'Không học hành, không làm việc, chỉ thắp nhang': 'Mồi béo' cho người khác làm giàu

Xu hướng 'không học hành, không làm việc, chỉ thắp nhang' của giới trẻ Trung Quốc vô tình trở thành cơ hội làm giàu béo bở của nhiều công ty du lịch và chứng khoán.

Làm ăn khó khăn, kéo nhau đi chùa thắp hương

Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức sau đại dịch Covid-19. Tờ CNN cho hay, xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm 7,5% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm ngoái. Kinh tế ảm đạm khiến tỷ lệ thất nghiệp của người trẻ tại Trung Quốc tăng cao.

Theo thống kê của Straits Times, tỷ lệ thất nghiệp của nhóm 16 – 24 tuổi đạt mức cao kỷ lục 20,4% trong tháng 4/2023. Trong khi đó, theo ước tính của Bộ Giáo dục Trung Quốc, 11,6 triệu sinh viên đại học sẽ bước chân vào thị trường việc làm khan hiếm trong mùa hè này.

Tỷ lệ người trẻ thất nghiệp ở Trung Quốc tăng cao (Ảnh: AFP)

Thực trạng ảm đạm khiến trào lưu đi chùa cầu may lan rộng khắp Trung Quốc trong thời gian gần đây. Nhiều người trẻ tìm đến cửa chùa với mong muốn thoát khỏi một xã hội đầy áp lực. “Không học hành, không làm việc, chỉ thắp nhang” đã trở thành câu cửa miệng của nhiều người trẻ Trung Quốc. Thậm chí, một cụm từ ám chỉ xu hướng này “incense-burning youth” (Tạm dịch: Thế hệ người trẻ chỉ thắp nhang) đã ra đời.

Dựa trên dữ liệu của website du lịch Trip.com, số lượt viếng thăm chùa tại Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm đã tăng gấp 4 lần so với tổng số lượt trong cả năm ngoái. Khoảng một nửa số khách viếng thăm chùa nằm trong độ tuổi 20 – 30.

Ung Hòa Cung (Bắc Kinh) – một địa điểm thờ Phật giáo Tây Tạng, nơi dành cho những người mong muốn tìm kiếm thành công trong sự nghiệp và tài chính đã ghi nhận lượng người viếng thăm tăng 530% so với cùng kì năm ngoái, trang SCMP chỉ ra. Số lượng người đến chùa tăng mạnh vào tháng 3 và tháng 4 vừa qua.

Số lượng người trẻ đến chùa tăng đột biến (Ảnh: Straits Times)

Núi Nga Mi (Tứ Xuyên), một trong bốn ngọn núi linh thiêng của Phật giáo đã đón 2,48 triệu khách trong 5 tháng đầu năm nay, tăng 53% so với cùng kỳ năm 2019 – thời gian trước khi bùng dịch Covid-19.

Cái nôi của Đạo giáo – núi Long Hổ (Giang Tây) đón 4,73 triệu lượt khách viếng thăm trong quý I/2023, tăng 47% so với cùng kỳ năm 2019. Võ Đang, một địa điểm Đạo giáo nổi tiếng cũng ghi nhận lượt khách kỉ lục trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 3 năm nay, tăng 23% so với năm 2019.

Cơ hội làm giàu từ những kẻ cầu may

Nhiều người đổ xô đến chùa để cầu may giúp nhiều công ty du lịch tại Trung Quốc tăng trưởng ấn tượng. Theo Strait Times, Emei Shan Tourism – công ty cung cấp dịch vụ du lịch quanh ngọn núi Nga Mi đã chứng kiến sự nhảy vọt về doanh thu. Công ty đạt lợi nhuận ròng cao kỷ lục, 9,8 triệu USD trong quý đầu tiên, tăng tới 262% so với cùng kì năm 2019.

Cổ phiếu của Emei Shan Tourism cũng tăng 44% trong 10 phiên giao dịch vừa qua và là một trong những cổ phiếu hoạt động tốt nhất trên thị trường chứng khoán Trung Quốc ở thời điểm hiện tại.

Công ty điều hành khu danh lam thắng cảnh núi Cửu Hoa (một trong tứ đại Phật giáo danh sơn tại Trung Quốc) cũng đạt doanh thu cao kỷ lục. Chỉ trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 3, doanh thu của công ty tăng 43% so với cùng kì năm 2019 trong khi cổ phiếu tăng 34% trong 10 phiên giao dịch gần nhất. Đây là mức tăng trưởng cao nhất của công ty kể từ khi lên sàn vào năm 2015.

Nhiều ứng dụng gõ mõ, thắp hương online,...ra đời (Ảnh: SCMP)

Không chỉ các công ty du lịch, nhiều công ty bán vé số cũng nằm im hưởng lợi nhờ xu hướng này. Bên cạnh cầu mong thành công trong sự nghiệp, nhiều người trẻ đi chùa để cầu trúng số. Theo Reuters, doanh số bán vé số tại Trung Quốc đã tăng tới 62% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 7,28 tỷ USD. Doanh số bán vé số trong tháng 4 vừa qua cũng tăng lên mức cao nhất trong một thập kỷ.

Nhận thấy xu hướng người trẻ Trung Quốc tin vào tâm linh nhiều hơn, một số công ty phần mềm cũng đã nhanh tay nắm bắt cơ hội làm giàu. Nhiều ứng dụng công nghệ về tu hành được sản xuất và được đông đảo người trẻ Trung Quốc đón nhận.

Ứng dụng gõ mỏ ảo Wooden Fish đã thu hút được hơn 4 triệu lượt tải trên AppStore sau khi ra mắt vào tháng 9 năm ngoái. Thậm chí, nhiều ứng dụng như thắp nhang online, đọc kinh Phật, lần tràng hạt, tích công đức online cũng lần lượt ra đời. Chùa Jingfeng ở Phúc Kiến hiện đã chuyển sang thắp nhang điện tử. Với mức phí chỉ 8,8 NDT, người dùng điện thoại có thể thắp một nén hương điện tử để khấn vái các bề trên hoặc quét mã QR để làm công đức online.

Mai Lý

Theo SCMP, CNN, Reuters, Straits Times

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/khong-hoc-hanh-khong-lam-viec-chi-thap-nhang-moi-beo-cho-nguoi-khac-lam-giau-20180504224285486.htm