Khủng hoảng Afghanistan: Mỹ - Trung nên đối thoại thay vì đối đầu

Theo giới quan sát Trung Quốc, bất chấp cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung, Bắc Kinh và Washington vẫn có thể hợp tác để hỗ trợ Taliban và ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan phát sinh trong nội bộ nhóm.

Tờ South China Morning Post ngày 31-8 dẫn lời các nhà quan sát Trung Quốc cho biết Bắc Kinh và Washington có thể làm việc cùng nhau để hỗ trợ Taliban và ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan trong nhóm chiến binh.

Ngày 15-8, Taliban đã giành quyền thủ đô Kabul của Afghanistan. Tuy nhiên, nhóm này đang đối mặt một cuộc khủng hoảng kinh tế có thể dẫn đến thảm họa nhân đạo khi các nhà tài trợ quốc tế cắt viện trợ - một yếu tố đóng góp chính cho nền kinh tế Afghanistan.

Các chiến binh Taliban trên đường phố Kabul. Ảnh: AP

Các chiến binh Taliban trên đường phố Kabul. Ảnh: AP

Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã đóng băng hơn 370 triệu USD hỗ trợ do "cộng đồng quốc tế thiếu rõ ràng" về việc công nhận chế độ Taliban. Mỹ cũng đóng băng khoảng 7 tỉ USD dự trữ của Afghanistan.

Mỹ nên thay đổi lập trường về ETIM

Theo ông Zhu Yongbiao - giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Lan Châu, Mỹ và Trung Quốc có thể làm việc cùng nhau để ngăn chặn các suy nghĩ cực đoan trong nội bộ Taliban về việc hội nhập cộng đồng quốc tế.

"Để đạt được mục tiêu như vậy, Trung Quốc và Mỹ nên giúp Afghanistan dựa trên các điều kiện thực tế, và không nên tìm cách áp đặt các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt đối với Taliban một cách mù quáng theo các tiêu chuẩn của phương Tây" - ông Zhu nói.

"Chúng ta nên xem xét kỹ hơn liệu Taliban có thực sự sẵn sàng thay đổi hay không" - ông nói thêm.

Cũng theo ông Zhu, điều kiện tiên quyết để Trung Quốc và Mỹ hợp tác giúp Taliban cắt đứt quan hệ với các nhóm khủng bố là Mỹ phải thay đổi thái độ đối với Phong trào Hồi giáo Turkestan (ETIM).

Bắc Kinh đổ lỗi cho ETIM về các cuộc tấn công khủng bố ở Tân Cương, khu vực ở vùng viễn tây Trung Quốc giáp với Afghanistan.

Năm 2002, Mỹ định danh nhóm này là tổ chức khủng bố nước ngoài. Tuy nhiên, vào cuối năm ngoái, Mỹ loại ETIM ra khỏi danh sách khủng bố vì cho rằng Trung Quốc sử dụng nhóm này làm lý do để thực hiện các cuộc đàn áp nhân quyền ở Tân Cương.

Trung Quốc đã phản đối quyết định này và kêu gọi Mỹ thay đổi lập trường, đồng thời nói rằng điều này sẽ giúp loại bỏ những trở ngại đối với sự hợp tác giữa Trung Quốc và Mỹ ở Afghanistan cũng như trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu.

Hợp tác thông qua hỗ trợ nhân đạo

Trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 29-8, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã đề cập tình hình Afghanistan và nhấn mạnh ất cả các bên cần phải tham gia và tích cực hướng dẫn Taliban. Đồng thời, ông cũng đề xuất Mỹ nên hỗ trợ kinh tế và nhân đạo cho Afghanistan.

Bắc Kinh cũng đã lên tiếng phản đối các lệnh trừng phạt đối với Afghanistan, nói rằng áp lực thêm nữa sẽ không thể xoa dịu cuộc khủng hoảng.

Ông Gu Dingguo - nhà nghiên cứu tại Đại học Sư phạm Hoa Đông chuyên nghiên cứu về các nước láng giềng của Trung Quốc cho biết Bắc Kinh sẽ tiếp tục phản đối quan điểm của Washington về ETIM và Tân Cương nhưng hai bên vẫn có tiềm năng hợp tác.

"Trung Quốc có thể đồng ý làm việc với Mỹ để cung cấp hỗ trợ nhân đạo và kinh tế cho Afghanistan, nhưng Trung Quốc vẫn tin rằng Mỹ là lý do gây ra hỗn loạn và cần phải chịu phần lớn sự hỗ trợ đó" - ông Gu nói.

Theo ông Srikanth Kondapalli - GS nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học Jawaharlal Nehru ở New Delhi, cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung cho thấy khả năng hai nước hợp tác về các vấn đề như các dự án cơ sở hạ tầng để tái thiết Afghanistan là không thể xảy ra. Tuy nhiên, hai bên có thể phối hợp để chống khủng bố.

"Nếu Afghanistan trở thành thiên đường của khủng bố quốc tế một lần nữa, rất có thể Mỹ và Trung Quốc sẽ mở một kênh liên lạc" - ông Kondapalli nói.

KHÁNH NHƯ

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/khung-hoang-afghanistan-my-trung-nen-doi-thoai-thay-vi-doi-dau-1012117.html