhiên, sau khi gia đình gặp biến cố, Du Thản Chi phiêu dạt giang hồ, bất ngờ luyện được tuyệt thế võ công nhờ vậy mà thoát chết. Về sau càng bất ngờ hơn khi chàng vô tình hút hết chất độc của Băng Tằm ngàn năm nên trong mình vừa mang nội công thượng thừa, vừa có tính âm độc của Băng Tằm, đồng thời vạn độc bất xâm.

Trong một lần Du Thản Chi vô tình gặp và kết giao với để tự của Cái Bang là Toàn Quán Thanh, và đã gia nhập Cái Bang (lúc này Kiều Phong đã bị đuổi khỏi Cái Bang vị trí bang chủ vẫn còn trống), nhờ có nội công thượng thừa Du Thản Chi đoạt được chức bang chủ.

Khi Du Thản Chi làm Bang chủ Cái Bang, Kiều Phong đã rời đi nên chàng không học được Đả cẩu bổng pháp. Lúc này Du Thản Chi được A Tử truyền dạy cho một số công phu độc môn của phái Tinh Tú, tuy nhiên sự lợi hại của Du Thản Chi vẫn xuất phát từ nội công thượng thừa của Phật môn kết hợp với tính âm độc của Băng Tằm.

Quốc Tiệp

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/kiem-hiep-kim-dung-bang-chu-cai-bang-khong-biet-da-cau-bong-phap-a636419.html