Không khí độc hại - thách thức toàn cầu

Nghiên cứu mới cho thấy rằng chỉ có dưới 10% các quốc gia và vùng lãnh thổ trong năm 2023 đáp ứng được tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về ô nhiễm bụi mịn PM2.5.

Ô nhiễm không khí trầm trọng tại thành phố Hotan, Trung Quốc. Ảnh: RTF

Theo IQAir, một công ty giám sát chất lượng không khí của Thụy Sĩ, chỉ có 10 trong số 134 quốc gia và vùng lãnh thổ đạt được các tiêu chuẩn của WHO về ô nhiễm bụi mịn PM2.5.

Ô nhiễm trong không khí được nghiên cứu và đo lường dưới dạng vật chất hạt mịn, hoặc tên gọi khác là chỉ số PM2.5, đề cập đến các hạt rắn có kích thước nhỏ hơn 2.5 micromet: đủ nhỏ để đi vào máu. PM2.5 là dạng ô nhiễm không khí nguy hiểm nhất, dẫn đến hàng triệu ca tử vong mỗi năm.

"Ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu đều có cùng một thủ phạm, đó là nhiên liệu hóa thạch," Glory Dolphin Hammes, Giám đốc điều hành của chi nhánh IQAir Bắc Mỹ, cho biết.

WHO đặt ra quy chuẩn mỗi người không nên hít thở quá 5 microgam vật chất dạng hạt mịn trên mỗi mét khối không khí, trung bình, trong suốt cả năm. Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ gần đây đã đề xuất siết chặt tiêu chuẩn chất lượng không khí từ 12 xuống 9 microgam trên mỗi mét khối.

Chỉ có một vài nơi hiếm hoi trên thế giới sở hữu không khí sạch đáp ứng các hướng dẫn của WHO, chủ yếu là các quần đảo, Châu Úc, các nước Bắc Âu là Phần Lan và Estonia. Trong khi đó, đa phần những quốc gia không đạt được tiêu chuẩn lại là nơi sinh sống của phần lớn dân số thế giới. Các quốc gia có chất lượng không khí ô nhiễm nhất chủ yếu nằm ở Châu Á và Châu Phi.

Bốn quốc gia ô nhiễm nhất trong bảng xếp hạng của IQAir năm 2023 là Bangladesh, Pakistan, Ấn Độ và Tajikistan, tất đều nằm ở Nam Á và Trung Á.

Cảm biến chất lượng không khí ở gần một phần ba các thành phố ở Mỹ cho thấy nồng độ vật chất dạng hạt mịn cao gấp hơn 10 lần so với hướng dẫn của WHO. Đây là tỷ lệ "vượt xa bất kỳ khu vực nào khác", báo cáo nhận định.

Các nhà nghiên cứu chỉ ra giao thông vận tải, than đá và khí thải công nghiệp, đặc biệt là từ các lò gạch, là những nguồn ô nhiễm chính của khu vực. Việc nông dân đốt rơm rạ theo mùa cũng góp phần vào vấn đề này, cũng như các hộ gia đình đốt gỗ và phân để sưởi ấm và nấu ăn.

Trung Quốc đang ghi nhận tình trạng chất lượng không khí xấu đi trong những năm gần đây. Thay đổi đáng chú ý trong năm 2023 là mức độ ô nhiễm không khí của Trung Quốc tăng 6,3% so với năm 2022, sau ít nhất năm năm cải thiện. Bắc Kinh ghi nhận mức ô nhiễm PM2.5 tăng 14% vào năm ngoái.

Chính phủ Trung Quốc tuyên bố khởi xướng "cuộc chiến chống ô nhiễm" vào năm 2014 và đã đạt được một số tiến bộ đáng kể. Nhưng sự sụt giảm mạnh nhất về ô nhiễm PM2.5 của Trung Quốc xảy ra vào năm 2020, khi đại dịch COVID-19 buộc phần lớn hoạt động kinh tế của đất nước phải chậm lại hoặc đóng cửa. Bà Dolphin Hammes cho rằng sự gia tăng mức độ ô nhiễm vào năm ngoái tại Trung Quốc là do nền kinh tế mở cửa trở lại.

Những thách thức vẫn còn, 11 thành phố ở Trung Quốc báo cáo mức độ ô nhiễm không khí trong năm ngoái vượt quá 10 lần so với các hướng dẫn của WHO. Tình trạng xấu nhất diễn ra tại hai thành phố Hòa Điền và Tân Cương.

Các nhà nghiên cứu của IQAir phân tích dữ liệu từ hơn 30.000 trạm quan trắc và cảm biến chất lượng không khí trên khắp 134 quốc gia và vùng lãnh thổ. Một số trạm quan sát này do các cơ quan chính phủ điều hành, phần còn lại do tổ chức phi lợi nhuận, trường học, công ty tư nhân, các nhà khoa học và người dân giám sát.

Có những thiếu xót lớn trong việc giám sát chất lượng không khí mặt đất ở Châu Phi và Trung Đông, bao gồm cả các khu vực mà dữ liệu vệ tinh cho thấy một số mức độ ô nhiễm không khí cao nhất trên Trái đất.

Mặc dù Bắc Mỹ là một trong những khu vực sạch hơn trên thế giới, nhưng vào năm 2023, cháy rừng đã thiêu rụi 4% diện tích rừng của Canada, tương đương với một nửa diện tích nước Đức, và làm giảm đáng kể chất lượng không khí.

Thông thường, các thành phố của Hoa Kỳ dẫn đầu danh sách những thành phố ô nhiễm nhất của Bắc Mỹ. Tuy nhiên, năm ngoái chứng kiến 13 vị trí đầu bảng đều thuộc về các thành phố của Canada, nhiều thành phố trong số đó nằm ở bang Alberta.

Tại Hoa Kỳ, các thành phố ở vùng Trung Tây Thượng và các bang Trung Đại Tây Dương cũng có lượng ô nhiễm PM2.5 đáng kể từ khói cháy rừng bay qua biên giới.

Việc phơi nhiễm ô nhiễm không khí lâu dài ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Đối với những người dễ bị tổn thương như trẻ rất nhỏ và người già, hoặc những người mắc bệnh nền, việc hít phải một lượng lớn bụi mịn chỉ trong vài giờ hoặc vài ngày đôi khi có thể gây tử vong. Theo một nghiên cứu toàn cầu gần đây được công bố trên The Lancet Planetary, khoảng 1 triệu ca tử vong sớm mỗi năm được quy cho việc phơi nhiễm PM2.5 ngắn hạn.

Theo Yuming Guo, giáo sư tại Đại học Monash ở Melbourne, Australia, và là một trong những tác giả của nghiên cứu, tình trạng ô nhiễm không khí tồi tệ nhất là ở Đông Nam Á và Tây Phi. "Nếu không tính đến các tác động ngắn hạn, chúng ta có thể đang đánh giá thấp khả năng gây tử vong do ô nhiễm không khí".

Trong từng quốc gia, ô nhiễm không khí và các vấn đề sức khỏe liên quan thường không được giải thích minh bạch. Chất lượng không khí ở Hoa Kỳ nhìn chung đã được cải thiện kể từ Đạo luật Không khí Sạch năm 1970. Thập kỷ trước, số ca tử vong sớm do phơi nhiễm PM2.5 giảm xuống còn khoảng 49.400 vào năm 2019, so với khoảng 69.000 vào năm 2010.

Những cải thiện nhanh về chất lượng không khí đã được ghi nhận tại một số cộng đồng. Theo một nghiên cứu quốc gia được công bố vào tháng này, sự chênh lệch về số lượng tử vong do ô nhiễm không khí giữa các nhóm sắc tộc đã gia tăng trong những năm gần đây.

Các khu vực điều tra dân số ở Hoa Kỳ có số lượng người da màu chiếm đa số ghi nhận tỷ lệ tử vong liên quan đến PM2.5 cao hơn khoảng 32% so với các khu vực có nhiều người da trắng.

Theo Gaige Kerr, một nhà khoa học nghiên cứu tại Đại học George Washington và là tác giả chính của bài báo về sự chênh lệch được công bố trên tạp chí Environmental Health Perspectives, trong bảng xếp hạng của IQAir, Mỹ đang vận động tốt hơn hầu hết các quốc gia khác trong nỗ lực cải thiện chất lượng không khí, tuy nhiên, các nghiên cứu sâu cho thấy chất lượng không khí vẫn là một vấn đề na giải và vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

Nghiên cứu của Tiến sĩ Kerr cho thấy tỷ lệ tử vong cao nhất ở Vịnh Mexico và Thung lũng Sông Ohio, đặc biệt ở các khu vực do các ngành công nghiệp hóa dầu và sản xuất thống trị. Ông cũng lưu ý rằng các nhà nghiên cứu đã ghi nhận sự gia tăng nhẹ tỷ lệ tử vong liên quan đến PM2.5 bắt đầu từ khoảng năm 2016, đặc biệt là ở các bang phía Tây, có thể là do cháy rừng ngày càng nhiều.

Hoàng Nam

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/khong-khi-doc-hai-thach-thuc-toan-cau.html