Khuyến khích xã hội hóa sân chơi cho trẻ

Chung tay xây dựng sân chơi, điểm sinh hoạt cộng đồng cho thanh thiếu nhi trên địa bàn tỉnh là hoạt động ý nghĩa, thường xuyên được ngành Văn hóa quan tâm.

Các em học sinh tham gia vẽ tranh theo sách hè năm 2023 tại Thư viện Đồng Nai. Ảnh: L.NA

Không chỉ chỉ ưu tiên bố trí các công trình phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí cho trẻ tại hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, các đơn vị, địa phương còn kêu gọi xã hội hóa, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư sân chơi, mang đến cho trẻ không gian sinh hoạt bổ ích, lành mạnh.

* Thiếu các điểm vui chơi, giải trí cho trẻ

Theo Trưởng phòng Văn hóa - thông tin H.Định Quán Đinh Tèo, với đặc thù địa bàn miền núi, diện tích rộng, mật độ dân cư phân bố không đều, kinh tế còn nhiều khó khăn… nên các dịch vụ vui chơi, giải trí cho trẻ trên địa bàn Định Quán chưa đáp ứng được nhu cầu. Toàn huyện hiện có 21 cơ sở tổ chức hoạt động bơi lặn, 13 điểm du lịch và 5 khu vui chơi, giải trí dành cho trẻ em.

Tính đến thời điểm hiện tại, H.Định Quán có 13/14 xã, thị trấn có trung tâm văn hóa thể thao - học tập cộng đồng xã (riêng TT.Định Quán sử dụng chung với thiết chế văn hóa, thể thao của huyện); 95/96 ấp, khu phố có nhà văn hóa và 3 nhà văn hóa dân tộc: Mạ, Chơro và Mường là nơi tổ chức sinh hoạt, văn nghệ, thể thao cho đồng bào dân tộc. Tuy nhiên, tại các thiết chế vẫn còn thiếu các trang thiết bị, trò chơi cho thanh thiếu nhi.

Đồng Nai hiện có 7 thiết chế văn hóa cấp tỉnh; 11/11 huyện, thành phố có trung tâm văn hóa - thông tin và thể thao; có 859/925 ấp, khu phố có nhà văn hóa - khu thể thao và 14 nhà văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, cơ sở vật chất, trang thiết bị, công tác xã hội hóa xây dựng các sân chơi cho thanh thiếu nhi tại các thiết chế vẫn còn nhiều khó khăn, nhiều nơi chưa phát huy hiệu quả hoạt động.

Có 30 phường, xã song theo thống kê của Phòng Văn hóa - thông tin TP.Biên Hòa, hiện thành phố chỉ có 24 khu vui chơi, 12 điểm du lịch, 18 điểm kinh doanh dịch vụ bơi lặn và 2 điểm giải trí là Thư viện Đồng Nai và Thư viện TP.Biên Hòa. Diện tích của các thiết chế văn hóa, nhất là các nhà văn hóa nhỏ hẹp, kinh phí hoạt động còn hạn chế nên việc xây dựng và lắp đặt các thiết bị, sân chơi cho trẻ em gặp nhiều khó khăn.

Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Nguyễn Xuân Thanh cho biết, để tạo sân chơi cho người dân, đặc biệt là thanh thiếu nhi trên địa bàn đến sinh hoạt, thành phố đã triển khai kế hoạch xây dựng không gian văn hóa TP.Biên Hòa. Trong đó, chú trọng xây dựng các sân chơi, kết hợp đọc sách cho thanh thiếu nhi, tổ chức các khu rèn luyện thể dục, thể thao ngoài trời tại công viên và tại các thiết chế văn hóa của 30 phường, xã.

Phó trưởng phòng Văn hóa - thông tin H.Long Thành Trần Thị Lệ Huyền cho hay, việc đầu tư các công trình dành riêng cho trẻ ở địa phương vẫn còn rất hạn chế, thường mang tính lồng ghép vào các hạng mục công trình chung của huyện, địa phương. Hiện H.Long Thành có một số công trình dành riêng cho trẻ như: Nhà thiếu nhi huyện, 14 trung tâm văn hóa thể thao - học tập cộng đồng, 79 nhà văn hóa và 12 hồ bơi tư nhân.

Việc xã hội hóa, kêu gọi tư nhân tham gia đầu tư các tụ điểm vui chơi cho trẻ còn rất ít. Các loại hình đầu tư nhỏ lẻ, hoặc đầu tư mang tính lưu động để di chuyển từ nơi này sang nơi khác, do khả năng sinh lợi của đồng vốn thấp.

* Khuyến khích xã hội hóa…

Theo Phó giám đốc Sở VH-TTDL Nguyễn Thị Mộng Bình, công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em những năm qua đã ghi nhận nhiều chuyển biến rõ rệt. Tuy nhiên, chăm sóc trẻ là câu chuyện dài, còn nhiều thách thức, trong đó có vấn đề thiết chế văn hóa, sân chơi cho trẻ còn thiếu, nghèo nàn, chưa đáp ứng nhu cầu. Những nơi có không gian công cộng, vui chơi miễn phí cho trẻ thì chưa được đầu tư bài bản, thiếu trang thiết bị, thiếu sự quản lý chặt chẽ dẫn đến tình trạng nhiều sân chơi bị thu hẹp do bị chiếm dụng. Các khu vui chơi do tư nhân đầu tư, thu phí dịch vụ cao đã hạn chế sự tham gia của trẻ, nhất là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Để tháo gỡ vấn đề, Sở VH-TTDL đã có nhiều văn bản hướng dẫn và đưa nội dung tổ chức các hoạt động phục vụ trẻ em vào đánh giá chất lượng hoạt động các thiết chế văn hóa tại cơ sở. Đặc biệt, trong dịp hè, hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở thường xuyên tổ chức các liên hoan, hội thi, biểu diễn văn nghệ, chiếu phim lưu động; tổ chức các chuyến xe sách lưu động đến trường học vùng sâu, vùng xa, luân chuyển sách đến các tủ sách tại các thiết chế văn hóa cơ sở, phục vụ nhu cầu đọc sách của thanh thiếu nhi, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.

“Xây dựng các sân chơi cho trẻ, tưởng là việc nhỏ nhưng thực sự là một vấn đề lớn. Sở VH-TTDL đề nghị các địa phương, bằng từng việc làm cụ thể, kịp thời… cải tạo, sửa chữa, xây mới các điểm sinh hoạt, vui chơi giải trí phù hợp với từng lứa tuổi. Những đầu việc là không ít, từ quy hoạch, dành quỹ đất đến huy động các đoàn thể cùng xây dựng chương trình hoạt động lành mạnh, an toàn cho trẻ. Từng bước xã hội hóa các điểm vui chơi tư nhân, khuyến khích, hỗ trợ các nhà đầu tư mở thêm điểm hoạt động thể thao, giải trí cho thanh thiếu nhi” - bà Mộng Bình nhấn mạnh.

Ly Na

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/vanhoa/202307/khuyen-khich-xa-hoi-hoa-san-choi-cho-tre-3171669/