Không ngừng hoàn thiện chế độ chăm sóc người có công

Trao đổi với phóng viên, ông Đào Ngọc Lợi, Cục trưởng Cục Người có công (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) khẳng định, 76 năm qua, công tác chăm sóc người có công với cách mạng luôn được chú trọng; hệ thống pháp luật, chính sách về người có công dần được hoàn thiện; đối tượng chính sách và chế độ ưu đãi người có công với cách mạng từng bước được mở rộng.

Phóng viên (PV): Thực tế cho thấy, các chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và gia đình người có công với cách mạng luôn được nghiên cứu, bổ sung và điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước trong từng thời kỳ. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Ông Đào Ngọc Lợi: Chính sách ưu đãi người có công lần đầu tiên do Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành bằng Sắc lệnh số 20/SL ngày 16-2-1947 quy định về hưu bổng thương tật, tiền tuất cho thân nhân tử sĩ. Từ năm 1986, cùng với công cuộc đổi mới đất nước, hệ thống chính sách, pháp luật nước ta đã có những thay đổi quan trọng để phù hợp với tình hình kinh tế-xã hội. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản luật ưu đãi xã hội đối với người có công, trong đó, nổi bật nhất là việc ban hành Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng năm 1994 (Pháp lệnh Ưu đãi năm 1994).

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tặng quà đối tượng chính sách tại tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: TỐNG GIÁP

Sau nhiều năm đi vào cuộc sống, Pháp lệnh Ưu đãi năm 1994 đã được rà soát, tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện từng thời kỳ và quá trình cải cách hành chính nhà nước. Năm 2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 về ưu đãi người có công với cách mạng, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2021.

Đến nay, pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng và các văn bản hướng dẫn đã kịp thời thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về ưu đãi người có công với cách mạng qua các thời kỳ, đặc biệt là Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19-7-2017 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng, đồng thời tiếp tục chuẩn hóa các điều kiện, tiêu chuẩn xem xét công nhận người có công với cách mạng theo đúng nguyên tắc chặt chẽ, thật sự xứng đáng, tôn vinh đúng đối tượng.

PV: Chăm sóc người có công luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm cả về nguồn lực và nhân lực. Năm 2023, ngân sách nhà nước dành cho công tác này như thế nào, thưa ông?

Ông Đào Ngọc Lợi: Hằng năm, ngân sách nhà nước đã dành trên 30.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách trợ cấp, chính sách ưu đãi về giáo dục-đào tạo, miễn, giảm thuế, cải thiện nhà ở, chăm sóc sức khỏe, chương trình dạy nghề, tạo việc làm cho con em gia đình chính sách; mở rộng hệ thống cơ sở dịch vụ và sự nghiệp để phục vụ thương binh, thân nhân liệt sĩ và người có công; đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; xây dựng, tu bổ, tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ, các công trình ghi công liệt sĩ; tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; thông báo phần mộ liệt sĩ tại các nghĩa trang giúp người thân của liệt sĩ đến thăm viếng hoặc thăm viếng ngay tại gia đình thông qua Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ. Đồng thời, nhân dịp Tết Nguyên đán và kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, Chủ tịch nước cũng ban hành quyết định tặng quà hơn 1,5 triệu người có công với cách mạng với tổng kinh phí gần 1.000 tỷ đồng.

Năm 2023, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng được nâng từ 1.624.000 đồng lên 2.055.000 đồng và được thực hiện từ ngày 1-7-2023, ngân sách bảo đảm là 33.000 tỷ đồng.

Ông Đào Ngọc Lợi, Cục trưởng Cục Người có công (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội). Ảnh: MẠNH DŨNG

PV: Hiện nay, đời sống của một số thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, gia đình người có công với cách mạng vẫn còn khó khăn. Thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ triển khai giải pháp hỗ trợ nào để cải thiện đời sống của người có công và gia đình người có công với cách mạng theo phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”?

Ông Đào Ngọc Lợi: Công tác chăm sóc người có công với cách mạng trong những năm qua vẫn còn bộc lộ một số hạn chế nhất định, cần sớm được khắc phục. Cuộc sống của một số người có công với cách mạng vẫn còn nhiều khó khăn, công tác hỗ trợ nhà ở, chăm sóc sức khỏe khi đau yếu, điều trị thương tật do chiến tranh, hỗ trợ đào tạo và giải quyết việc làm cho người có công và thân nhân người có công chưa được chu đáo; vẫn còn một số người có công chưa được hưởng đầy đủ các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước; còn nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, thiếu thông tin, chưa xác định được danh tính. Một số vướng mắc về cơ chế, chính sách đối với thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng chưa được phát hiện và xử lý kịp thời.

Thời gian tới, chúng ta cần tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công và thân nhân người có công với cách mạng; thường xuyên rà soát và hoàn thiện chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công phù hợp với thực tiễn và sự phát triển của đất nước. Phát huy tinh thần trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền và tổ chức chính trị-xã hội các cấp, sự chung tay góp sức của toàn xã hội trong công tác chăm sóc người có công; lồng ghép cùng chương trình mục tiêu quốc gia trong việc xóa hộ nghèo, cận nghèo; khơi dậy tinh thần vươn lên của người có công và thân nhân người có công với cách mạng trong cuộc sống. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra việc tổ chức thực hiện chính sách ở địa phương, không để xảy ra hành vi trục lợi chính sách.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

LAN VŨ (thực hiện)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/chinh-sach/khong-ngung-hoan-thien-che-do-cham-soc-nguoi-co-cong-736255