Không gian triển lãm nghệ thuật kỹ thuật số 'triệu đô'

Không gian nghệ thuật kỹ thuật số Sốnglab được đầu tư gần 30 tỷ đồng sẽ diễn ra triển lãm đầu tiên ngày 20/10 tại TP Huế với sự tham gia của 20 nghệ sĩ.

Không gian nghệ thuật kỹ thuật số rộng 1.000m2 gồm 5 khu vực tương ứng 5 công nghệ trình chiếu khác nhau. Dự án được ấp ủ và thành hình trong 5 năm với kinh phí dự trù ban đầu 1 triệu USD (khoảng 24 tỷ đồng), hiện tăng thêm khoảng 20%. Đơn vị tổ chức yêu cầu các tác giả sáng tác riêng về chủ đề Huế cho triển lãm đầu tiên nhằm tri ân địa phương, các triển lãm sau sẽ giới hạn chủ đề trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam.

Khu đầu tiên gồm các màn hình LCD dạng nhỏ phù hợp cho tác phẩm có kích cỡ nhỏ, độ phân giải cao. Tám bức đồ họa 3D chủ đề 'Đâm chồi nảy lộc' được trình chiếu kèm âm thanh sinh động. Tác giả Nguyễn Ngọc Quý tạo ra các cây hoa kỹ thuật số từ chất liệu ở Huế như lụa, gốm, trúc chỉ...

Khu vực thứ 2 chuyên trưng bày những tác phẩm kết hợp trình chiếu điện tử và nghệ thuật khác như sắp đặt hoặc điêu khắc. Tác phẩm 'Hồng sắc long' của tác giả Jiohan - thuộc thế hệ Z là cách cô đối thoại với nền văn hóa hàng nghìn năm tuổi.

Khu vực thứ 3 - phòng nhập vai với diện tích 500m2, trần cao 7m và công nghệ phù hợp cho khán giả có thể 'bước vào' tác phẩm.

"Công nghệ không quá mới trên thế giới nhưng không dễ thực hiện ở Việt Nam. Chúng đòi hỏi yêu cầu cao về kiến thức của đơn vị trình chiếu và phải được lắp đặt bởi chuyên gia. Đơn cử việc để người thưởng lãm đứng cận màn hình mà không đổ bóng lên tác phẩm là cả hệ thống lập trình, phần mềm và máy chủ vận hành", ông Dương Đỗ - 'cha đẻ' của dự án chia sẻ.

Các tác phẩm được trình chiếu gồm 'Mọi miền tiềm thức' (Cường Nguyễn), 'Một trăm' (Cao Hoàng Long) và 'Như một dòng chảy' (Lê Minh Viễn, Travis Cohantz) lần lượt đưa người xem vào không gian siêu thực, tái hiện cảnh sắc Huế và câu chuyện mẹ Âu Cơ sinh trăm con từ bọc trứng bằng công nghệ trong môi trường đồ họa lập thể.

Khu vực thứ 4 - phòng tương tác lắp hệ thống cảm biến di chuyển để các nghệ sĩ trình diễn tác phẩm tương tác.

MxC thực hiện tác phẩm 'Phản chiếu' từ giấc mơ ở Vịnh Lăng Cô, Huế. Bằng công nghệ tương tác, cô tái hiện giấc mơ từ việc sải bước trên mặt nước đến khu rừng tỏa sáng rực rỡ sau cái chạm tay trong không gian thực tế ảo.

Khán giả tương tác không gian thực tế ảo

Khu vực cuối cùng kết hợp màn hình tĩnh và màn hình di chuyển trình chiếu 2 tác phẩm 'Hạnh phúc sinh sôi' (Tùng Monkey) và 'Ẩm thực trừu tượng' (Cường Nguyễn).

Không gian nghệ thuật kỹ thuật số này không đòi hỏi người trải nghiệm phải hiểu nghệ thuật đương đại là gì. Bất cứ ai cũng có thể thụ hưởng nhu cầu khác nhau từ công nghệ, giải trí, giáo dục đến văn hóa, nghệ thuật.

Ông Phan Lê Chung - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Nghệ Thuật Huế nói đây là công trình có ý nghĩa với cộng đồng yêu nghệ thuật. Trường dự kiến có nhiều chương trình hợp tác như giao lưu văn hóa quốc tế, workshop chuyên đề hoặc các chương trình cộng đồng, talkshow nghệ thuật đương đại...

Gia Bảo

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/khong-gian-trien-lam-nghe-thuat-ky-thuat-so-trieu-do-2202964.html