Khủng hoảng Nga-Ukraine và bài học ngoại giao thể thao trong quá khứ

Trong bối cảnh căng thẳng Nga-Ukraine, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Moscow bao gồm cả lĩnh vực thể thao đã gợi lại nhiều bài học về tác động của ngoại giao thể thao đối với chính trị.

Trong mọi trường hợp, thể thao luôn nắm giữ một phần quan trọng của địa chính trị và ngoại giao, với khả năng tạo ra sự cô lập cũng như sự thống nhất. Trong ảnh là tuyển thủ All Blacks và Springboks gặp nhau trong trận đấu lần thứ 100. (Nguồn: Getty Images)

Nhờ vào khả năng gắn kết những chia rẽ và xung đột trong cuộc sống hàng ngày, thể thao có thể đóng vai trò là nguồn sức mạnh trong việc xây dựng một xã hội thống nhất, hòa bình nhưng ngược lại cũng thể tạo áp lực cô lập.

Tranh cãi vai trò của ngoại giao thể thao

Do căng thẳng Nga-Ukraine mà hiện Moscow đang phải chịu nhiều lệnh trừng phạt. Trong số đó bao gồm cả các biện pháp trừng phạt thể thao, ví dụ như nhiều đội tuyển và vận động viên Nga bị tước quyền thi đấu; Paris (Pháp) được chọn làm nơi tổ chức trận chung kết UEFA Champions League thay cho St Petersburg; cuộc đua Công thức 1 tại Sochi bị hủy bỏ...

Các lệnh trừng phạt thể thao xuất phát từ chính trị này gây nhiều tranh cãi về vai trò của ngoại giao thể thao.

Ông Sean Jacobs, Phó Giáo sư về các vấn đề quốc tế tại Đại học The New School (Mỹ), cho rằng Liên đoàn bóng đá quốc tế (FIFA) và Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) với vai trò là các cơ quan quản lý bóng đá trên toàn cầu và lục địa già thì phải hướng đến mục tiêu là ngăn chặn chiến tranh, thay vì đình chỉ tất cả các đội tuyển và câu lạc bộ quốc gia Nga khỏi các giải đấu của mình.

Những lệnh cấm này là một phần trong cuộc tranh luận rộng lớn hơn về phản ứng ngoại giao trước căng thẳng tại Ukraine.

Cũng như ngoại giao kinh tế, khái niệm ngoại giao thể thao đã trở thành một loại hình ngoại giao cụ thể trong những năm gần đây. Điều này gợi lại vai trò của ngoại giao thể thao từng góp phần kết nối các dân tộc trong quá khứ.

Câu chuyện giữa New Zealand với Nam Phi là một điển hình. Hai quốc gia, hai dân tộc, ở hai lục địa khác biệt đã gắn kết với nhau thông qua những cuộc đấu bóng bầu dục kịch tính giữa đội tuyển All Blacks của New Zealand và đội tuyển Springboks của Nam Phi.

All Blacks và Springboks đều có những khả năng tương đương nhau và được đánh giá cao về sức mạnh thể chất, tinh thần và sự quyết tâm. Điều này đã tạo ra những trận đấu bóng bầu dục vĩ đại nhất trong lịch sử.

Lần chạm trán đầu tiên giữa hai đội tuyển quốc gia này là vào năm 1921. Và một thế kỷ sau, họ đã tranh tài trong trận đấu lần thứ 100.

Mối liên kết giữa con người với con người

Vừa qua, bà Emma Dunlop-Bennett, Đại sứ New Zealand tại Nam Phi, đã tổ chức một sự kiện kỷ niệm cột mốc này tại Cape Town, với sự tham dự của ba cựu cầu thủ của đội tuyển Springboks là ông Mannetjies Roux, ông Wynand Claasen và ông Thando Manana.

Tại lễ kỷ niệm, tuyển thủ bóng bầu dục Nam Phi Thando Manana đã chia sẻ về những thử thách, khó khăn của bản thân khi là cầu thủ da màu tham gia một trò chơi mà người da trắng chiếm ưu thế.

Về phần mình, New Zealand cũng từng chiến đấu với lịch sử thuộc địa khi thường được gọi là "nước Anh của Biển Nam" thay vì một quốc gia Thái Bình Dương độc lập.

Theo bà Dunlop-Bennett, 2021 cũng là năm đánh dấu kỷ niệm 40 năm chuyến lưu đấu nổi tiếng “thực sự đã gây chia rẽ đất nước” của đội Springbok ở New Zealand.

"Sự phân biệt chủng tộc ở Nam Phi chưa bao giờ là vấn đề được tranh luận ở New Zealand. Điều này buộc chúng tôi phải nhìn nhận lại mình và tự hỏi: Chúng tôi là ai và chúng tôi đại diện cho điều gì?", bà Dunlop-Bennett nhấn mạnh.

New Zealand luôn tự hào về "mối quan hệ chủng tộc tốt nhất trên thế giới". Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu của chuyến lưu diễn 56 ngày năm 1981 của đội Springbok, tuyên bố này đã vấp phải sự hoài nghi.

Một nhà bình luận của Halt All Racist Tours (nhóm biểu tình được thành lập ở New Zealand vào năm 1969 để phản đối các chuyến lưu đấu của đội tuyển bóng bầu dục Nam Phi) đã coi các cuộc biểu tình phản đối Springbok là một "trận chiến vì linh hồn của dân tộc".

Thể thao, trong trường hợp này là bóng bầu dục, đã trở thành tấm gương mà đất nước New Zealand buộc phải xem lại để nhận ra rằng nó thực sự đại diện cho điều gì.

Và thể thao đã trở thành điểm gắn kết khi trong chuyến du đấu của All Blacks đến Nam Phi năm 1970, 3 tuyển thủ bóng bầu dục người Maori (người bản xứ New Zealand) và một tuyển thủ Samoa được đặc cách với danh xưng "người da trắng danh dự".

Trong suốt lịch sử độc lập, cũng như sự tiến triển sau đó của các mối quan hệ chủng tộc, giá trị xã hội và sự thay đổi chính trị, Nam Phi và New Zealand có nhiều điểm chung về những trận đấu kịch tính trên sân bóng bầu dục.

Tiếp nối lịch sử đó, với tư cách là nhà ngoại giao người Maori, Đại sứ New Zealand tại Nam Phi Dunlop-Bennett mong muốn sử dụng quyền lực mềm của thể thao cho các mục đích xã hội và ngoại giao, đồng thời tăng cường mối quan hệ giữa hai nước thông qua sự liên kết giữa con người với con người.

Bà Dunlop-Bennett cho rằng các mối quan hệ là nền tảng của ngoại giao. Khi mối quan hệ càng bền chặt, các vấn đề chính sách càng chặt chẽ, và càng có cơ hội đạt được kết quả tốt.

"Tuy nhiên, các mối quan hệ này không có sẵn; thay vào đó, chúng phải được xây dựng xuất phát từ cách tiếp cận trung thực, đi đầu với sự liêm chính và thực hiện những gì đã cam kết”, Đại sứ New Zealand tại Nam Phi nhấn mạnh.

Điều này đặc biệt ấn tượng người phát biểu là một nhà ngoại giao đại diện cho New Zealand do Thủ tướng Jacinda Ardern lãnh đạo, một trong số nhà lãnh đạo chính trị trên thế giới truyền cảm hứng cho sự tin tưởng và chính trực.

Câu chuyện giữa New Zealand và Nam Phi cho thấy trong mọi trường hợp, thể thao luôn nắm giữ một phần quan trọng của địa chính trị và ngoại giao, với khả năng tạo ra sự cô lập hoặc sự thống nhất.

(theo Mail & Guardian)

Thủy Tiên

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/khung-hoang-nga-ukraine-va-bai-hoc-ngoai-giao-the-thao-trong-qua-khu-178053.html