Khuyến khích đầu tư taxi, xe buýt điện ở huyện Cần Giờ

TP.HCM đề xuất nhiều chính sách ưu đãi cho taxi điện, xe buýt điện ở huyện Cần Giờ.

Sở GTVT TP.HCM vừa có văn bản gửi Viện Nghiên cứu Phát triển TP về cập nhật, bổ sung các nội dung liên quan chuyên đề giải pháp phát triển giao thông xanh trên địa bàn huyện Cần Giờ thuộc Đề án kiểm soát khí thải phương tiện giao thông trên địa bàn TP.

Xe buýt chưa phủ rộng

Theo Sở GTVT TP, sau khi Viện nghiên cứu đề xuất Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng (Trung tâm) nghiên cứu đề xuất cụ thể các chính sách chuyển đổi phương tiện vận tải hành khách gồm xe buýt và xe taxi trên địa bàn huyện Cần Giờ.

Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng đã đề xuất các chính sách khuyến khích, hỗ trợ, ưu đãi đối với đơn vị vận tải, doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn huyện Cần Giờ.

Trung tâm báo cáo: Hiện huyện Cần Giờ có năm tuyến xe buýt, với khoảng 350 chuyến/ngày, sản lượng trung bình khoảng 5.400 khách/ngày. Hiện hạ tầng giao thông đường bộ chưa hoàn thiện, kém liên kết với trung tâm TP, thiếu hạ tầng cầu đường bộ kết nối.

Từ nay đến 2030, huyện Cần Giờ sẽ sử dụng xe buýt điện, nhiên liệu sạch. Ảnh minh họa: ĐÀO TRANG

Đối với taxi, hiện có hai hãng taxi Mai Linh và Vinasun hoạt động vận tải, không có trụ sở hay văn phòng chi nhánh. Các đơn vị này chủ yếu vận chuyển hành khách từ quận huyện khác đến Cần Giờ và ngược lại. Do vậy, việc đề xuất chính sách chuyển đổi vận tải hành khách trên địa bàn huyện Cần Giờ, Trung tâm không để xuất chuyển đổi phương tiện taxi.

Từ đó, Trung tâm kiến nghị khuyến khích hỗ trợ, ưu đãi thực hiện đầu tư, chuyển đổi phương tiện vận tải hành khách công cộng sử dụng điện, năng lượng sạch. Trong đó, đơn vị đầu tư chi trả một phần lãi suất vay cố định 3%/năm, ngân sách TP hỗ trợ phần chênh lệch giữa lãi suất vay thực tế trừ đi 3%/năm.

Đề xuất nhiều chính sách ưu đãi doanh nghiệp

Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng đề xuất: Ngân sách TP hỗ trợ 100% tiền thuế nhập khẩu các thiết bị, phụ tùng, linh kiện, phương tiện phục vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đối với phương tiện, thiết bị chưa sản xuất được. Cùng đó, miễn lệ phí trước bạ đối với các phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng sạch.

Ngân sách TP hỗ trợ 100% tiền phí sử dụng đường bộ, phí cầu đường đối với các phương tiện vận tải hành khách công cộng sử dụng điện, năng lượng sạch; ưu tiên lựa chọn nhà đầu tư sử dụng nhiên liệu sạch.

Bên cạnh đó, ưu tiên bố trí quỹ đất tại các bến bãi xe buýt để xây dựng trạm bảo dưỡng, sửa chữa, trạm sạc điện phục vụ vận tải hành khách công cộng.

Ngân sách TP hỗ trợ 100% tiền thuế đất trong 10 năm đầu kể từ khi phát sinh nghĩa vụ nộp tiền thuê đất đối với khu vực để xây dựng trạm bảo dưỡng, sửa chữa, bãi đỗ xe, trạm sạc điện.

Đối với xe buýt điện sẽ ban hành bộ định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá đối với các loại xe buýt điện. Trong thời gian xây dựng, cho phép áp dụng đơn giá tạm thời của CNG cùng nhóm xe để thực hiện đặt hàng đối với xe buýt điện.

Trước đó, Viện nghiên cứu phát triển đã có Tờ trình về đề nghị UBND TP.HCM trình HĐND TP.HCM xây dựng Nghị quyết về chính sách hỗ trợ khuyến khích, ưu đãi và lộ trình đối với cá nhân, hộ gia đình thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch - thí điểm trên địa bàn huyện Cần Giờ.

Trong đó, mục tiêu đến năm 2030, tỉ lệ người dân và khách du lịch đến huyện Cần Giờ sử dụng phương tiện giao thông công cộng lần lượt đạt từ 20-30% và 30-50%, tỉ lệ phương tiện giao thông công cộng sử dụng năng lượng điện, khí CNG đạt 100% và tỉ lệ xe máy điện trên tổng số xe máy cá nhân đạt 50-70%.

Tổng kinh phí khoảng 250 tỉ đồng

Dự kiến tổng kinh phí thực hiện thí điểm chuyển đổi phương tiện giao thông xe máy điện từ nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch khoảng 250 tỉ đồng.

Ngân sách TP đảm bảo kinh phí thực hiện hỗ trợ cá nhân, hộ gia đình về ưu đãi phí cấp biển số, hỗ trợ một phần chi phí, ưu đãi.

ĐÀO TRANG

KIÊN CƯỜNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/khuyen-khich-dau-tu-taxi-xe-buyt-dien-o-huyen-can-gio-post789494.html