Không để dân lo, cán bộ tâm tư khi sắp xếp đơn vị hành chính

Nhiều xã, phường, thị trấn thuộc 20 quận, huyện, thị xã của Hà Nội đang trong những ngày cuối cùng thực hiện niêm yết danh sách cử tri để chuẩn bị lấy ý kiến về sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 theo đúng chỉ đạo.

Đặc biệt, hai vấn đề được dư luận quan tâm nhất là công tác cán bộ và giải quyết giấy tờ hành chính cho người dân đã được các địa phương chủ động sớm lên phương án.

Lãnh đạo quận Hai Bà Trưng kiểm tra việc thực hiện kỷ cương hành chính của cán bộ công chức UBND phường Quỳnh Lôi. Ảnh: Linh Chi

Thuận lợi tối đa cho người dân

Thực hiện chủ trương của TP, dưới sự tham mưu của phòng Nội vụ, UBND huyện Gia Lâm chỉ đạo các xã, thị trấn bố trí cán bộ, công chức đến tận địa bàn dân cư làm thủ tục điều chỉnh giấy tờ cho công dân do phải thay đổi địa giới hành chính. Theo đó, UBND xã sẽ bố trí một số ngày giải quyết chuyển đổi từng loại giấy tờ hành chính, như căn cước công dân, giấy khai sinh, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…; công khai lịch thực hiện tới từng người dân. Trong một số ngày đó, cán bộ, công chức sẽ đến tận nhà sinh hoạt cộng đồng của thôn, tổ dân phố (TDP) để phục vụ người dân, hoặc tổ chức làm ở trụ sở UBND xã (tùy nội dung thủ tục hành chính - TTHC). Thời gian có thể được xếp vào ngày nghỉ cuối tuần, quan trọng nhất là tính toán tiện lợi nhất cho người dân và thực hiện lần lượt từng xã. Sau những ngày được bố trí như vậy mà người dân không đến làm, thì sẽ tự đến cơ quan chính quyền để thực hiện.

Để giải quyết những vấn đề cơ bản sau sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 đạt kết quả cao, TP sẽ tập trung chỉ đạo các cơ quan, địa phương xây dựng Đề án sắp xếp; làm tốt công tác tổ chức bộ máy, bố trí cán bộ, công chức, viên chức; phương án xử lý trụ sở, tài sản công; nguồn lực đầu tư kết nối hạ tầng giao thông; tiêu chí đô thị... bảo đảm chất lượng và tiến độ. Đặc biệt, giải quyết tốt chế độ chính sách cán bộ dôi dư tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở ĐVHC thực hiện sắp xếp đúng quy định.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải

Dù trong quý III/2024 hoàn thành sắp xếp ĐVHC cấp xã (theo Phương án 01/PA-UBND của TP Hà Nội) mới tiến hành việc chuyển đổi giấy tờ cho người dân, nhưng ngay trong những ngày này, khi UBND huyện tổ chức tập huấn cho cán bộ, công chức xã, thị trấn và cán bộ thôn, TDP về công tác sắp xếp ĐVHC, phòng Nội vụ huyện yêu cầu mọi cán bộ cơ sở (Bí thư Đảng ủy, Tổ trưởng TDP, Trưởng ban Công tác Mặt trận xã…) tích cực tuyên truyền về cách làm của huyện trong giải quyết chuyển đổi giấy tờ cho người dân, tránh những băn khoăn lo lắng. Đồng thời, phòng Nội vụ sẽ tham mưu UBND huyện chỉ đạo các phòng, ngành thực hiện phương châm hỗ trợ tối đa về giải quyết TTHC cho người dân.

“Thực tế mỗi khi phải sắp xếp ĐVHC, do thay đổi địa giới hành chính nên người dân thường lo lắng về việc phải chuyển đổi giấy tờ hành chính gây mất thời gian đi lại, chờ đợi và mất chi phí. Nhưng nay theo chủ trương của TP là người dân sẽ được hỗ trợ tối đa về thời gian, TTHC và không phải mất lệ phí, từ đó, chính quyền huyện và xã sẽ triển khai hỗ trợ người dân bảo đảm thuận lợi nhất mà vẫn đúng quy định”- Trưởng phòng Nội vụ huyện Gia Lâm Trần Trung Tuyết khẳng định.

Những ngày này, tại trụ sở UBND và các địa bàn dân cư của 7 phường thuộc quận Hai Bà Trưng đang gấp rút hoàn thành niêm yết danh sách cử tri để chuẩn bị sẵn sàng lấy ý kiến về sắp xếp ĐVHC phường (dự kiến từ đầu tháng 4/2024), sau khi có Đề án sắp xếp ĐVHC phường do UBND quận ban hành. UBND các phường cũng họp các cán bộ cơ sở để quán triệt về việc tổ chức lấy phiếu khảo sát ý kiến cử tri theo hộ gia đình. Đồng thời, đội ngũ cán bộ, công chức và Nhân dân đã được quán triệt rõ về việc sắp xếp ĐVHC. Đặc biệt, UBND quận đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị liên quan (phòng Nội vụ, Tư pháp, Công an quận…) để hỗ trợ người dân giải quyết chuyển đổi giấy tờ hành chính.

Ngay sau khi hoàn thành sắp xếp lại 7 phường (Cầu Dền, Bách Khoa, Đống Mác, Đồng Nhân, Thanh Nhàn, Bạch Mai, Quỳnh Lôi), 4 phường mới sẽ bố trí riêng một bộ phận hướng dẫn và thông báo ngày cụ thể để người dân ra thực hiện TTHC. “Tinh thần của quận theo đúng chủ trương chung là vừa miễn phí, vừa tạo điều kiện tối đa cho người dân trong quá trình chuyển đổi giấy tờ phù hợp với địa giới hành chính mới. Hơn nữa, hiện đã rất thuận lợi, do nhiều TTHC có thể thực hiện trực tuyến. Chúng tôi cũng có thể học tập mô hình hay ở một số địa phương khác, chẳng hạn cử cán bộ đến tận địa bàn dân cư phục vụ người dân”- Trưởng phòng Nội vụ quận Hai Bà Trưng Lê Bích Hằng chia sẻ.

Trước những băn khoăn của người dân, lãnh đạo Sở Nội vụ Hà Nội cho biết, thực tế trước đây trong giai đoạn 1 về sắp xếp ĐVHC cấp xã của Hà Nội, tại một số quận, huyện đã hỗ trợ người dân theo hướng Công an TP đến tận địa bàn thôn, TDP để làm TTHC cho người dân. Từ kinh nghiệm đó, trong lần sắp xếp ĐVHC cấp xã này, đối với toàn bộ giấy tờ TTHC để thay đổi địa danh, tên gọi ĐVHC, Ban chỉ đạo TP đã chỉ đạo Công an TP và các cơ quan chuyên môn lập các tổ công tác trực tiếp đến địa bàn thôn, TDP để hỗ trợ người dân, với mục tiêu nhanh nhất có thể, không bị gián đoạn, tránh phiền hà. Việc giải quyết chuyển đổi giấy tờ TTHC do sắp xếp ĐVHC cấp xã đã được TP chỉ đạo Công an TP thực hiện cho người dân theo cơ chế TP hỗ trợ toàn bộ. Người dân làm căn cước công dân, hộ khẩu hay các giấy tờ liên quan sẽ được miễn phí hoàn toàn và trả kết quả nhanh nhất có thể.

Bảo đảm chế độ chính sách cho cán bộ, công chức

Vấn đề luôn được quan tâm nhất trong việc sắp xếp ĐVHC là công tác cán bộ và bố trí công chức chuyên môn. Ghi nhận tại các địa phương của Hà Nội cho thấy, phần lớn công chức cấp xã hoàn toàn nhất trí với chủ trương chung, song cũng có những tâm tư, không biết tới đây dù vẫn giữ nguyên chức danh nghề nghiệp nhưng có được tiếp tục nhiệm vụ hiện nay?

“Tôi làm việc ở đây đã 8 năm trong đó 4 năm nay nhận nhiệm vụ hàng ngày tiếp nhận, hướng dẫn giải quyết hồ sơ hành chính cho người dân, nên rất mong khi sáp nhập vào cơ quan mới sẽ tiếp tục công việc này; nếu bắt buộc phải thay đổi thì mong vẫn phát huy được kiến thức đã được đào tạo và năng lực, kinh nghiệm công tác”- công chức Tư pháp Hộ tịch phường Quỳnh Lôi (quận Hai Bà Trưng) Nguyễn Thị Bích Diệp chia sẻ.

Công chức UBND phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính. Ảnh: Linh Chi

Để đội ngũ cán bộ công chức ổn định tư tưởng, yên tâm công tác, lãnh đạo các xã, phường đều đã chỉ đạo trên địa bàn tích cực tuyên truyền về chủ trương của TP. Theo đại diện phòng Nội vụ quận Hai Bà Trưng, UBND quận đã xong dự thảo phương án sắp xếp ĐVHC các phường. Tuy nhiên theo hướng dẫn của TP, đến khi có đơn vị tư vấn do TP chỉ định, phòng sẽ phối hợp đơn vị để hoàn thiện, trình Ban Thường vụ Quận ủy xem xét thông qua đề án cụ thể về nhiều nội dung như: cơ sở vật chất, tài sản công, trụ sở, đội ngũ cán bộ, công chức…

Từ quận đến các phường đều đã chủ động chuẩn bị, khi có đề án sẽ công khai những nội dung này tại trụ sở UBND để lấy ý kiến cử tri. Đáng chú ý, phương án bố trí công chức đã được phòng Nội vụ quận tham mưu UBND quận thông qua; với phương án bố trí cán bộ, người đứng đầu sẽ do Ban Thường vụ Quận ủy thông qua. Các phương án đều trên tinh thần bảo đảm cơ chế chính sách cho cán bộ, công chức đúng quy định, như với cán bộ đang ở cấp trưởng mà xuống cấp phó sẽ được giữ nguyên phụ cấp trong một thời gian.

“TP cho phép nếu không sắp xếp được có thể gộp nguyên trạng công chức 2 phường vào và có lộ trình giảm trong 5 năm, nhưng tại quận Hai Bà Trưng đã có phương án bố trí sắp xếp được số lượng tương đối. Trong đó, với công chức chuyên môn, UBND quận dự kiến sắp xếp theo phương châm vừa gộp nguyên trạng, vừa kết hợp điều động luân chuyển lên các phòng ban cấp quận để giảm tổng số công chức 2 phường, nên sẽ đạt được mục tiêu tinh gọn bộ máy”- Trưởng Phòng Nội vụ quận Hai Bà Trưng Lê Bích Hằng nói.

Đối với đội ngũ cán bộ, công chức các xã, thị trấn diện sắp xếp ĐVHC, Ban Tổ chức Huyện ủy Gia Lâm cũng đã tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy có phương án bố trí cụ thể với những cán bộ dôi dư, nhất là tính toán kỹ các chức danh cấp trưởng (Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND, Chủ tịch UB MTTQ, trưởng các hội đoàn thể). Với công chức chuyên môn, Phòng Nội vụ huyện đã tham mưu UBND huyện lên phương án sắp xếp, trên nguyên tắc đúng quy định trong Nghị quyết 35: Nhập số công chức của 2 xã vào nhau, chỗ thừa công chức thì bố trí sang chỗ thiếu công chức, ai có nhu cầu xin nghỉ hoặc chuyển nơi khác thì đều giải quyết, với số công chức còn lại thì giữ nguyên trạng trong vòng 5 năm.

“Chúng tôi xác định rõ chủ trương là bố trí đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đúng chuyên môn và bảo đảm chế độ chính sách, quyền lợi cho họ đúng quy định”- Trưởng Phòng Nội vụ huyện Gia Lâm Trần Trung Tuyết nhấn mạnh.

Người dân phường Cầu Dền (quận Hai Bà Trưng) xem danh sách cử tri lấy ý kiến việc sắp xếp đơn vị hành chính phường.

Trước một số băn khăn của cán bộ, công chức cơ sở, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh cho biết, Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15 đã nêu rõ, khi nhập hai bộ máy cấp xã, ngoài cán bộ, công chức chuyển công tác hoặc xin nghỉ hưu theo nguyện vọng cá nhân thì cần sắp xếp, còn lại sẽ nhập nguyên trạng số cán bộ, công chức hai bên và giải quyết từng bước theo lộ trình 5 năm. Trong đó, với vị trí cán bộ chuyên trách các phường, xã phải sắp xếp ĐVHC (Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND, Chủ tịch UBMTTQ, trưởng của 5 đoàn thể…), TP sẽ có phương án và chỉ đạo các quận, huyện, thị xã sắp xếp phù hợp. Với chức danh cấp phó và công chức được giữ nguyên, nên vị trí công việc họ đang đảm nhiệm sẽ không thay đổi.

“Hà Nội không có gì đáng lo ngại về cán bộ, công chức dôi dư do sắp xếp ĐVHC cấp xã. Sở Nội vụ đã chủ động hướng dẫn các quận, huyện lưu ý: tuyển dụng, bổ nhiệm công chức cấp xã đến công tác tại cơ quan cấp huyện còn thiếu; điều chuyển cán bộ công chức ở đơn vị này sang đơn vị khác không chịu tác động của sắp xếp; giải quyết chế độ cho cán bộ dôi dư gần đến tuổi nghỉ hưu có nguyện vọng nghỉ trước tuổi, cán bộ có nguyện vọng thôi việc; với cán bộ chuyên trách đủ điều kiện tiêu chuẩn thì tuyển dụng làm công chức, còn lại không giải quyết được thì gộp nguyên trạng... HĐND TP cũng đã ban hành Nghị quyết về chế độ chính sách hỗ trợ cán bộ dôi dư sau sắp xếp”- ông Trần Đình Cảnh khẳng định.

Việc bố trí sắp xếp cán bộ, công chức làm việc tại những phường trong diện sắp xếp ĐVHC không thể làm xáo trộn lớn về công việc và cần bảo đảm cho họ về đời sống thu nhập, bởi đằng sau họ còn là gia đình - vấn đề đáng quan tâm nhất. Trong quá trình đó, cần quan tâm lắng nghe ý kiến cán bộ ở cơ sở.
Phó Chủ tịch UBND phường Quỳnh Lôi (quận Hai Bà Trưng) Nguyễn Quang Anh

Linh Chi

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/khong-de-dan-lo-can-bo-tam-tu-khi-sap-xep-don-vi-hanh-chinh.html