Khu vườn của thầy Hiếu

Thầy Hiếu trong bài viết này là Đại đức Thích Nhuận Hiếu, trụ trì chùa Đá Tây A mà tôi có may mắn được gặp trong chuyến công tác đến Trường Sa.

Đại đức Thích Nhuận Hiếu viết chữ lên vỏ ốc làm quà tặng cho khách từ đất liền ghé thăm chùa

1. Buổi sáng, chúng tôi đến đảo Đá Tây A, gần như là điểm cuối của hành trình. Giống như ở các đảo, điểm đảo mà đoàn đi qua, cánh phóng viên và đoàn văn công thường được lên bờ trước để chuẩn bị tác nghiệp hay chuẩn bị trang phục, đạo cụ cho chương trình giao lưu văn nghệ. Trong lúc chờ những người còn lại lên đảo, như có điều gì đưa đường dẫn lối, thay vì đi thẳng vào trung tâm đảo, tôi lại ghé chùa Đá Tây A trước.

Chùa hướng ra biển, bước qua cổng chùa để vào bên trong, hai hàng hoa giấy trổ bông rực rỡ. Hoa giấy chịu nắng nóng, dường như càng nắng, hoa càng rực rỡ. Với khí hậu đặc trưng ở quần đảo Trường Sa, hoa giấy như thuận thế để thắm sắc. Tôi chợt nhớ lại những nơi mình đã đi qua: Cô Lin, Sinh Tồn, An Bang, Đá Đông A..., nơi đâu cũng nở rộ loài hoa không hương nhưng chẳng ngại ngần khoe sắc này. Tinh thần, ý chí ấy chẳng phải cũng là tinh thần và ý chí của những con người đang sinh sống ở Trường Sa đó sao!

Rồi tôi lại thấy những chiếc kệ, mà trên đó có rất nhiều chậu xương rồng, sen đá; có cả những cây bàng vuông mới khoảng độ một gang tay, dăm ba chiếc lá hãy còn non nớt xòe ra như những bàn tay non dại. Những chậu cây nằm kề bên nhau, hứa hẹn về một đời sống mới náo nhiệt nơi đảo xa. Đi sâu vào, tôi gặp Đại đức Thích Nhuận Hiếu. Ở đây quen gọi ông là thầy Hiếu. Thầy ngồi trên một chiếc ghế đá, tỉ mẩn viết chữ lên từng vỏ ốc, viên đá làm quà cho những người khách từ đất liền.

2. Thầy Hiếu ra Đá Tây A làm trụ trì chùa vào tháng 2-2022. Đến đảo, thầy bắt đầu ươm hạt, trồng cây, chăm sóc, tưới tắm cho cây. Trong khu vườn của thầy, chỉ riêng hoa giấy đã có khoảng 60 loại. Đặc biệt, có những cây hoa giấy gốc rất đẹp với nhiều thế khác nhau, cho thấy sự kỳ công của người chăm.

Xếp sau hoa giấy là ớt với khoảng 40 loại. Quen thuộc thì có ớt chỉ thiên, ớt xiêm, ớt sừng trâu; còn quý hiếm nhất có lẽ là loại ớt có tên đầy… quyền uy: Hơi thở rồng, được xem là một trong những loại cay nhất thế giới do một chuyên gia của Anh tạo ra. Tất cả đều do thầy Hiếu nhân giống, riêng giống ớt Hơi thở rồng thì thầy xin hạt từ một người quen chuyên ươm cây cảnh rồi mang ra đảo. “Ngoài ớt cảnh, thầy còn có nhiều loại ớt để ăn, trồng nhiều để bộ đội, ngư dân ghé vào lấy về ăn”, thầy Hiếu lý giải khi đọc được trong mắt tôi sự thắc mắc.

Từ tình yêu với cây cối của thầy Hiếu, xen giữa màu đỏ của ngói âm dương, màu xanh đã hiện hữu ở chùa Đá Tây A. Những cây sứ, đu đủ, chanh, khế hay những luống rau non mơn mởn không ngừng sinh sôi. Những hòn đảo, điểm đảo ở quần đảo Trường Sa này đều có 2 mùa. Mùa khô kéo dài từ tháng 2 đến tháng 4, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 1 năm sau. Mỗi năm, những thân cây ở đây phải chống chọi với hơn 130 ngày có gió mạnh từ cấp 6 trở lên. Mặc sự khắc nghiệt của hoàn cảnh sống, khu vườn của thầy Hiếu cứ xanh mướt mát.

3. Trước chuyến công tác của Đoàn công tác số 5 - TPHCM, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM đã phát động chương trình “Vì Trường Sa xanh” nhằm tăng mật độ che phủ cây xanh trên các đảo. Chương trình được tiến hành trong giai đoạn 2023-2025 với số tiền 76 tỷ đồng. Số tiền này sẽ được trao tặng nhân chuyến công tác của đoàn đại biểu TPHCM thăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tại huyện đảo Trường Sa hàng năm.

Ngay trong ngày phát động, hơn 19,5 tỷ đồng đã được nhận về cho chương trình ý nghĩa. Ngay trong chuyến công tác, Đoàn công tác số 5 - TPHCM đã trao tặng 20 tỷ đồng để mua các cây giống, hạt giống rau, vật tư, phân bón để trồng, chăm sóc cây xanh trên các đảo; xây dựng các vườn tăng gia tập trung...

Người dân TPHCM hay cả nước đều hướng về Trường Sa từ những điều nhỏ nhất. Rồi giữa khơi xa, Trường Sa sẽ xanh hơn khi có sự đồng lòng từ đất liền ruột thịt. Ngay lúc này, khi đang ở nơi đô thị bình yên, tôi vẫn nhớ đến khu vườn của thầy Hiếu, một niềm tin tràn về: Trường Sa luôn xanh!

HỒ SƠN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/khu-vuon-cua-thay-hieu-post737115.html