Kích hoạt hành động sớm để hỗ trợ người dân ứng phó với hạn mặn

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang ở trong thời điểm xâm nhập mặn cao nhất khiến hàng nghìn hộ dân thiếu nước sinh hoạt, việc canh tác nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình trên, các đối tác phòng chống thiên tai của Việt Nam đã kích hoạt hành động sớm để hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống. Cùng với đó, các đơn vị BĐBP đã hỗ trợ, cung cấp nước ngọt cho người dân vùng hạn mặn.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp trao kinh phí hỗ trợ người dân bị hạn mặn tại Cà Mau trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường năng lực và mở rộng quy mô triển khai hành động sớm cùng với việc kết nối với hệ thống bảo trợ xã hội”. Ảnh: Ngọc Hà

Hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn

Do tác động của El Nino, hạn hán, xâm nhập mặn cao, vào sâu trong nội địa đang khiến hầu hết các sông, kênh, rạch ở khu vực ĐBSCL đều bị nhiễm mặn với các mức độ khác nhau. Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài đã ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội và đời sống của người dân, như: sụt lún trên một số tuyến đường giao thông, sinh kế của bà con đảo lộn, khu vực nông thôn bị thiếu nước cho sinh hoạt và sản xuất..., gây trở ngại trong đời sống của người dân.

Tại tỉnh Tiền Giang, từ khoảng giữa tháng 3/2024 đến nay, nhân dân 7 xã, thị trấn trên địa bàn khu vực biên giới biển bị ảnh hưởng nặng của xâm nhập mặn kéo dài và thiếu nước sạch sinh hoạt. Địa phương bị ảnh hưởng nhiều nhất là các xã Tân Thành, Tân Điền, Gia Thuận (huyện Gò Công Đông), xã Phú Tân (huyện Tân Phú Đông).

Xuất phát từ tình hình trên, Bộ Chỉ huy BĐBP Tiền Giang đã chỉ đạo các đồn Biên phòng triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi hạn mặn. Đến nay, các đơn vị đã vận động nhà hảo tâm, các tổ chức chính trị xã hội hỗ trợ 1.400 can nhựa chứa nước, 400 thùng nước lọc và tham gia vận chuyển hơn 1.500m3 nước sạch đến các hộ dân đang thiếu nước sạch sinh hoạt.

Với đặc thù 3 mặt giáp biển, Cà Mau là tỉnh duy nhất trong 13 tỉnh ĐBSCL không có nguồn nước ngọt bổ sung. Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, địa phương đang phải trải qua một đợt hạn hán khốc liệt. Cà Mau không có nguồn nước ngọt bổ sung từ các con sông lớn, nguồn nước sản xuất, sinh hoạt của người dân phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nước mưa. Mỗi đợt hạn hán kéo dài thì kênh rạch vùng ngọt hóa của tỉnh khô cạn, nguy cơ cháy rừng tăng cao, người dân thiếu nước sạch sinh hoạt. Hiện, gần 16km đường giao thông nông thôn của tỉnh bị sụt lún, trên 2.600 hộ dân gặp khó khăn về nước sạch, trên 35.500ha rừng nguy cơ cháy từ cấp III đến cấp V, cùng nhiều thiệt hại khác.

“Để ứng phó với tình hình này, tỉnh Cà Mau đã tập trung nhiều nguồn lực, chủ động triển khai đồng bộ nhiều biện pháp từ phi công trình đến công trình, triển khai hành động sớm trước hạn hán, ứng phó trong hạn hán và sắp tới đây là khắc phục hậu quả sau hạn hán. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, đây là đợt hạn hán khốc liệt, Cà Mau với địa bàn rộng, ảnh hưởng nặng nề, số lượng các hộ dân yếu thế, dễ bị tổn thương do hạn hán khá lớn, nội lực của tỉnh tại thời điểm này chưa thể đáp ứng được” – ông Sử cho biết thêm.

Nhằm giúp đỡ người dân ứng phó với hạn mặn, qua đánh giá tình hình thực tế tại tỉnh Cà Mau, từ ngày 9/4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam quyết định kích hoạt hành động sớm để hỗ trợ các hộ gia đình khó khăn tại tỉnh Cà Mau. Hơn 1.000 hộ gia đình sẽ được hỗ trợ tiền mặt vào 2 đợt (trong tháng 4 và 5) với mức hỗ trợ là 6 triệu đồng cho mỗi hộ gia đình có 3 nhân khẩu trở lên. “Khoản hỗ trợ sẽ chỉ phần nào cung cấp được các nhu cầu thiết yếu tối thiểu, nhưng nó mang một ý nghĩa lớn hơn, đó là hỗ trợ bà con chủ động hơn trong ứng phó và giảm thiểu tác động của thiên tai, sớm ổn định cuộc sống” - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết.

Hành động sớm để bảo vệ sinh kế của người dân

Từ năm 2022, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai đã phối hợp với FAO tại Việt Nam thực hiện dự án hỗ trợ kỹ thuật "Tăng cường năng lực và quy mô triển khai hành động sớm cùng với việc kết nối với hệ thống bảo trợ xã hội". Đây là một dự án vùng gồm 5 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Hợp phần dự án ở Việt Nam có tổng ngân sách dự kiến khoảng 1,7 triệu USD từ nguồn vốn ODA viện trợ không hoàn lại của Cơ quan hoạt động viện trợ nhân đạo và bảo vệ dân sự châu Âu (DG ECHO) thông qua FAO.

Cán bộ BĐBP Tiền Giang cấp phát nước ngọt cho người dân bị ảnh hưởng bởi hạn mặn. Ảnh: Đan Nguyễn

Dự án với mục tiêu cụ thể nhằm bảo vệ sinh kế, an ninh lương thực và đảm bảo dinh dưỡng cho các hộ gia đình dễ bị tổn thương ở khu vực nông thôn bằng việc dự báo trước các tác động của thiên tai, sử dụng phương pháp tiếp cận thống nhất trong triển khai hỗ trợ nhân đạo, tăng cường công tác quản trị và tính chủ động trong công tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai tại Việt Nam, trong đó bao gồm việc kết nối và bổ trợ cho hệ thống bảo trợ xã hội quốc gia. Qua đây sẽ tăng cường khả năng chống chịu và phục hồi của các hộ gia đình dễ bị tổn thương ở các khu vực nông thôn, đồng thời bảo vệ những thành tựu của công cuộc phát triển kinh tế-xã hội trước thiên tai.

Địa bàn thực hiện dự án là một số tỉnh ven biển miền Trung và ĐBSCL với loại hình thiên tai bão, lũ lụt, hạn hán và xâm nhập mặn. Đến nay, Ban quản lý dự án đã tham vấn, khảo sát chính quyền các cấp tại địa phương để xác định danh mục hành động sớm phù hợp cho các loại hình thiên tai khác nhau; tổ chức các hội thảo và các khóa tập huấn cấp xã để tăng cường nhận thức và nâng cao năng lực thực hiện hành động sớm cho các cán bộ từ trung ương đến địa phương trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; nghiên cứu thử nghiệm ngưỡng kích hoạt hành động sớm và xây dựng Quy trình triển khai hành động sớm dựa vào dự báo bão và lũ lụt ở miền Trung và hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL.

Quy trình triển khai hành động sớm đã được áp dụng vào một số hoạt động như: Tổ chức thành công diễn tập hành động sớm dựa vào dự báo bão và ngập lụt tại tỉnh Quảng Trị và tỉnh Quảng Nam; kích hoạt hành động sớm hỗ trợ 600 hộ gia đình tại tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế trước cơn bão NORU năm 2022; hỗ trợ 1,8 triệu đồng/hộ gia đình cho 731 hộ gia đình tại 7 xã tại tỉnh Thừa Thiên Huế trước đợt lũ lụt tháng 11/2023; đang triển khai hỗ trợ 5,5 tỷ đồng cho người dân tỉnh Cà Mau ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn.

Bên cạnh đó, dự án cũng nghiên cứu lồng ghép hành động sớm dựa vào dự báo thiên tai vào kế hoạch phòng chống thiên tai các cấp; nghiên cứu khả năng kết nối hành động sớm với hệ thống bảo trợ xã hội và thí điểm tại tỉnh Thừa Thiên Huế; thí điểm lán trại sơ tán gia súc khi có ngập lụt do mưa bão tại một số địa phương miền Trung; hỗ trợ xây dựng Tuyên bố Hạ Long về tăng cường hành động sớm trong quản lý thiên tai khu vực ASEAN.

An Nhiên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/kich-hoat-hanh-dong-som-de-ho-tro-nguoi-dan-ung-pho-voi-han-man-post475141.html