Không trả lời kiến nghị cho xong bởi mỗi kiến nghị là một vấn đề

Phát biểu tại phiên thảo luận về giám sát giải quyết kiến nghị cử tri sáng 20/11, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết cá nhân mình cũng như nhiều Bộ trưởng khác nhận được nhiều kiến nghị của cử tri qua các Đoàn đại biểu Quốc hội.

Bộ trưởng cũng bày tỏ còn tâm tư làm sao để Đoàn đại biểu Quốc hội truyền tải thông tin đến cử tri bởi có những vấn đề giới hạn trong trả lời của Bộ trưởng. Bộ trưởng cho rằng kiến nghị cử tri không đơn thuần là kiến nghị mà còn là thông tin cho quản lý điều hành. Qua đây, Bộ trưởng cảm ơn kiến nghị cử tri và tổng hợp của Đoàn đại biểu Quốc hội và cho rằng cách thức truyền tải thông tin về các kiến nghị cần có kênh liên lạc nhanh hơn, đưa ra các vấn đề để các đại biểu truyền tải đến cử tri thông tin chỉ đạo điều hành.

Về hỗ trợ nông dân bị thiệt hại do dịch bệnh, Bộ trưởng cho biết nội dung này liên quan đến Nghị định số 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Đây là nghị định bao trùm với phạm vi rộng, liên quan đến các ngành trong nông nghiệp. Do đó, thời gian qua, Bộ đã có kiến nghị sửa đổi để cập nhật tình hình bối cảnh mới. Đại dịch COVID -19 xảy ra nên việc sửa đổi nghị định có phần nào bị ảnh hưởng.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, khi nghiên cứu sửa đổi nghị định này đặt ra vấn đề xem xét đến cân đối nguồn lực của đất nước; thiết kế chính sách hỗ trợ không dễ bị lợi dụng và không làm khó đối tượng thụ hưởng. Chính sách không chỉ dành cho người bị thiệt hại mà còn dành cho những cán bộ tham gia chống dịch. Chính sách đủ rõ, đủ minh bạch và dễ tiếp cận. Do đó với những yêu cầu này, Bộ trưởng cho biết có những lúng túng nhất định khi thiết kế chính sách bởi vừa phải bảo đảm tạo điều kiện tiếp cận cho người dân vừa tránh lợi dụng chính sách, cân đối nguồn lực nhà nước.

Về Nghị định 67, Bộ trưởng cho biết thời gian qua đã hoàn thành dự thảo nghị định sửa đổi liên quan đến chính sách hỗ trợ ngư dân đóng tàu và mối quan hệ với ngân hàng cho vay vốn. Bộ trưởng cho biết giao dịch ngân hàng với chủ tàu là vấn đề kinh tế dân sự. Bộ trưởng đề nghị Ngân hàng có chính sách tái cấu trúc lại nợ cho ngư dân. Đồng thời đề nghị các địa phương cùng với ngân hàng để xem xét từng trường hợp.

Về hướng tới nền nông nghiệp an toàn, không chỉ để xuất khẩu mà cho cả Việt Nam, Bộ trưởng cho biết đã có đề án về vấn đề này. Với cấu trúc nền nông nghiệp gắn với địa phương, Bộ trưởng đề nghị các đại biểu và các địa phương cùng tham gia và có giám sát.

Trước ý kiến phản ánh nước ta quốc gia nông nghiệp nhưng còn lệ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu cho đầu vào, Bộ trưởng cho biết Việt Nam nằm trong chuỗi ngành hàng của thế giới thế nên có những nguyên liệu nhập vào thì cũng để chế biến và có đến 1/3 là tái xuất. Do đó cần có cái nhìn khách quan, công bằng đối với một ngành hàng.

Về chăn nuôi tằm, Bộ trưởng cho biết hướng đến có đến giống tằm chất lượng cao hơn. Hiện có đàm phán để nhập khẩu nhưng còn vướng quy định của nước ngoài liên quan đến bảo tồn giống nên chưa nhập khẩu được đủ lượng. Bên cạnh đó, Bộ cũng đã chỉ đạo nghiên cứu để có đề án, chính sách khuyến nông nghiên cứu để phát triển giống trong nước đáp ứng ngành sản xuất tơ tằm trong nước.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Trung tâm Sản xuất và Phát triển Nội dung số

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/khong-tra-loi-kien-nghi-cho-xong-boi-moi-kien-nghi-la-mot-van-de-199089.htm