Không đơn thuần chỉ là chiêu trò tránh phạt nguội

Phạt nguội qua hình ảnh là giải pháp tiên tiến trong lĩnh vực xử phạt vi phạm giao thông. Tuy nhiên, hàng loạt chiêu trò tránh phạt xuất đang đe dọa trực tiếp đến hiệu quả của giải pháp tiên tiến này.

Nhiều lái xe cố tình che biển số xe để trốn phạt nguội.

Nhiều lái xe cố tình che biển số xe để trốn phạt nguội.

Thiết bị giám sát hành trình trên xe kinh doanh vận tải, hệ thống camera giám sát trên đường và mới nhất là camera giám sát được lắp đặt trực tiếp trên ô tô là những giải pháp được đưa ra để phục vụ việc quản lý, giám sát hoạt động của các phương tiện trên đường. Và dữ liệu thu được làm cơ sở để lực lượng chức năng phạt nguội những trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, mỗi khi giải pháp mới ra đời, ngay lập tức những chiêu trò đối phó nhằm qua mặt lực lượng chức năng cũng xuất hiện.

Thủ đoạn đơn giản

Năm 2009, Nghị định số 91/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô ra đời với một trong những nội dung rất đáng chú ý, đó là tất cả xe kinh doanh vận tải phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (hộp đen).

Sau một thời gian triển khai, đến giữa năm 2018, gần như đã hoàn thành phổ cập thiết bị giám sát hành trình trên tất cả phương tiện kinh doanh vận tải. Mục đích của những chiếc “hộp đen” là truyền dữ hiệu từ phương tiện về Tổng cục Đường bộ Việt Nam để phục vụ cho việc quản lý, giám sát cũng như xử phạt vi phạm nếu có.

Thế nhưng, không lâu sau khi hệ thống “hộp đen” được đưa vào khai thác đại trà, vấn đề mới đã phát sinh. Đó là hàng chục nghìn phương tiện được phát hiện không truyền dữ liệu về hệ thống của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, mà thủ phạm chính là tài xế. Để tránh sự giám sát của lực lượng chức năng và cơ quan quản lý Nhà nước, nhiều tài xế cố tình tắt thiết bị giám sát hành trình khiến cho dữ liệu từ “hộp đen” không được truyền về đúng nơi quy định.

Tình trạng tương tự xảy ra khi hệ thống camera giám sát trên các tuyến cao tốc được đưa vào vận hành để phục vụ công tác phạt nguội. Lần này, thủ đoạn của tài xế là che biển số xe hoặc cố tình dán đè lên biển số làm sai lệch biển số thật. Mục đích không ngoài việc gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc xác định chính xác biển số của phương tiện vi phạm, từ đó tài xế sẽ tránh bị phạt nguội.

Mới đây nhất, trong một thông báo phát đi của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cơ quan này đưa ra cảnh báo về tình trạng chủ xe, lái xe dùng vải, khẩu trang… để bịt camera. Thậm chí, có trường hợp còn ngắt hẳn dây nguồn ra khỏi thiết bị.

Cần thấy rằng, thủ đoạn mới này xuất hiện khi chủ trương yêu cầu các xe kinh doanh vận tải phải lắp đặt camera giám sát trên xe chính thức có hiệu lực chưa được bao lâu. Thậm chí, trên những hội nhóm của lái xe cũng có nhiều tài xế khác đăng bài, chỉ cho nhau cách đối phó bằng việc che, bịt kín mắt camera hành trình bằng bìa các tông, băng dán tối màu, lắp công tắc nguồn “khi nào kiểm tra thì bật” hoặc tháo luôn dây nguồn.

Bịt camera giám sát trên xe kinh doanh là thủ đoạn mới của nhiều tài xế để trốn phạt nguội.

Bịt camera giám sát trên xe kinh doanh là thủ đoạn mới của nhiều tài xế để trốn phạt nguội.

Cố tình chống đối, gây khó cho lực lượng chức năng

Trước tình trạng trên, Bộ GTVT đã có động thái cứng rắn để chấn chỉnh. Trong văn bản gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Sở GTVT các địa phương, Bộ GTVT yêu cầu những cơ quan trên kiểm tra, xử lý nghiêm phương tiện kinh doanh vận tải cắt nguồn để vô hiệu hóa camera hành trình. Trong đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam có trách nhiệm tăng cường phối hợp chặt chẽ các đơn vị liên quan để hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu thiết bị giám sát hành trình và camera giám sát trên xe ô tô kinh doanh vận tải, đảm bảo kết nối, sử dụng cho cơ quan chức năng.

Đối với Sở GTVT các địa phương, Bộ GTVT nhấn mạnh cần tăng cường kiểm tra phương tiện kinh doanh vận tải tại bến xe, cảng hàng không, ga đường sắt, bến tàu, trạm dừng nghỉ. Nếu phát hiện trường hợp vi phạm quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô phải xử lý thật nghiêm.

Đặc biệt, Sở GTVT các địa phương phải phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng ngành công an, tăng cường kiểm tra phương tiện kinh doanh vận tải; xử lý nghiêm trường hợp vi phạm, đặc biệt với vi phạm như: tắt thiết bị giám sát hành trình, che màn hình camera lắp trên xe ô tô kinh doanh.

Các chuyên gia cho rằng, việc Bộ GTVT chỉ đạo siết chặt công tác kiểm tra và xử lý đối với hành vi che - bịt camera giám sát trên xe kinh doanh là kịp thời và cần thiết. Bởi, trong bối cảnh chủ trương yêu cầu xe kinh doanh vận tải phải lắp đặt camera giám sát vừa có hiệu lực, những thủ đoạn nêu trên là đáng báo động và phải xử lý triệt để. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, chỉ một văn bản chỉ đạo của Bộ GTVT như thế là chưa đủ mà cần có sự vào cuộc quyết liệt, tổng lực của nhiều cơ quan, ban ngành, đơn vị với những giải pháp tổng thể.

TS Nguyễn Xuân Thủy – Chuyên gia giao thông cho rằng, những thủ đoạn đối phó như: che biển số xe, bịt camera giám sát hay tắt thiết bị giám sát hành trình không phải đến bây giờ mới có mà đã xuất hiện và tồn tại từ rất lâu. Điều này cho thấy, một bộ phận tài xế luôn trong tâm thế sẵn sàng tránh né, đối phó với chủ trương quản lý, giám sát mới mà cơ quan quản lý Nhà nước đưa ra thay vì nghiêm chỉnh chấp hành.

“Ứng dụng công nghệ, thành tựu khoa học kỹ thuật trong công tác quản lý, giám sát giao thông, vận tải thời đại công nghệ 4.0 hiện nay là vô cùng cần thiết. Nhưng việc vận hành và ứng dụng công nghệ đó ra sao mới quan trọng, nếu làm không tốt sẽ vừa kém hiệu quả, vừa gây ra lãng phí lớn” - TS Nguyễn Xuân Thủy nói và cho rằng, cần phải có giải pháp quyết liệt và mạnh tay hơn để xử lý nghiêm những hành vi đối phó bằng cách tắt thiết bị giám sát hành trình, che bịt biển số xe và camera giám sát để tránh phạt nguội.

Đồng quan điểm, ông Bùi Danh Liên – Chuyên gia giao thông khẳng định, phải tăng nặng chế tài xử phạt với hành vi cố tình che biển số xe, bịt camera giám sát hòng tránh phạt nguội mới đảm bảo được tính răn đe. “Hiện nay, có quy định xử phạt với những hành vi này nhưng mới dừng lại ở xử phạt hành chính và mức phạt còn quá nhẹ” – ông Bùi Danh Liên cho biết.

Ông Bùi Danh Liên cũng nhận định, ngoài tăng mức phạt tiền cần có hình thức phạt bổ sung đối với những tài xế cố tình che biển số xe, bịt camra giám sát mới có hiệu quả. Đã đến lúc không thể coi những hành vi vi phạm nêu trên đơn thuần là chiêu trò, thủ đoạn tránh né cơ quan chức năng. Phải coi đây là hành vi cố tình chống đối, gây khó khăn cho cơ quan quản lý Nhà nước, cho lực lượng chức năng làm nhiệm vụ.

Quý Nguyễn/Giao thông Hà Nội

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/khong-don-thuan-chi-la-chieu-tro-tranh-phat-nguoi.html