Không tăng giá bán, xuất khẩu xi măng, clinker của Việt Nam vẫn giảm mạnh

Mặt hàng clinker được Bộ Tài chính đề nghị điều chỉnh tăng thuế xuất khẩu từ 5% lên 10%. Riêng đối với mặt hàng xi măng, do không có trong biểu khung thuế nên không chịu thuế xuất khẩu.

Giá clinker xuất khẩu không tăng khiến doanh nghiệp vô cùng khó khăn do không đủ bù đắp chi phí sản xuất và thuế. Ảnh: Minh Anh/BNEWS

Giá clinker xuất khẩu không tăng khiến doanh nghiệp vô cùng khó khăn do không đủ bù đắp chi phí sản xuất và thuế. Ảnh: Minh Anh/BNEWS

Kể từ ngày 1/1/2023, thuế xuất khẩu đối với mặt hàng clinker (xi măng dạng thô) tăng từ 5% lên 10% theo Nghị định số 101/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP và Nghị định số 57/2020/NĐ-CP.

Mặt hàng clinker được Bộ Tài chính đề nghị điều chỉnh tăng thuế xuất khẩu từ 5% lên 10%. Riêng đối với mặt hàng xi măng, do không có trong biểu khung thuế nên không chịu thuế xuất khẩu. Điều này nhằm hạn chế xuất khẩu sản phẩm dùng nhiều nguyên liệu, nhiên liệu và tài nguyên khoáng sản không tái tạo.

Khi thuế, chi phí tăng lên, giá xuất khẩu sẽ đắt đỏ hơn. Các quốc gia nhập khẩu mặt hàng này sẽ càng phải cân nhắc nhiều hơn để lựa chọn nhập khẩu từ nước nào có giá thành hợp lý nhất.

Theo Hiệp hội xi măng Việt Nam (VNCA), từ đầu năm 2023 thuế xuất khẩu của mặt hàng này tăng từ 5% lên 10%. Tuy nhiên, dù giá clinker xuất khẩu không tăng khiến doanh nghiệp vô cùng khó khăn do không đủ bù đắp chi phí sản xuất và thuế.

Hiện nay, 3 thị trường xuất khẩu xi măng chính của Việt Nam là Philippines, Mỹ và Hong Kong (Trung Quốc). Còn với clinker, các thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc, Bangladesh, Philippines.

Là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam nhưng từ đầu năm đến nay, xuất khẩu vật liệu xây dựng sang Trung Quốc khá ảm đạm do thị trường bất động sản nước này chưa hồi phục hoàn toàn. Trong số đó, kim ngạch xuất khẩu xi măng sang Trung Quốc giảm hơn 90% so với cùng kỳ năm 2022.

Chủ tịch VNCA Nguyễn Quang Cung nhận xét, xuất khẩu clinker của Việt Nam sang Trung Quốc chiếm nhiều nhất trên thế giới. Năm 2021, Việt Nam xuất khẩu ra các nước khoảng 40 triệu tấn clinker thì riêng thị trường Trung Quốc là 30 triệu tấn. Rõ ràng thị trường Trung Quốc nhìn nhận hàng Việt Nam chất lượng, giá thành cạnh tranh.

Thế nhưng, ông Cung đánh giá, năm 2023 tình hình thị trường không còn lạc quan như trước. Xuất khẩu clinker dự báo tiếp tục khó khăn khi nhu cầu xây dựng của thị trường Trung Quốc chưa khởi sắc.

Số liệu thống kê năm 2022 cho thấy, tổng lượng xuất khẩu xi măng, clinker chỉ đạt 30,65 triệu tấn, giảm 33% so với năm 2021; trong đó, xuất khẩu xi măng đạt 15,68 triệu tấn, bằng 93% so với năm 2021, xuất khẩu clinker đạt 14,97 triệu tấn, chỉ bằng 80% so với năm 2021.

Tổng lượng xuất khẩu xi măng, clinker giảm 33% so với năm 2021. Ảnh: Minh Anh/BNEWS

Tổng lượng xuất khẩu xi măng, clinker giảm 33% so với năm 2021. Ảnh: Minh Anh/BNEWS

Tổng trị giá ngoại tệ thu về từ xuất khẩu xi măng, clinker trong năm 2022 đạt 1,36 tỷ USD, giảm 398 triệu USD so với năm 2021. Ngay như Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) – chiếm tới 36% thị phần của các nước cũng không hoàn thành kế hoạch xuất khẩu xi măng, clinker năm qua.

Hiện sản lượng xuất khẩu trong quý I/2023 giảm 25% so với cùng kỳ, chỉ đạt 8,1 triệu tấn, với kim ngạch 345 triệu USD, giảm 24,6% (tương ứng mức giảm trên 100 triệu USD). Xuất khẩu xi măng sang Trung Quốc tiếp tục ảm đạm do thị trường bất động sản chưa hồi phục. Xuất khẩu mặt hàng này sang Trung Quốc trong quý I/2023 chỉ đạt gần 11,4 triệu USD, giảm tới 95% so với cùng kỳ.

Cùng đó, thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam là Philippines mới đây công bố áp thuế chống bán phá giá tạm thời với xi măng Việt Nam.

Đầu năm 2021, một số nhà sản xuất xi măng tại Philippines khởi kiện các doanh nghiệp xuất khẩu xi măng từ Việt Nam vào Philippines bán phá giá, gây thiệt hại cho ngành sản xuất xi măng Philippines.

Các doanh nghiệp xuất khẩu xi măng phản ánh, với bối cảnh dư cung lớn như hiện nay, khi tổng công suất vượt 110 triệu tấn và tiếp tục được bổ sung nguồn cung từ các dây chuyền mới, trong khi nhu cầu tiêu thụ xi măng trong nước chỉ ở mức 64 - 65,5 triệu tấn đang dẫn tới cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Vì vậy, các đơn vị sản xuất xi măng đứng trước áp lực phải tiêu thụ sản phẩm sản xuất ra. Do đó, việc duy trì thị trường xuất khẩu truyền thống như: Philippines, Trung Quốc, Bangladesh chính là “phao cứu sinh” với những doanh nghiệp chọn xuất khẩu là thị trường tiêu thụ chính.

Trên thực tế, những đơn vị sản xuất có sản lượng xuất khẩu lớn đang nỗ lực kéo giảm chi phí sản xuất, tìm kiếm thêm thị trường mới ngoài việc duy trì bạn hàng truyền thống tại Philippines. Thậm chí, họ chấp nhận thích nghi với chính sách bảo hộ mậu dịch, thuế chống bán phá giá… để xuất khẩu được sản phẩm hiệu quả nhất.

Chiến lược Phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050 đã nêu rõ, hạn chế xuất khẩu những sản phẩm sử dụng nhiều nguyên liệu, nhiên liệu là tài nguyên khoáng sản không tái tạo; trong đó, khống chế tỷ lệ xuất khẩu khẩu clinker và xi măng không vượt quá 30% tổng công suất thiết kế. Đây là định hướng của Nhà nước điều tiết lĩnh vực xuất khẩu xi măng, clinker nhằm duy trì việc đầu tư sản xuất trong nước và phục vụ trong nước là chủ yếu.

Tuy nhiên, ông Phạm Văn Bắc – Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng cho rằng, theo quy định của pháp luật Việt Nam thì đến nay chưa có mặt hàng nào bị cấm xuất khẩu và xi măng, clinker cũng vậy.

Theo cơ chế thị trường và bối cảnh thực tế là các doanh nghiệp đã đầu tư nhà máy, sản xuất ra sản phẩm, có đầu mối xuất khẩu nên nhà sản xuất phải tăng cường xuất khẩu vì tiêu thụ trong nước sụt giảm.

Bộ Xây dựng đã nhận định tình hình sản xuất, kinh doanh của một số lĩnh vực; trong đó có vật liệu xây dựng và câu chuyện xuất khẩu clinker. Từ đó, khuyến cáo doanh nghiệp và VNCA để có những giải pháp chấn chỉnh, điều tiết trong việc xuất khẩu clinker.

Các chuyên gia dự nhận định, năng lực sản xuất xi măng năm 2023 đạt hơn 120 triệu tấn (nếu điều chỉnh tỷ lệ phụ gia thì khả năng sản xuất sẽ lên tới 140 triệu tấn), trong khi tiêu thụ nội địa chỉ khoảng 65 triệu tấn và xuất khẩu sẽ khó đạt con số 31 triệu tấn như năm 2022.

Mặc dù dự báo kênh xuất khẩu trong những năm tiếp theo không có nhiều cơ hội tăng trưởng nhưng các chuyên gia cho rằng, ngành xi măng vẫn có thể kỳ vọng vào những tín hiệu tích cực từ việc giải ngân mạnh mẽ của Chính phủ đối với nhóm dự án đầu tư công giai đoạn tới để bù đắp phần nào sự sụt giảm của thị trường xuất khẩu./.

Thu Hằng/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/khong-tang-gia-ban-xuat-khau-xi-mang-clinker-cua-viet-nam-van-giam-manh/290455.html