Không ngừng nâng cao chất lượng đời sống người có công

Chính sách ưu đãi người có công (NCC) với cách mạng luôn chiếm vị trí quan trọng trong hệ thống chính sách an sinh xã hội của nước ta.

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, chính sách, chế độ ưu đãi NCC không ngừng được nâng lên để đảm bảo mức sống của gia đình NCC bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú.

Hoàn thiện chính sách, mở rộng đối tượng

Ngày 29/8/1994, UBTV Quốc hội khóa IX đã thông qua Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, NCC giúp đỡ cách mạng (nay gọi là Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng).

Từ đó đến nay, pháp lệnh đã trải qua 7 lần sửa đổi vào các năm 1998, 2000, 2002, 2005, 2007, 2012 và 2020, cùng với đó là hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH và các bộ, ngành liên quan ban hành một cách đồng bộ để triển khai thực hiện pháp lệnh nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác NCC với cách mạng, là nền tảng pháp lý cho các cấp chính quyền tổ chức triển khai chăm lo đời sống vật chất, tinh thần NCC và thân nhân NCC với cách mạng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến tặng quà các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Gần đây nhất, Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng (sửa đổi) năm 2020 được thông qua ngày 9/12/2020, đã cơ bản đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của NCC và thân nhân NCC với cách mạng.

Pháp lệnh mở rộng việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với NCC với cách mạng và bổ sung đối tượng NCC và thân nhân như người bị địch bắt tù, đày do trực tiếp hoạt động cách mạng, trực tiếp chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế sau năm 1975; mở rộng đối tượng người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc;

Bổ sung đối tượng hưởng ưu đãi là vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc vợ khác mà nuôi con liệt sĩ đến tuổi trưởng thành hoặc chăm sóc cha mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống hoặc vì hoạt động cách mạng mà không có điều kiện chăm sóc cha mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống.

Pháp lệnh cũng chuẩn hóa các điều kiện, tiêu chuẩn xem xét công nhận NCC với cách mạng theo đúng nguyên tắc chặt chẽ, thật sự xứng đáng, tôn vinh đúng đối tượng. Các điều kiện, tiêu chuẩn đối với 12 diện đối tượng NCC với cách mạng đã được rà soát kỹ từ thực tiễn.

Chế độ ưu đãi đối với NCC và thân nhân được tập hợp để quy định một cách thống nhất, rõ ràng, cụ thể hơn. Quy định rõ nguyên tắc hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi NCC; quy định chế độ trợ cấp mai táng;

Bổ sung chế độ BHYT và trợ cấp tuất hàng tháng đối với vợ hoặc chồng liệt sĩ tái giá; quy định mức trợ cấp hàng tháng với Mẹ Việt Nam anh hùng bằng 3 lần mức chuẩn, không phụ thuộc vào số con liệt sĩ.

Nâng mức trợ cấp ưu đãi

Đến nay, đã có hơn 9,2 triệu NCC, bao gồm cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ... được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi.

Hiện cả nước có trên 1,2 triệu NCC được hưởng trợ cấp và hơn 280.000 thân nhân NCC đang hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng.

Từ năm 2020 đến nay, mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi NCC luôn được điều chỉnh tăng phù hợp với lộ trình điều chỉnh tăng mức tiền lương cơ sở.

Đúng vào dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi NCC với cách mạng.

Với Nghị định 55, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi NCC tăng từ 1.624.000 đồng lên 2.055.000 đồng, làm căn cứ để tính mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi đối với NCC với cách mạng và thân nhân NCC.

Ngày 10/11/2023, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết số 104/2023/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024. Trong đó nêu rõ, sẽ thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương từ ngày 1/7 theo tinh thần của Nghị quyết số 27-NQ/TW năm 2018.

Cùng với việc điều chỉnh tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức, từ ngày 1/7, trợ cấp ưu đãi NCC với cách mạng cũng sẽ tăng.

Tuy nhiên, mức trợ cấp ưu đãi NCC được điều chỉnh tăng lên bao nhiêu thì Chính phủ sẽ có văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định số 75/2021/NĐ-CP về mức trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi NCC với cách mạng.

Ngoài ra, NCC và thân nhân còn được hỗ trợ về nhà ở, nuôi dưỡng, điều dưỡng phục hồi sức khỏe, cấp thẻ BHYT, ưu đãi trong giáo dục, tuyển sinh, tạo việc làm… Các phong trào "Toàn dân chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng", ủng hộ Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" ngày càng phát triển sâu rộng, được xã hội đồng tình hưởng ứng, trở thành nét đẹp truyền thống của dân tộc.

Chỉ tính trong giai đoạn 2012 - 2022, ngân sách nhà nước đã dành hơn 357 nghìn tỷ đồng để thực hiện chế độ đối với NCC và thân nhân, gia đình NCC. Năm 2023, chính sách trợ cấp thường xuyên được thực hiện với hơn 1,1 triệu người với kinh phí khoảng 29.000 tỷ đồng.

Từ năm 2012 - 2022, cả nước đã vận động được trên 13.000 tỷ đồng để hỗ trợ gia đình NCC xây dựng mới trên 84.000 căn nhà và sửa chữa trên 69.000 căn nhà tình nghĩa;

Tặng gần 126.000 sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách với tổng số tiền trên 1.000 tỷ đồng và hỗ trợ một số trường hợp đặc biệt khó khăn; 2.998 Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các tổ chức, đoàn thể nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời.

Đại biểu chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Chương trình gặp mặt, tri ân nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ .

Năm 2023, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” cả nước vận động được hơn 600 tỷ đồng, hỗ trợ xây mới khoảng 4.700 nhà tình nghĩa, sửa chữa khoảng 3.500 nhà tình nghĩa với tổng kinh phí hơn 580 tỷ đồng; tặng 10.500 sổ tiết kiệm với kinh phí hơn 27 tỷ đồng; 2.950 Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các tổ chức, cá nhân nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời.

Cùng với đó, cơ quan chức năng đã thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ cấp mới 187 Bằng Tổ quốc ghi công; cấp lại 11.123 Bằng Tổ quốc ghi công; cấp trích lục 200 hồ sơ liệt sĩ; tiếp nhận 3.475 mẫu hài cốt liệt sĩ và hơn 160 mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ để giám định ADN. Công tác nuôi dưỡng, điều dưỡng NCC với cách mạng ngày càng được thực hiện tốt hơn.

Ngân sách trung ương chi 600 tỷ đồng nâng cấp, tu bổ, sửa chữa mộ liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ cho các địa phương bảo đảm bền vững lâu dài, phát huy tính giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Việc triển khai đồng bộ các chính sách đã phát huy hiệu quả rõ rệt trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của NCC, thể hiện truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc; tạo động lực, niềm tin, sức mạnh để thế hệ hôm nay tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Châu Anh

Báo Lao động Xã hội

Kỷ niệm 49 năm Ngày 30/4 và Ngày Quốc tế Lao động 1/5

LĐXH

Nguồn Dân Sinh: https://dansinh.dantri.com.vn/nguoi-co-cong/khong-ngung-nang-cao-chat-luong-doi-song-nguoi-co-cong-20240429104234806.htm