Không để thiếu lao động dịp cuối năm

Những tháng cuối năm, nhu cầu về nhân lực của doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh tăng cao. Ngành chức năng và các địa phương tập trung thực hiện các giải pháp hỗ trợ DN khắc phục khó khăn trong công tác tuyển dụng để đáp ứng yêu cầu hoạt động.

Quan tâm tháo gỡ vướng mắc

Gần đây, nhiều DN đã khôi phục hoạt động và mở rộng sản xuất nên có nhu cầu tuyển dụng nhân lực với số lượng lớn. Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), 5 tháng cuối năm 2023, các DN trên địa bàn tỉnh có nhu cầu tuyển hơn 70 nghìn lao động, tập trung tại các DN FDI ở khu công nghiệp (KCN) và công ty lớn thuộc lĩnh vực may mặc, điện tử. Những DN cần tuyển nhiều là: Tập đoàn khoa học kỹ thuật Hồng Hải; Tập đoàn Luxshare - ICT; Công ty TNHH New wing Interconnect Technology Bắc Giang; Công ty TNHH Công nghệ Lens Việt Nam; Công ty TNHH CE Link Việt Nam.

Đại diện các DN tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động tại Ngày hội việc làm huyện Lạng Giang.

Trước thực tế công tác tuyển dụng còn gặp khó khăn, tháng 8 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang có văn bản chỉ đạo ngành chức năng và các địa phương tập trung giải pháp hỗ trợ DN tuyển dụng lao động để đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh. Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở LĐTBXH phối hợp với các cơ quan liên quan và địa phương điều tra, nắm bắt nhu cầu tuyển dụng lao động của các DN trên địa bàn tỉnh, tuyên truyền rộng rãi tới người dân. Đồng thời cung cấp thông tin về nguồn cung lao động cho các nhà đầu tư, các DN để có kế hoạch tuyển dụng phù hợp.

Ông Trần Văn Hà, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH cho biết: Sở đã ban hành văn bản gửi Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố phía Bắc thông tin về nhu cầu tuyển dụng lao động của các DN tại tỉnh Bắc Giang. Đồng thời đề nghị hỗ trợ như chỉ đạo trung tâm dịch vụ việc làm (DVVL) các tỉnh phối hợp với Trung tâm DVVL Bắc Giang tổ chức kết nối cung - cầu và tuyển dụng lao động cho DN.

Sở cũng đề nghị các DN cắt giảm giấy tờ trong hồ sơ tuyển dụng; khuyến cáo các DN nếu muốn thu hút người lao động (NLĐ) đến làm việc và gắn bó lâu dài, cần thực hiện đúng cam kết trong thông tin tuyển dụng; quan tâm cải thiện điều kiện làm việc, đãi ngộ thỏa đáng. Cùng đó, UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức công đoàn quan tâm hỗ trợ NLĐ về vật chất, tinh thần. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hỗ trợ DN đào tạo nâng cao tay nghề cho NLĐ, góp phần tăng năng suất lao động và chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh, mở rộng thị trường.

Chung tay kết nối, hỗ trợ

Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, Ban Quản lý các KCN tỉnh thường xuyên nắm bắt, tổng hợp nhu cầu tuyển dụng của DN để phối hợp với các huyện, TP và đơn vị cung ứng nhân lực trên địa bàn tỉnh thông tin, tư vấn, giới thiệu với NLĐ. Mời DN cử đại diện tham gia các phiên giao dịch việc làm do Trung tâm DVVL tỉnh tổ chức để cung cấp thông tin cho NLĐ về tuyển dụng, chính sách đãi ngộ của DN.

Từ tháng 8 đến nay, các DN trong toàn tỉnh đã tuyển được hơn 20 nghìn lao động. Đứng đầu về số lượng công nhân được tuyển dụng là Công ty TNHH New Wing Interconnect Technology Bắc Giang, Công ty TNHH Crystal Martin, Công ty TNHH Luxshare - ICT, Tập đoàn Khoa học kỹ thuật Hồng Hải…

Trung tâm DVVL tỉnh tăng tần suất tổ chức các phiên giao dịch, cả trực tiếp và trực tuyến, lưu động. Bà Ngô Thị Hồng Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: "Chúng tôi phối hợp phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội để NLĐ biết, tham gia các phiên giao dịch việc làm. Cùng đó phối hợp với các địa phương và DN tổ chức chương trình tư vấn, giới thiệu việc làm ở các huyện nông thôn, miền núi giúp người dân nắm bắt nhu cầu tuyển dụng, các chính sách, chế độ dành cho NLĐ khi ứng tuyển". Vừa qua, Trung tâm đã tổ chức phiên giao dịch việc làm trực tiếp kết hợp trực tuyến kết nối với 15 tỉnh, thành phố ở miền Bắc để cung ứng lao động cho DN.

Cũng trong thời gian này, Hiệp hội Cung ứng nhân lực và việc làm tỉnh được thành lập tăng cường sự phối hợp, kết nối giữa các đơn vị để giới thiệu, cung ứng lao động. Hiệp hội phối hợp với Ban quản lý các KCN, địa phương để nắm bắt nhu cầu tuyển dụng của từng DN; ký hợp đồng tuyển dụng với các công ty có những điều khoản cụ thể nhằm ổn định về chi phí nhân công, mức lương để bảo đảm quyền lợi cho NLĐ. Cùng đó tạo điều kiện về thủ tục giấy tờ giới thiệu thành viên đến các tỉnh phía Bắc, nhất là những tỉnh vùng cao, miền núi có nguồn lao động dồi dào để tuyển dụng.

Từ tháng 9 đến nay, các huyện đã phối hợp với các trường học, đơn vị chức năng tổ chức ngày hội việc làm tạo điều kiện cho DN thông tin nhu cầu tuyển dụng và phỏng vấn trực tiếp NLĐ. Đơn cử như huyện Lạng Giang mới đây đã tổ chức hai ngày hội việc làm thu hút hơn 20 DN, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và gần 2 nghìn học sinh, sinh viên, NLĐ có nhu cầu tìm việc. NLĐ được các nhà tuyển dụng, cung ứng nhân lực định hướng, tư vấn lựa chọn ngành nghề, hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ dự tuyển, kinh nghiệm trả lời phỏng vấn, kỹ năng tìm kiếm và xin việc. Được biết, ngay trong ngày hội, nhiều sinh viên, NLĐ đã được đại diện DN tuyển dụng hoặc hẹn phỏng vấn tại công ty.

Cùng với sự hỗ trợ, kết nối của các cấp chính quyền, ngành chức năng, nhiều DN cho biết đã chủ động đổi mới hình thức tuyển dụng. Đó là ứng dụng chuyển đổi số trong thông tin, tuyên truyền tới NLĐ; có cơ chế khuyến khích NLĐ tham gia giới thiệu việc làm; cắt giảm thủ tục tạo thuận lợi cho NLĐ đến ứng tuyển; nới rộng về điều kiện tuyển lao động như độ tuổi, tay nghề, cải thiện chế độ lương, phụ cấp. Để thu hút người ngoài tỉnh đến làm việc, một số DN như Công ty TNHH New Wing Interconnect Technology, Công ty TNHH Luxshare - ICT đã đặt các cơ sở tuyển dụng tại các tỉnh hoặc liên hệ với ngành, đơn vị chức năng các tỉnh để thông tin và trực tiếp tuyển nhân lực.

Nhờ tập trung các giải pháp, từ tháng 8 đến nay, các DN trong toàn tỉnh đã tuyển được hơn 20 nghìn lao động. Dự báo của ngành chức năng, hai tháng cuối năm, nhu cầu tuyển dụng lao động của các DN trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng. Sở LĐTBXH chỉ đạo Trung tâm DVVL tỉnh tích cực kết nối với trung tâm DVVL các tỉnh tổ chức nhiều phiên giao dịch trực tuyến tạo điều kiện để DN phỏng vấn, tuyển chọn lao động; đẩy mạnh việc thông báo, tuyên truyền về nhu cầu tuyển dụng đến huyện, xã, vùng sâu, vùng xa. Các đơn vị cung ứng nhân lực trên địa bàn tăng cường kết nối nhu cầu của đơn vị sử dụng lao động với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đơn vị chuyên môn và các huyện, TP nắm bắt tình hình thực tế, đẩy mạnh tuyên truyền, phối hợp chặt chẽ với DN đào tạo, nâng cao tay nghề cho NLĐ.

Vi Lệ Thanh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/xa-hoi/414929/khong-de-thieu-lao-dong-dip-cuoi-nam.html