Không phải Mỹ hay Nga, đây mới là quốc gia kiếm bộn tiền nhờ bán vũ khí

Israel đã và đang tiếp cận được nhiều thị trường mới và có cơ hội phát triển đáng kể, từ đó đóng góp hàng tỷ USD vào nền kinh tế nước nhà.

Ngày 2/6, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz đã đặt chân đến Mỹ sau xung đột với Hamas tại Dải Gaza. Mục đích chính của chuyến đi chóng vánh này là nhằm tìm kiếm khoản tài trợ quân sự khẩn cấp lên tới 1 tỷ USD từ Mỹ, đồng minh quan trọng hàng đầu của Israel.

Bên cạnh đó, các công ty quốc phòng Israel cũng đang chuyển hướng về phía Đông để tìm kiếm những cơ hội kinh doanh mới.

Máy bay không người lái Heron của Israel được rất nhiều nước ưa chuộng. Nguồn: EPA

Máy bay không người lái Heron của Israel được rất nhiều nước ưa chuộng. Nguồn: EPA

Hai vấn đề riêng rẽ nhưng lại liên quan mật thiết với nhau bởi dù sở hữu một số công nghệ quân sự tiên tiến nhất trên thế giới như hệ thống phòng thủ Vòm Sắt, nhưng Israel vẫn cần giữ quan hệ quốc phòng với Mỹ và các công ty Mỹ.

Tel Aviv cần sự hỗ trợ của Washington để có thể mở rộng thị trường sang các nước đồng minh phương Đông của Mỹ như Ấn Độ và Australia.

Về vấn đề này, ngày 24/5, Bộ Quốc phòng Israel cho biết, các hợp đồng xuất khẩu quốc phòng của Israel trong năm 2020 đạt 8,3 tỷ USD. Đây là doanh thu cao thứ hai trong lịch sử mà Israel từng đạt được. Bộ này cũng dự đoán, trong năm 2021, số lượng các hợp đồng quốc phòng mà Israel ký kết sẽ tăng 15% so với năm trước.

Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz từng khẳng định: “Các ngành công nghiệp của Israel, dù quy mô nhỏ hay lớn, có thể nói là đứng hàng đầu thế giới, cả về chất lượng và tiến bộ công nghệ. Ngay cả trong một năm khủng hoảng toàn cầu, chúng tôi vẫn làm việc tích cực để làm sâu sắc thêm mối quan hệ hợp tác với chính phủ và các đối tác trên khắp thế giới. Israel đã và đang tiếp cận được nhiều thị trường mới và có cơ hội phát triển đáng kể, từ đó đóng góp hàng tỷ USD vào nền kinh tế nước nhà, mang tới nhiều việc làm mới và tăng cường an ninh quốc gia”.

Cũng theo tin từ Bộ Quốc phòng Israel, năm 2020, Cục Hợp tác Quốc phòng Quốc tế (SIBAT), thuộc Bộ Quốc phòng Israel, đã hỗ trợ các ngành công nghiệp quốc phòng của Israel ký kết hàng chục thỏa thuận quan trọng với các đối tác. Khoảng 44% thị phần xuất khẩu tới từ các quốc gia châu Á và Thái Bình Dương.

Trên thế giới, Israel được coi là quốc gia đi đầu trong lĩnh vực radar và tác chiến điện tử. Ngoài ra, công nghệ hệ thống điện tử hàng không, quang học và máy bay không người lái (UAV) của Israel cũng được đánh giá cao, bao gồm cả phát triển trí thông minh nhân tạo (AI) cho nhiều nền tảng, giúp những loại vũ khí như máy bay không người lái có thể hoạt động và ngắm mục tiêu tự động.

Hà Linh (TH)

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/khong-phai-my-hay-nga-day-moi-la-quoc-gia-kiem-bon-tien-nho-ban-vu-khi-142636.html