Không để lọt hành vi tham nhũng

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn trường hợp các cơ quan thanh tra tại địa phương sau khi tiến hành thanh tra không phát hiện được vi phạm hoặc không chuyển vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra. Đây là nhận định được nêu trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp khi thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022.

Từ thực tiễn hoạt động thời gian qua cho thấy, ngành thanh tra đã có đóng góp tích cực vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Ngành đã tiến hành thanh tra và kết luận nhiều vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, trong đó có một số vụ việc rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng mang tính đột phá giúp Ban Chỉ đạo trong đấu tranh xử lý tham nhũng; kiến nghị xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân vi phạm, thu hồi nhiều tài sản, đất đai có giá trị lớn. Chỉ tính riêng trong năm 2022, ngành thanh tra đã triển khai 5.800 cuộc thanh tra hành chính và 115.122 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm 51.657 tỷ đồng, 12.004ha đất; kiến nghị thu hồi 21.472 tỷ đồng; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị xem xét xử lý 30.185 tỷ đồng, 14.437ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 1.777 tập thể và 4.726 cá nhân; ban hành 89.560 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 5.473 tỷ đồng; chuyển 384 vụ, 196 đối tượng có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra. So với cùng kỳ năm 2021, số vụ việc có dấu hiệu tội phạm cơ quan thanh tra đã chuyển cơ quan điều tra tăng 290%. Những kết quả này của cơ quan thanh tra có ý nghĩa rất quan trọng trong phát hiện, xử lý kịp thời tham nhũng.

Bên cạnh những kết quả tích cực, Ủy ban Tư pháp cũng thẳng thắn nhìn nhận, vẫn còn trường hợp các cơ quan thanh tra tại địa phương sau khi tiến hành thanh tra không phát hiện được vi phạm hoặc không chuyển vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra, chỉ đến khi Thanh tra Chính phủ hoặc cơ quan Ủy ban Kiểm tra tiến hành thanh tra, kiểm tra lại thì các vi phạm này mới được phát hiện để chuyển cho cơ quan điều tra. Đơn cử vụ việc Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bến Tre để xảy ra sai phạm trong mua sắm vật tư y tế phòng, chống dịch Covid-19, gây thiệt hại tài sản Nhà nước số tiền hơn 3,4 tỷ đồng. Sau khi có kết luận thanh tra, Giám đốc CDC Bến Tre đã nộp lại số tiền nêu trên để khắc phục hậu quả. Qua xem xét kết quả kiểm tra đối với đảng viên, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bến Tre đã quyết định xử lý kỷ luật Giám đốc CDC Bến Tre và chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan điều tra để xử lý.

Dù không nhiều nhưng việc không phát hiện vi phạm qua hoạt động thanh tra ở địa phương cho thấy, hiệu quả công tác thanh tra có nơi chưa thực sự phát huy hiệu quả. Tồn tại, hạn chế này được Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong thẳng thắn thừa nhận tại Phiên họp thứ 15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua. Theo ông Phong, kết quả thanh tra để chuyển các vụ việc có sai phạm sang cơ quan điều tra ở các địa phương “rất hạn chế”. Qua tổng kết thanh tra chuyên đề về phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua, Thanh tra Chính phủ thành lập 3 đoàn để làm việc với Bộ Y tế, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, qua đó phát hiện hàng chục vụ chuyển cơ quan điều tra, nhưng các địa phương hầu hết không chuyển cơ quan điều tra. Có những việc khi Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Kiểm tra hoặc cơ quan điều tra làm thì phát hiện ra sai phạm. Theo người đứng đầu ngành thanh tra thì đây là “việc mà hiện nay cần phải khắc phục”.

Câu hỏi đặt ra là, việc cơ quan thanh tra tại địa phương không phát hiện vi phạm hoặc không chuyển vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra là do cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ này có trình độ, nghiệp vụ yếu kém, hay do biết mà không làm đến nơi đến chốn? Có hay không việc làm ngơ hành vi vi phạm trong quá trình thanh tra?

Để hoạt động thanh tra góp phần phát hiện và xử lý sớm tham nhũng, trong báo cáo phòng chống tham nhũng, thời gian tới cần tăng cường công tác thanh tra, cũng như siết chặt kỷ luật, kỷ cương hoạt động này. Đặc biệt, cần khắc phục triệt để tình trạng cơ quan thanh tra đã tiến hành thanh tra nhưng không phát hiện vi phạm, sau đó, cơ quan có thẩm quyền khác lại phát hiện có vụ việc vi phạm về cùng một nội dung. Muốn vậy, cần chỉ đích danh địa phương nào làm chưa tốt và có biện pháp xử lý. Cùng với đó là cơ chế xử lý trách nhiệm nghiêm khắc đối với người đứng đầu cơ quan thanh tra khi không phát hiện vi phạm, không chuyển vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra. Có như vậy mới không bỏ lọt hành vi tham nhũng.

Lê Hùng

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/khong-de-lot-hanh-vi-tham-nhung-i302973/