Không mua vàng ngày vía Thần Tài có gặp xui xẻo?

Việc mua vàng cầu may ngày vía Thần Tài với niềm tin hướng tới điều may mắn, hanh thông để vận hành và phát triển thì không có gì xấu nhưng đừng biến thành mê tín dị đoan.

Nguồn gốc ngày vía Thần Tài

Vào ngày mùng 10 tháng Giêng là ngày vía Thần tài theo phong tục, tín ngưỡng của phương Đông, nhiều người có thói quen đi mua vàng với mong muốn đem lại may mắn cho một năm làm ăn phát tài. Không ít người không ngại chuyện giá vàng lên cao hoặc phải vất vả dậy sớm để xếp hàng mua vàng.

TS. Đinh Đức Tiến, khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết, theo một điển tích của Trung Quốc, được ghi chép trong Sưu thần ký, có người lái buôn tên là Âu Minh, đi qua hồ Thanh Thảo được thủy thần cho một người hầu tên là Như Nguyệt. Sau khi đem Như Nguyệt về nhà được vài năm thì Âu Minh ăn nên làm ra, trở nên giàu có.

Một hôm, vào ngày mùng 1 Tết, không biết vì lý do gì Âu Minh đánh Như Nguyệt, cô sợ quá chui vào đống rác ở góc nhà. Vợ Âu Minh không để ý nên vô tình quét nhà hót luôn cả đống rác có Như Nguyệt bên trong đổ đi. Từ đó về sau, nhà Âu Minh lại nghèo. Người ta đồn rằng, Như Nguyệt chính là Thần Tài và lập bàn thờ để thờ.

Ngày vía Thần Tài thực chất không phải truyền thống của Việt Nam mà chịu ảnh hưởng của Trung Quốc.

Theo quan niệm này, Thần Tài là các vị tiểu thổ thần nhỏ bé ở trong góc nhà. Các vị tiểu thổ thần nhỏ đến mức nhiều gia đình không dám quét nhà 3 ngày Tết vì sợ bới móc vào các góc nhà khiến các vị Thần Tài bỏ đi mất. Nhiều gia đình quét nhà thường vun rác vào một góc vì không muốn "đổ đi tài lộc". Các vị Thần Tài vì thế thường được thờ cúng ở ban thờ dưới mặt đất, trong một góc nhà.

Ngày vía Thần Tài thực chất không phải truyền thống của Việt Nam mà chịu ảnh hưởng của Trung Quốc. Vốn dĩ nó không liên quan đến văn hóa Việt Nam vì hai lý do chính: Thứ nhất, trong xã hội Việt Nam truyền thống có quan niệm "phi thương thì bất phú, phi trí bất hưng", nhưng lại coi trọng hơn việc lao động sản xuất nông nghiệp, đề cao vai trò của nông dân, nông nghiệp, nông thôn.

Thứ hai, người Việt Nam trước kia vẫn biết là cần phải mở rộng giao thương để phát triển kinh tế nhưng cũng chính người Việt lại có một quan điểm hơi ngược một chút, đó là không quá coi trọng tầng lớp thương nhân. Bởi vì họ cho rằng thương nhân gắn liền với khía cạnh nào đó về giá trị vật chất, về lợi nhuận, như vậy sẽ ảnh hưởng đến phương diện đạo đức.

Trong khi đó, văn hóa của Trung Quốc quan niệm ngày vía Thần Tài là cầu mong lợi ích vật chất, làm ăn phát đạt. Bởi vì đây là nền văn hóa của thương mại, du mục. Với con đường tơ lụa từ ngàn năm trước đã phát triển đến tận trời Âu thì tư duy của họ cũng hướng về việc tôn vinh các vị thần mang đến tài lộc, kinh doanh phát đạt cho họ, chứ không phải giống như người Việt.

Đừng trông chờ mua 1 chỉ vàng để đấy sẽ sinh ra vàng

TS. Nguyễn Ánh Hồng, nguyên Trưởng Khoa Văn hóa Phát triển, Học viện Báo chí Tuyên truyền cho biết, ngày vía Thần Tài từ lâu phù hợp đối với số đông người dân Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ, giới kinh doanh. Chúng ta đang ở giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, các thương nhân ngoài việc thay đổi tư duy, đôi khi họ cũng cần phải có một "điểm tựa" tâm linh nào đó để có thể "nạp" cho mình niềm tin, năng lượng tích cực.

Cho nên việc mua vàng cầu may, với niềm tin văn minh hướng tới điều may mắn, hanh thông để vận hành và phát triển thì không có gì xấu. Miễn đừng biến nó thành một "điểm tựa" quá đà đến chấp mê, chấp ngộ, mê tín. Niềm tin tín ngưỡng, niềm tin tâm linh thì cơ sở quan trọng nhất chính là sự chân thành, hướng thiện, phải xuất phát từ sự thành tâm. Không nhất thiết phải đổ xô xếp hàng cả ngày cả đêm, thậm chí gây nên rối loạn cho thị trường, gây mất trật tự an toàn cho xã hội để mua cho bằng được.

Và cũng đừng lo lắng, bất an vì việc mình không mua được ờ vàng ở trong ngày vía Thần Tài thì cả năm sẽ không sung túc, không phát đạt, không làm ăn tấn tới. Có thể nói, việc mua vàng trong ngày vía Thần Tài khơi nguồn cho chúng ta động lực để phấn đấu thôi. Nếu mua được một chỉ vàng trong ngày Thần Tài mà sau đó cất để đó, rồi không chịu khó làm việc, không năng động, không tích cực thì mãi mãi cũng là một chỉ vàng, nó không thể tự biến thành một cây vàng, một núi vàng được.

"Nói như thế cũng để hiểu rằng, chung quy lại, mua vàng trong cái vía Thần Tài tạo cho chúng ta động lực, thôi thúc, khơi gợi sự chủ động vận động và chịu trách nhiệm với chính hành vi của mình trong việc kiến tạo nên các giá trị kinh tế, chứ không phải vàng đó đưa về nó sẽ tự sinh sôi, nảy nở. Nếu ai đó nghĩ rằng không mua được vàng trong ngày vía Thần Tài thì làm ăn lụi bại là không đúng", TS Nguyễn Ánh Hồng nói.

Ngày vía Thần Tài thể hiện sự đa dạng trong tín ngưỡng, văn hóa của người Việt. Tuy nhiên do tính chất thương mại hóa các hoạt động tín ngưỡng nên ngày nay, nhiều phong tục, tín ngưỡng, trong đó có ngày vía Thần Tài đang dần bị biến tướng. Khoảng 10-15 năm gần đây, nhiều người rất coi trọng ngày vía Thần Tài đồng thời cúng lễ tỉ mỉ, cầu kì và đổ xô đi mua vàng cầu may.

Theo các chuyên gia, việc mua vàng vào ngày vía Thần Tài hoàn toàn không có căn cứ về mặt văn hóa, tâm linh hay phong thủy. Câu chuyện mua bán ngày vía Thần Tài được những người buôn bán lợi dụng để trục lợi và đang dần mang màu sắc mê tín dị đoan. Người mua nên tỉnh táo, tránh sa đà vào mê tín dị đoan, gây thiệt hại kinh tế cho bản thân.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/khong-mua-vang-ngay-via-than-tai-co-gap-xui-xeo-169240219101403368.htm