Khuất nẻo Đường Hồng

BHG - Chúng tôi lạc bước tới xã Đường Hồng của huyện Bắc Mê. Nói lạc bước là bởi chúng tôi ngẫu hứng ngao du các miền quê mà không định đến một địa danh nào cụ thể. Hơn nữa con đường 279 và 280 liên huyện, xuyên tỉnh từ phía Na Hang (Tuyên Quang) sang Đường Âm, Đường Hồng của Bắc Mê bây giờ đi lại rất tốt, cuốn hút người đi. Nếu đi máy bay ở trên trời nhìn xuống sẽ thấy con đường như một dải lụa nổi bật uốn lượn qua miền đất núi rừng trùng điệp và huyền hoặc giữa hồn thiêng sơn hà. Con đường này như một nàng công chúa nơi thâm sơn cùng cốc, ngoài vẻ đẹp còn là những ý nghĩa to lớn khác làm cho ai tới đây đều phải trầm trồ ngợi khen và lặng thầm cảm khái. Tôi bảo con đường chính là con suối nghĩa tình của muôn phương được khơi dòng và chảy qua miền quê này. Nó chính là huyết mạch giao thông chạy từ Đông sang Tây ở phía Bắc nước nhà, được hình thành từ thời chiến tranh bảo vệ Tổ quốc tháng 2 năm 1979. Bây giờ con đường mang thêm nhiều ý nghĩa mưu sinh, phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường hơn bao giờ hết.

Phải rẽ vào mấy cây số nữa mới đến trung tâm xã. Đường sá, trụ sở, trường học và nhiều công trình khác ở khu vực này đã được xây dựng cơ bản. Từ trên một con dốc xuôi xuống là con đường “nội đô” của xã Đường Hồng nhìn rất có ý tưởng. Hai bên đường là hàng quán một bên và trường học một bên. Ngoài chợ phiên tuần hai buổi, còn lại sáng nào cũng có chợ họp, khá đông vui. Buổi chiều là không khí của các hoạt động thể thao sôi nổi. Cả người lớn và trẻ em đến xem, cổ vũ. Chúng tôi hỏi một học sinh các em chơi thể thao ở đâu thì các em bảo cũng chơi ở đây, hôm nay có cuộc thi đấu của trường và xã nên các em phải nhường sân. Cảm giác như là nếp sinh hoạt ở một thị trấn nào đó thu nhỏ. Nhưng có vẻ như là còn thiếu những sân chơi bổ ích, dù đất đai thì rộng rãi. Đất dốc lại thiếu vốn nên cái khó bó cái khôn.

Phụ nữ dân tộc Dao xã Đường Hồng trong trang phục truyền thống.

Chúng tôi ăn nghỉ ở nhà hàng Thắm Ban. Ăn cơm bữa cùng gia đình rất thân mật, kiểu miền núi. Ngôi nhà hai tầng rộng thênh thang, tầng dưới để ngủ và bán hàng ăn. Tầng trên để khách ngủ. Không mấy xã vùng sâu có được một cơ sở như vậy. Trước bữa ăn chị Ban đã nói với chúng tôi là chờ chồng đi công việc ở ngoài thị trấn về hơi muộn sẽ cùng ăn, nhưng sợ khách đói nên sắp cơm ăn trước. Rồi chúng tôi cũng biết được chị đang mang nỗi buồn đau vì hai năm trước mất cậu con trai cả, tuổi đôi mươi, vì đuối nước, khi đi chơi cùng người yêu sắp cưới. Chẳng biết làm sao, chúng tôi muốn giải tỏa giúp chị, liền nghĩ đến Thiền sư Thích Nhất Hạnh có giảng giải ý này trong một chủ đề: Không sinh, không diệt đừng sợ hãi và dựa vào đó mà nói. Có thể chị không hiểu hết triết lý sinh tử của Thiền sư, nhưng sự lan tỏa tình cảm chia sẻ của chúng tôi cũng làm chị bình tâm hơn.

Buổi sáng chúng tôi nhào ra chợ ngắm mọi thứ và đối chiếu, suy nghĩ. Cứ làm ra vẻ như một quân vương vi hành hoặc là đấng cứu nhân độ thế vậy. Không ạ, đơn giản là chúng tôi muốn được chia sẻ với cộng đồng thôi. Kỳ này xem ra vốn đầu tư cho giao thông đường sá dồi dào nên ở đâu cũng làm đường to hơn, bền hơn, nhiều hơn. Cả xã Đường Hồng cũng thế. Đường từ trung tâm xã đi các thôn bản đã và đang bê tông hóa trong tầm nhìn mới. Dòng chảy văn hóa và kinh tế địa phương đang được gia cố hướng đi bền vững để làm nền cho tương lai có thể làm được cái gì dù nho nhỏ để “dòng tiền” chảy qua.

Xây dựng giao thông, cải tạo vườn tạp, phát triển du lịch và nông nghiệp… là những cụm từ luôn được nhắc đến khi đi vào xã và được các lãnh đạo xã, thôn truyền tải. Mọi chuyện rồi sẽ tới. Quyết tâm cao và hành động tích cực sẽ tạo ra giá trị. Trồng cây gì, nuôi con gì và làm cái gì để có thu nhập tốt hơn và tất nhiên là làm cho cuộc sống đáng sống hơn, vẫn luôn là câu hỏi khó, nhất là các xã nghèo.

Xã có 10 thôn, 3 thôn có cây chè cổ thụ: Bản Đúng, Nà Lầu và Khuổi Luông. Một thôn có ao sen là Nà Khâu, có thể làm du lịch cộng đồng. Đất rừng nhiều nên thử trồng cây dược liệu nhưng không có kết quả. Trước khi đi vào thôn xa chúng tôi mua mấy gói mì tôm phòng khi nhỡ bữa. Cái đói như ngày nào về cơ bản đã vắng bóng ở nơi đây, nhưng cái nghèo còn day dứt lắm. Qua chợ chúng tôi thấy mấy hàng thịt lợn đen bày bán và cũng ít người mua. Đây là món thực phẩm đặc sắc, ngon và lành của vùng núi. Lợn đen bản địa nuôi theo kiểu truyền thống. Mạn dưới xuôi, đông người, tiêu dùng cao, chắc mấy hàng thịt đã bán vợi. Ở chợ xã có cả mấy người từ nơi khác khác đến mưu sinh bằng nghề bán hàng ăn sáng. Họ thuê nhà hoặc ở trọ nhà anh em.

Đi chừng sáu cây số vượt đèo dốc, chúng tôi vào nhà Triệu Văn Nần, trong một khu vườn tạp ở thôn Khuổi Luông. Quang cảnh khá hoang sơ nơi đây làm chúng tôi nhớ về thời bao cấp. Gian bếp vách tre nứa liền nhà ngủ, dùng nước máng lần chảy từ trên núi về, không có nhà vệ sinh, chuồng trại làm bằng tre có thể để ngay cạnh đường… Anh Nần đốt bếp, lấy ít chè đã sao để trên gác bếp cho vào cái bát sành cũ mẻ chuyên dùng, nướng trên than lửa để pha trà mời khách. Cũng phải chờ khá lâu nước đun trên bếp lửa mới sôi. Đây là cách uống trà truyền thống. Chè sao suốt thơm ngon hơn nhưng tốn thời gian và than củi, ít người làm để uống, có chăng chỉ để bán. Chính vì thế búp chè san tuyết rất có giá trị ở đây chưa tiếp cận được nhu cầu tiêu dùng trà hiện nay mặc dù nó đã có mặt trên thị trường đó đây. Có nhiều cách chế biến chè, nhưng nói chung bà con chưa kỳ công làm theo một công thức để có giá trị gia tăng cho trà thành phẩm. Giá bán chỉ trên dưới 100 nghìn một cân, người buôn đến mua gom chỉ năm, sáu mươi nghìn một ký.

Ông Triệu Lầu Sâm, tuổi 60, kể năm 14 tuổi được bố phân chia các con trồng chè, ông trồng được 10 cây, nay đã có hơn 120 cây to cao xanh tốt. Nhiều nhà có được một vườn chè như thế. Cũng như ở các vùng khác cây chè đã gắn bó với đồng bào, nhất là dân tộc Dao. Chúng tôi hỏi Trưởng thôn Triệu Tài Sếnh, được biết trong phong tục cưới hỏi của người Dao luôn có một ít búp chè làm lễ vật, không thể thiếu được. Vậy là cây chè cổ thụ đã bắt nguồn từ văn hóa cộng đồng chứ không phải kinh tế thương mại. Bây giờ nó đang là một tiềm năng hiện hữu có thể góp phần trả lời những câu hỏi khó nêu trên. Nhưng lại là những câu hỏi tiếp theo: Ai làm và làm như thế nào, bắt đầu từ đâu? Khai thác tiềm năng tại chỗ luôn luôn đúng.

Đến thôn bản thấy nhiều người trẻ đi xuất khẩu lao động, đi làm ở các công ty trong nước để có tiền làm nhà, mua xe, đầu tư sản xuất. Khi những tiềm năng trên đất quê chưa có đầu ra và lối đi thì sức trẻ năng động tìm ra lối thoát cho mình. Ở thôn ông Nần có 14 hộ thì 11 hộ có điện thắp sáng. Chúng tôi hỏi trưởng thôn, mình kéo điện từ khi nào, anh nói đó là mọi người tự kéo điện cho mình. Chủ yếu để thắp sáng và nạp điện thoại thông minh, kết nối với thế giới bên ngoài. Kế hoạch của trên là vài năm nữa mới có đường điện. Chúng tôi nói đùa là tầm nhìn về điện của dân ngắn hơn tầm nhìn của trên nên mới có điện dùng sớm. Những nhu cầu tự thân, thiết yếu luôn là động lực mạnh mẽ. Sức dân vốn là thứ tiềm năng mềm, rất to lớn.

Trên đường về, từ trên những dốc cao, chúng tôi ngắm nhìn lại toàn cảnh xã Đường Hồng. Những đồi nương, cánh rừng, ruộng bậc thang, đây đó là bản làng và khu trung tâm xã. Trong heo hút khuất nẻo và bình yên có gì đó thân thương yêu mến lạ. Sẽ có một bình yên xanh nâng tầm cuộc sống, bền vững nơi đây, ấm áp tình quê hơn, chúng tôi tin điều đó. Biết rằng những mong muốn cháy lòng về sự đi lên của một xã vùng sâu, vùng xa như Đường Hồng luôn phải chờ đợi thời gian và cơ hội. Lý do ấy như một lời hẹn rằng chúng tôi sẽ trở lại nơi này.

Bút ký Trí Tường

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/202404/khuat-neo-duong-hong-3275a9b/