Khuyến cáo nông dân tuân thủ lịch xuống giống vụ hè - thu để tránh hạn, mặn

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong tháng 4 và tháng 5 còn 03 đợt xâm nhập mặn tăng cao, ranh giới mặn 04g/l sẽ xâm nhập sâu về thượng lưu trên 02 nhánh sông Cổ Chiên và Sông Hậu, cách cửa biển từ 50 - 65km; trong đó nhánh sông Cổ Chiên tới cống Vũng Liêm, nhánh Sông Hậu tới vàm Tân Dinh. Vì vậy, các cống đầu mối trên 02 nhánh sông Cổ Chiên và Sông Hậu phải đóng để ngăn mặn, không thể tiếp nước vào nội đồng; nguy cơ ảnh hưởng sản suất và sinh hoạt của người dân trong tỉnh.

Nông dân xã Thanh Mỹ, huyện Châu Thành thu hoạch lúa đông - xuân 2023 - 2024.

Để đảm bảo vụ sản xuất lúa hè - thu 2024 an toàn, hạn chế thiệt hại do ảnh hưởng xâm nhập mặn, khô hạn đầu vụ và sâu bệnh hại gây bất lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh đã ban hành lịch xuống giống lúa vụ hè - thu năm 2024 và khuyến cáo nông dân tuân thủ.

Theo đó, vụ hè - thu năm 2024, tỉnh có kế hoạch gieo trồng 68.000ha, tập trung thành 02 đợt chính. Đợt 01 từ ngày 02 - 25/4, xuống giống tại các địa phương có đủ nguồn nước ngọt cho sản xuất lúa như huyện Càng Long, một số xã của huyện Cầu Kè, Tiểu Cần, Châu Thành, trên tổng diện tích 11.462ha. Đợt 02 từ ngày 05 - 20/5 xuống giống các huyện Cầu Ngang, Trà Cú, Duyên Hải, thị xã Duyên Hải, thành phố Trà Vinh và xuống dứt điểm các diện tích còn lại của các huyện Tiểu Cần, Châu Thành, Cầu Kè.

Ngành nông nghiệp tỉnh khuyến khích nông dân sử dụng giống mới, giống xác nhận, giống có thời gian sinh trưởng phù hợp từng địa phương; những giống lúa có năng suất và chất lượng cao phù hợp với yêu cầu thị trường, cứng cây, chống đổ ngã, chống chịu sâu bệnh hạn mặn tốt như OM18, OM4900, OM5451, Đài Thơm 8, ST5, ST24, ST25…

Ngành lưu ý các địa phương bố trí nhóm giống có cùng thời gian sinh trưởng để thuận tiện cho việc cung cấp, sử dụng nước tưới tiết kiệm và quản lý sâu bệnh trên diện rộng đạt hiệu quả; tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng các biện pháp sạ hàng, sạ thưa, lượng giống dưới 100kg/ha. Đồng thời, vớt vật cản như lục bình, cỏ dại… trên các tuyến kênh rạch để khai thông dòng chảy, nạo vét các trục kênh, sửa chữa các cống, bọng, điều tiết nước phục vụ cho sản xuất.

Nông dân cũng cần thực hiện tốt vệ sinh đồng ruộng trước khi xuống giống ít nhất 02 tuần, sử dụng nấm Trichoderma hoặc các chế phẩm sinh học để phân hủy rơm rạ nhằm hạn chế ngộ độc hữu cơ và cắt đứt nguồn bệnh; áp dụng các quy trình canh tác lúa bền vững như "1 phải, 5 giảm", tưới ngập khô xen kẽ tiêu chuẩn SRP hoặc các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt được chứng nhận.

Công ty TNHH Một thành viên Quản lý khai thác công trình thủy lợi Trà Vinh căn cứ lịch xuống giống có kế hoạch phối hợp với các địa phương trong vận hành các cống thủy lợi điều tiết nước hợp lý phục vụ tốt việc làm đất, xuống giống.

Vụ lúa đông - xuân 2023 - 2024, nông dân Trà Vinh xuống giống gần 62.000ha và đến nay đã thu hoạch được gần 70% diện tích xuống giống, với năng suất bình quân 6,76 tấn/ha, cao hơn cùng kỳ năm trước 0,04 tấn/ha.

Tuy mặn xâm nhập địa bàn tỉnh sớm (tháng 12/2023), mức cao hơn trung bình nhiều năm nhưng nhờ địa phương chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp ngay từ đầu mùa khô nên đến nay, lượng nước trong nội đồng vẫn cơ bản đảm bảo đủ cho vụ lúa đông - xuân. Hầu hết các ruộng lúa xuống giống theo kế hoạch sản xuất của ngành nông nghiệp tỉnh đều “né” được hạn, mặn, năng suất bình quân đạt cao hơn cùng kỳ năm trước.

Tin, ảnh: THANH HÒA

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/kinh-te/khuyen-cao-nong-dan-tuan-thu-lich-xuong-giong-vu-he-thu-de-tranh-han-man-36597.html