Không nêu chi tiết các cơ quan tổ chức nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử của Nhà nước

Không nêu chi tiết các cơ quan tổ chức nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử của Nhà nước, cùng với đó xác định rõ chức năng của một số đơn vị trên địa bàn tỉnh trong việc nộp tài liệu lưu trữ lịch sử'. Đây là vấn đề được các đại biểu quan tâm thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5 khi cho ý kiến vào dự thảo luật Lưu trữ (sửa đổi).

Cho ý kiến vào điều 18 về Cơ quan, tổ chức nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử của Nhà nước, đại biểu Nguyễn Thị Sửu, đoàn Thừa Thiên - Huế đề nghị, không nêu chi tiết các cơ quan, tổ chức vì điều này sẽ gây khó khăn trong việc quản lý tài liệu của các cơ quan, tổ chức không có tên trong luật.

Còn đại biểu Lý Thị Lan đoàn Hà Giang cho rằng ngoài những tổ chức đã quy định thì hiện nay trên địa bàn các tỉnh có các doanh nghiệp như Viễn thông tỉnh, Bưu điện tỉnh, Công ty Điện lực tỉnh…thì những doanh nghiệp này thuộc cấp nào, vấn đề này cũng cần được làm rõ.

Về thời hạn nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử, đa số các đại biểu đều thống nhất thời hạn nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử tối đa là 05 năm, nhưng tính từ năm tài liệu được nộp vào lưu trữ hiện hành và áp dụng thống nhất cho cả tài liệu giấy và tài liệu số. Việc rút ngắn thời hạn nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử góp phần bảo đảm tốt hơn quyền tiếp cận thông tin của công dân và phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ. Đồng thời hạn chế tình trạng thất thoát tài liệu lưu trữ vĩnh viễn và giúp bảo quản tài liệu lưu trữ tốt hơn.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/khong-neu-chi-tiet-cac-co-quan-to-chuc-nop-tai-lieu-vao-luu-tru-lich-su-cua-nha-nuoc-215818.htm