Khu đất dịch vụ ở Hoài Đức, hơn 100 hộ xây nhà về ở không có điện, nước

Không điện, không nước sạch, không số nhà là thực tế những gì người dân Khu X2 đất dịch vụ xã Song Phương, huyện Hoài Đức, Hà Nội đang phải trải qua.

Thực hiện các chủ trương phát triển của tỉnh Hà Tây trước kia (của thành phố Hà Nội ngày nay) hàng nghìn hộ dân xã Song Phương đã bàn giao ruộng cho các dự án đường Láng - Hòa Lạc (nay là Đại lộ Thăng Long) cũng như các dự án trọng điểm khác của huyện Hoài Đức.

Dây điện người dân đấu nối chằng chịt nguy cơ cháy nổ cao (Ảnh: Châu Anh).

Để người dân bị mất ruộng chuyển đổi nghề nghiệp ổn định cuộc sống, thành phố Hà Nội đã thực hiện chính sách giao đất dịch vụ cho các hộ dân bị mất ruộng. Thế nhưng, đến nay, đã 4 năm xây nhà ra ở, cuộc sống người dân vẫn đang phải vật lộn với tình cảnh không điện, không nước.

Anh Lê Tất Thắng người dân Khu X2 đất dịch vụ xã Song Phương bức xúc, mặc dù đã được cấp sổ đỏ, có giấy phép xây dựng nhưng đến giờ, khu vực này vẫn chưa có điện, nước, đường thì vẫn chưa làm xong.

Để có nước sinh hoạt, nhiều gia đình phải khoan tạm giếng để dùng nhưng do gần với nghĩa trang nên dù đã xử lý lọc nhiều lần nhưng nước vẫn vàng, đục, hôi tanh. Lo sợ ảnh hưởng đến sức khỏe, một số hộ dân trong khu đất dịch vụ đã phải đi xin hoặc kéo nhờ nước sạch của các hộ quanh làng để dùng.

Không chỉ khốn khổ về nước mà điện cũng không có. Hiện cả khu đất dịch vụ đã có hơn 100 hộ đã xây nhà về ở, nhưng họ đều phải tự mua dây điện kéo nhờ của người từ trong làng ra, hoặc thậm chí phải mua lại của một số hộ trong làng với giá lên tới 4.500 đồng/kW.

“Hệ thống dây điện tạm bợ, đấu nối chằng chịt được mắc tạm trên những cột thép có thể dẫn đến nguy cơ quá tải, cháy nổ bất cứ lúc nào” - anh Thắng nói.

Còn ông Nguyễn Văn Bảy cho rằng, điện, nước là nhu cầu thiết yếu của người dân nhưng với tình cảnh như hiện nay thì chưa biết đến khi nào chúng tôi mới có. Ở một huyện cận kề với trung tâm của Hà Nội, lại đang phấn đấu để trở thành quận thế nhưng bao năm chúng tôi phải sống trong cảnh không có điện, nước sinh hoạt.

Chủ trương của Đảng, Nhà nước thì luôn đặt mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao mức thụ hưởng của nhân dân lên hàng đầu; phát triển kinh tế xã hội, gắn với các dịch vụ xã hội để mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như: điện, nước… nhưng thực tế những gì ở đây đang trái ngược với chủ trương của Đảng, Nhà nước.

“Tôi mong muốn lãnh đạo huyện hãy một lần đặt địa vị là người dân như chúng tôi sống trong cảnh không điện, không nước mới thấy khổ như thế nào” – ông Bảy bức xúc.

Nhiều hố ga bị mất nắp gây mất an toàn cho người dân (Ảnh: Châu Anh).

Cũng theo người dân, để xây dựng hạ tầng cho khu đất này từ năm 2015, những hộ dân thuộc diện được nhận đất dịch vụ đã phải nộp 810.000 đồng/m2 để xây dựng hạ tầng, thế nhưng không biết lý do gì đến giờ vẫn hạ tầng vẫn chưa hoàn thiện xong.

Theo phản ánh của người dân và quan sát của phóng viên Dân trí thì hiện nay các hạng mục như điện ngầm, các trụ điện, trạm biến áp đã thi công xong từ cuối năm 2022, tuy nhiên, không hiểu vì sao đến nay vẫn chưa được đấu nối điện để phục vụ nhân dân.

Để đảm bảo sinh hoạt, nhiều hộ dân Khu X2 đất dịch vụ Song Phương phải câu nhờ điện của các hộ quanh làng, mua điện với giá cao và đi mua nước sạch.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Đỗ Văn Toàn – Chủ tịch UBND xã Song Phương xác nhận, đúng là thực tế dù người dân đã ra khu đất dịch vụ ở, nhưng đến nay khu vực này vẫn chưa có điện, nước.

"UBND xã cũng đã nhiều lần kiến nghị với UBND huyện, các ngành sớm quan tâm cung cấp điện cho cho dân, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được đấu nối điện để phục vụ nhân dân"-ông Toàn nói.

Còn về nước sạch, được biết lãnh đạo huyện cũng đã có các buổi làm việc với các doanh nghiệp cung cấp nước sạch trên địa bàn đầu tư mạng lưới cung cấp nước cho người dân các khu dịch vụ trên địa bàn huyện nói chung, đất dịch vụ xã Song Phương nói riêng.

Việc người dân vào ở đã lâu nhưng không được đáp ứng đầy đủ cơ sở hạ tầng tại khu dân cư X2 đất dịch vụ Song Phương đang kéo theo rất nhiều hệ lụy, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt cũng như sức khỏe của người dân. Do vậy, các hộ dân mong muốn các đơn vị có liên quan sớm vào cuộc, cung cấp điện nước, hoàn thiện hạ tầng để người dân sớm ổn định cuộc sống.

Được biết, dự án này được UBND huyện Hoài Đức phê duyệt giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất huyện là đơn vị thu hồi mặt bằng, làm chủ đầu tư hạng mục điện, vỉa hè, điện chiếu sáng, cây xanh.

Dự án bắt đầu bàn giao đất cho các hộ dân từ giữa năm 2020. Tuy nhiên, suốt từ thời điểm bàn giao đất cho dân tới nay, cơ sở hạ tầng vẫn chưa hoàn thiện, các dịch vụ thiết yếu như điện, nước vẫn chưa có để cung cấp cho người dân.

Châu Anh

Dân sinh

Nguồn Dân Sinh: https://dansinh.dantri.com.vn/dien-dan-dan-sinh/khu-dat-dich-vu-o-hoai-duc-hon-100-ho-xay-nha-ve-o-khong-co-dien-nuoc-20240326141258540.htm