Khu di tích lịch sử Yên Tử (Quảng Ninh): Cõi phật thiêng liêng

Yên Tử được mệnh danh là kinh đô phật giáo của quốc gia Đại Việt, là cõi Phật linh thiêng - nơi đã từng in đậm những bước chân của các bậc tiền bối, mở đường cho dòng thiền Việt Nam. (CLO) Yên Tử được mệnh danh là kinh đô phật giáo của quốc gia Đại Việt, là cõi Phật linh thiêng - nơi đã từng in đậm những bước chân của các bậc tiền bối, mở đường cho dòng thiền Việt Nam.

Trải qua gần một nghìn năm, do sự tác động của thiên nhiên và biến động của lịch sử, các công trình kiến trúc chùa, tháp ở Yên Tử qua các triều đại không còn nhiều, hầu hết trở thành phế tích, nhưng những giá trị lịch sử, văn hóa, tư tưởng của Thiền phái Trúc Lâm vẫn trường tồn cùng với non sông, đất nước Việt Nam.

Khai hội Xuân Yên Tử năm 2023.

Danh sơn Yên Tử gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp phi thường của Đức Hoàng đế Trần Nhân Tông sau hai lần lãnh đạo quân dân Đại Việt kháng chiến chống giặc Nguyên - Mông thắng lợi (năm 1285 và 1288), Ngài đã truyền ngôi báu cho con, từ bỏ lầu son điện ngọc để về Yên tử tu hành, sáng lập Thiền phái Trúc Lâm - đạo Phật của Việt Nam, Kinh đô Phật giáo của quốc gia Đại Việt.

Yên Tử là một quần thể di tích lịch sử văn hóa tâm linh nổi tiếng của nước ta, là một kho tàng lịch sử, truyền thuyết phong phú và hấp dẫn; với hệ thống chùa, am, tháp; di tích... từ thời Lý, Trần và các dấu ấn lịch sử, văn hóa, văn minh qua các thời đại. Hành trình tham quan Yên Tử sẽ bắt đầu từ chùa Trình và kết thúc sau khi qua Cổng Trời, lên chùa Đồng trên đỉnh núi Yên Tử cao 1,068m.

Chùa Trình nằm ở vị trí cửa ngõ vào khu di tích Yên Tử, với quan niệm “Đi trình về tạ”.

Chùa Bí Thượng

Chùa Bí Thượng (còn gọi là chùa Trình), thuộc khu Bí Thượng, phường Phương Đông, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Đây là ngôi chùa đầu tiên trong lộ trình tham quan Khu di tích Yên Tử.

Tương truyền, cách đây hơn bảy trăm năm, trước khi lên núi Yên Tử, vua Trần Nhân Tông đã ghé lại nghỉ ngơi nơi đây. Qua thời Hậu Lê chùa được xây dựng với quy mô nhỏ, mang kiến trúc kiểu chữ Nhất. Trải qua nhiều lần trùng tu đến năm 2006, chùa Bí Thượng được xây dựng và mở rộng với quy mô to lớn như hiện nay.

Chùa Suối Tắm là ngôi chùa thứ 2 trong lộ trình tham quan Yên Tử

Chùa Suối Tắm

Đây là ngôi chùa thứ 2 trong lộ trình tham quan Yên Tử; chùa tọa lạc ở thế đất tựa đầu Rùa. Tương truyền, sau khi vượt dốc vào Yên Tử giữa trưa hè oi ả, vua Trần Nhân Tông và đệ tử Bảo Sái đi ngang qua đây thấy hoa rừng muôn sắc tỏa hương, tiếng chim rừng lảnh lót, tiếng suối réo rắt đã xuống tắm mát ở suối này. Về sau người dân đã đặt tên suối là “Suối Vua Tắm”; ngày nay gọi là Suối Tắm.

Hiện nay chùa Suối Tắm xưa vẫn được bảo tồn và lưu giữ các pho tượng, pháp khí và đồ thờ cổ có giá trị lịch sử. Năm 2009, chùa được xây dựng với quy mô khang trang hơn bên cạnh chùa cũ. Chùa gồm Chính Điện và Nhà Tổ.

Chùa Cầm Thực nằm trong hệ thống Di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử.

Chùa Cầm Thực

Là ngôi chùa thứ ba trong hệ thống chùa Yên Tử. Tương truyền, khi xưa, Vua Trần Nhân Tông cùng đệ tử Bảo Sái sau khi đi qua suối tắm, tiếp tục lộ trình vào Yên Tử. Trời đã sang trưa, Bảo Sái mở túi cơm chay mời thầy dùng bữa, chợt nhớ suất ăn của hai thầy trò đã bố thí cho người hành khất ở Cửa Ngăn. Vua Trần vui vẻ cùng Bảo Sái uống nước suối thay cơm rồi nghỉ trưa trên núi. Để ghi lại tích trên, người xưa dựng chùa đặt tên là Cầm Thực (nghĩa là không ăn).

Chùa xưa có tên là Linh Nhâm Tự; được xây dựng vào thời Trần, di tích nền móng kiến trúc chùa hình chữ Nhất gồm 6 gian. Vào thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chùa Cầm Thực bị thực dân Pháp phóng hỏa và san bằng. Năm 1988, ngôi chùa được xây dựng lại và được trùng tu vào năm 2004 với kiến trúc nền móng hình chữ Đinh.

Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử là nơi duy nhất của Yên Tử các vị sư tu hành thuộc dòng thiền Trúc Lâm của Hòa Thượng Thích Thanh Từ.

Chùa Lân – Thiền viện Trúc lâm Yên Tử

Chùa Lân tọa lạc trên một quả núi giống hình Kỳ Lân nằm phủ phục; chùa có tên chữ là Long Động Tự (chùa Động Rồng). Theo tích xưa, trên đường vào Yên Tử, vua Trần cùng đệ tử Bảo Sái đã nghỉ đêm tại đây. Đêm ấy, nhà vua mộng thấy được cưỡi trên lưng Rồng vàng bay vào trong động đẹp, có hồ nước lung linh đầy hoa sen nở, tỏa ngát hương thơm. Tỉnh giấc, vua kể lại câu chuyện về giấc mộng đó cho Bảo Sái nghe và đặt tên Chùa Lân là Long Động Tự.

Chùa Lân - Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử là nơi duy nhất của Yên Tử các vị sư tu hành thuộc dòng thiền Trúc Lâm của Hòa Thượng Thích Thanh Từ. Nơi đây không đốt vàng mã, tiền vàng, không để hòm công đức và không có phiếu ghi nhận công đức, phật tử và du khách cúng dường bao nhiêu tùy tâm. Hằng năm, Thiền viện đón hàng chục nghìn người đến đây để tu thiền.

Chùa Giải oan gợi nhớ về sự kiện bắt đầu cuộc đời tu hành tại vùng núi Yên Tử của Trần Nhân Tông.

Suối Giải Oan và Chùa Giải Oan

Truyền thuyết kể rằng, mùa thu năm 1299, Thượng hoàng Trần Nhân Tông về Yên Tử tu hành, có các cung tần mỹ nữ theo can ngăn, xin Đức Vua trở lại triều đình, nhưng Vua Trần đã quyết trí tu hành và khuyên trở về hoặc ra ở tại làng Nàng, làng Mụ. Vì không can ngăn được nhà Vua nên các cung tần, mỹ nữ nguyện tỏ lòng trung đã trẫm mình xuống dòng Hổ Khê. Nhà Vua vô cùng tiếc thương cho lập đàn tràng Giải Oan linh hồn các cung nữ; dòng Hổ Khê được đổi tên thành suối Giải Oan từ đó.

Sau này, chùa Giải Oan đã được người dân xây dựng bên dòng suối Giải Oan, với thế tựa lưng vào núi Ngọc. Tương truyền, các cung tần mỹ nữ sau khi trẫm mình dưới dòng suối Hổ Khê, linh hồn của họ siêu thoát về thiên cung, thoải phủ hiện thân thành Mẫu tôn thờ ở chốn Giải Oan này. Một lần, danh sỹ Ngô Thời Nhiệm về chùa còn thấy bóng Vua Trần thường hiển hiện ở cây sung trước cửa chùa.

Chùa Hoa Hiên tọa lạc trên sườn núi đầu voi, ngọn núi cao nhất của dãy núi Yên, thuộc cánh cung Đông Triều.

Chùa Hoa Yên và chùa Một Mái

Nằm ở độ cao 534m so với mực nước biển, chùa Hoa Yên là ngôi chùa trung tâm của khu di tích Yên Tử. Chùa xưa là Vân Yên, dân gian gọi là Chùa Cả, Chùa Chính, Chùa Yên Tử; chùa từng có gác chuông, lầu trống, nhà tăng, pháp đường, viện Phù Đồ..., là nơi tu hành, thành đạo, truyền thừa của các Tổ Thiền Trúc Lâm Yên Tử.

Chùa Một Mái, xưa là nơi Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông đọc sách, soạn kinh. Thời Lê chùa có tên Động Thanh Long, am Ly Trần (thoát cõi trần), chùa Bồ Đà. Dân gian gọi chùa Bán Thiên, Bán Mái (Một Mái). Hệ thống tượng, đồ thờ hoàn toàn bằng đá trắng có niên đại cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn; gồm các ban: Tam Thế Phật, chư vị Bồ Tát, Tam Tổ Trúc Lâm, Mẫu, Đức Ông.

Chùa Bảo Sái mang tên một Thiền sư từng tu hành ở đây, là đệ tử đầu tiên, thân tín của Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông.

Chùa Bảo Sái và chùa Vân Tiêu

Chùa Bảo Sái mang tên Thiền sư Bảo Sái; ông từng tu hành và là đệ tử đầu tiên, thân tín của Trần Nhân Tông. Bảo Sái là người duy nhất được Ngài cho gọi về, ở bên và được nghe lời dạy cuối cùng của Ngài về triết lý căn bản của Nhà Phật trước khi viên tịch. Ông có công trong việc coi sóc ấn hành Đại Tạng Kinh triều Trần.

Trước khi mất 4 tháng, Trần Nhân Tông giảng Truyền đăng lục cho Pháp Loa trên am Tử Tiêu, núi Yên Tử. Sau này, nhiều người tin rằng Tử Tiêu là chùa Vân Tiêu được dựng lên ở độ cao 724m so với mặt nước biển như ngày nay; chùa được trùng tu gần đây nhất là vào năm 2001.

Cổng Trời, Bia Phật trên non thiêng Yên Tử.

Cổng Trời, bia Phật và chùa Đồng

Đường lên đỉnh núi thiêng Yên Tử - chùa Đồng, phải đi qua một khe, được hình thành bởi những tảng đá lớn xếp đặt tự nhiên; đó được gọi là Cổng Trời (dẫn vào thế giới Trời, Phật). Tại đây còn có phiến đá tự nhiên hình tấm bia khắc nhiều chữ Hán; trong đó có 2 hàng với 8 chữ; bốn chữ hàng dọc “A-Di-Đà Phật” và bốn chữ hàng ngang “Tứ Tự Hồng Danh”, dịch nghĩa: Tên vàng bốn chữ A-Di-Đà Phật. Bia được khắc từ lâu đời, song chưa rõ ai khắc.

Đi qua cổng trời sẽ lên chùa Đồng (còn gọi là chùa Cõi Phật), chùa nằm ở đỉnh cao nhất dãy Yên Tử; là điểm dừng chân cuối cùng trong hành trình thượng sơn Lễ Phật. Đây là công trình kiến trúc văn hóa, Phật giáo độc đáo và lớn nhất Đông Nam Á, được làm hoàn toàn bằng chất liệu đồng và ghép bởi 3.500 chi tiết.

Chùa Đồng không hẳn vì làm bằng Đồng mà chữ “Đồng” còn có nghĩa là sự đoàn kết, đồng tâm, đồng lực, đồng lòng của cả dân tộc Việt Nam. Người ta tin rằng chùa Đồng là nơi giao hòa giữa trời, đất và con người nên rất linh thiêng.

Chùa Đồng huyền thoại, nơi cõi phật linh thiêng.

Đặc biệt, người ta cũng tin rằng, tiếng vang của tiếng chuông trên chùa Đồng có thể thấu đến cõi địa ngục u ám, chúng sanh nào bị đọa nơi địa ngục nhờ nghe tiếng chuông này liền được giải thoát. Khánh sử dụng lúc đọc kinh, điều hòa tiết tấu âm điệu, hoặc đánh lên mỗi khi Phật tử vào Chùa lễ Phật, Khánh còn mang nghĩa nhằm cảnh tỉnh đại chúng trở về thực tại sâu xa.

Nguyễn Quân

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/khu-di-tich-lich-su-yen-tu-quang-ninh-coi-phat-thieng-lieng-post239940.html