Khủng hoảng san hô toàn cầu

Các rạn san hô trên thế giới đang đối mặt với hiện tượng tẩy trắng do nắng nóng khiến nhiệt độ nước biển tăng bất thường, đánh dấu đợt khủng hoảng san hô lần thứ tư kể từ năm 1998 và lần thứ hai trong 10 năm qua.

Hơn 54% diện tích rạn san hô trên thế giới đã bị tẩy trắng. (Ảnh do Reuters ghi lại ngày 12-4-2024 tại Martin Reef - đảo san hô nổi ở vịnh đảo Great Barrier, ngoài khơi bờ biển phía đông bắc Queensland, Úc)

San hô là động vật biển tồn tại ở dạng các thể polip nhỏ giống hải quỳ, thường sống thành các quần thể gồm nhiều cá thể giống nhau. Các rạn san hô chỉ chiếm gần 1% đáy đại dương nhưng đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái biển. 25% sinh vật biển phụ thuộc vào các rạn san hô để trú ẩn, tìm kiếm thức ăn hoặc sinh sản. Vì vậy, các rạn san hô được gọi là “rừng nhiệt đới trên biển”.

Biến đổi khí hậu

Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương quốc gia (NOAA) và Sáng kiến Rạn san hô quốc tế (ICRI) cho biết, hơn 54% diện tích rạn san hô trên thế giới đã bị tẩy trắng, ảnh hưởng đến ít nhất 53 quốc gia/vùng lãnh thổ, bao gồm các vùng rộng lớn ở Đại Tây Dương, Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Đây là đợt tẩy trắng san hô toàn cầu lần thứ tư kể từ năm 1998 và lần thứ hai trong 10 năm qua. Những lần tẩy trắng được ghi nhận trước đó vào năm 1998, 2010 và giữa những năm 2014-2017.

Nhà sinh thái học - TS. Derek Manzello- điều phối viên cơ quan Theo dõi San hô (Reef Watch) thuộc NOAA thông báo, Từ tháng 2-2023 đến tháng 4-2024, hiện tượng tẩy trắng san hô đáng kể đã được ghi nhận ở Bắc và Nam bán cầu của mỗi lưu vực đại dương lớn. Trong đó, rạn san hô lớn và nổi tiếng nhất thế giới Great Barrier ở Úc bị tẩy trắng khoảng 1/3 diện tích với cường độ cực cao và 3/4 diện tích bị tẩy trắng ở mức trung bình. TS. Derek Manzello nói thêm rằng, san hô toàn cầu sẽ đối mặt với khủng hoảng tẩy trắng trong vòng một hoặc hai tuần tới với quy mô lớn nhất lịch sử.

Theo các nhà khoa học, tình trạng tẩy trắng san hô ngày càng nghiêm trọng và xảy ra thường xuyên hơn do biến đổi khí hậu khiến nhiệt độ các đại dương trên thế giới tăng cao. Theo bà Jennifer Koss - Giám đốc chương trình Bảo tồn rạn san hô của NOAA, tác động tẩy trắng sẽ tăng về tần suất và cường độ khi đại dương ấm lên.

12 tháng qua là thời điểm nóng nhất được ghi nhận và nhiệt độ đại dương đã tăng vọt. Nhiệt độ mặt nước biển đã phá vỡ các kỷ lục được duy trì từ năm 1979 do ảnh hưởng của El Nino liên quan tới biến đổi khí hậu. GS. Ove Hoegh-Guldberg tại Đại học Queensland (Úc) bày tỏ lo ngại khi không ai có thể biết sự thay đổi nhiệt độ lớn lần này có thể kéo dài bao lâu.

Giảm khí thải nhà kính để san hô tồn tại

Hàng chục loại tảo sống bên trong san hô có chung mối quan hệ, mang lại màu sắc, dinh dưỡng cho san hô và sự thay đổi của vùng nước xung quanh giúp hình thành nên bộ xương đá vôi của san hô. Tuy nhiên, tảo bắt đầu chết khi nhiệt độ nước ấm hơn mức trung bình. Hiện tượng tẩy trắng xuất hiện khi nhiệt độ nước biển tăng cao khiến san hô trục xuất tảo sống trong mô ra ngoài và làm màu sắc rực rỡ của san hô biến mất. Tẩy trắng không có nghĩa là toàn bộ san hô sẽ chết, nhưng các nhà khoa học cho rằng san hô khó phục hồi khi những sự kiện như vậy xảy ra thường xuyên hơn.

Theo ICRI, các rạn san hô mang lại lợi ích kinh tế tương đương 2.700 tỷ USD một năm cho con người. NOAA ước tính thế giới đã mất từ 30-50% số rạn san hô và con số này có thể lên tới 100% vào cuối thế kỷ nếu nhân loại không có sự can thiệp đáng kể. Khi nhiệt độ tăng lên 2 độ C - mức mà thế giới có thể đạt vào năm 2050, khoảng 99% san hô trên trái đất sẽ chết. Cơ hội tốt nhất để san hô tồn tại là cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, hạn chế biến đổi khí hậu.

Hội nghị “Đại dương của chúng ta” (Our Ocean Summit) lần thứ 9 diễn ra từ ngày 15-4 đến 17-4 tại thủ đô Athens (Hy Lạp) với sự tham gia của khoảng 120 quốc gia, ghi nhận hơn 400 cam kết mới trị giá 10 tỷ USD để bảo vệ đại dương. Đây là hội nghị duy nhất của thế giới đến thời điểm này tìm cách giải quyết tất cả những vấn đề liên quan đến đại dương. Những nỗ lực làm sạch đại dương, chống biến đổi khí hậu và tái tạo sinh vật biển có thể là biện pháp cuối cùng trong cuộc đấu tranh loại bỏ những hành động và lối suy nghĩ gây sự gián đoạn cuộc sống của tất cả sinh vật trên hành tinh.

KHÁNH LINH

Nguồn Đà Nẵng: http://www.baodanang.vn/channel/5433/202404/khung-hoang-san-ho-toan-cau-3970644/