Không cứ có tiền là được sai khiến

Khi người dân được hưởng các chế độ phúc lợi từ xã hội thì sự hài lòng của họ về cuộc sống tăng lên. Đó chính là một trong những hình thái của hạnh phúc

Nhiều năm trước, một người trong nhóm chúng tôi được bổ nhiệm làm giám đốc tài chính cho chi nhánh tập đoàn ở Ấn Độ. Tôi hỏi anh bạn sắp chuyển công tác: "Thụy Sĩ và Ấn Độ quả thật là hai thái cực đối lập về nhiều mặt trong đời sống và văn hóa. Anh đã chuẩn bị tâm lý cho sự thay đổi này chưa?".

Không khao khát kiếm tiền bằng mọi giá

Bạn tôi cười: "Người tiền nhiệm bảo rằng tôi sẽ yêu cuộc sống của nơi ở mới nhanh lắm. "Ấn Độ có 1 tỉ dân, cậu chỉ cần nằm trong số 10% thu nhập cao nhất thì hơn 900 triệu người sẽ phục vụ cuộc sống của cậu đấy. Cậu sẽ thích điều đó, tôi bảo đảm". Nghe anh ấy nói như vậy, tôi thấy cũng có lý".

Tôi từng biết rất nhiều "expat" (chuyên gia nước ngoài) khi họ được tập đoàn chuyển đến Việt Nam nhận nhiệm vụ. Thời gian đầu, họ ngỡ ngàng và đôi khi phàn nàn về tình trạng lộn xộn, đông đúc, ô nhiễm môi trường. Song, họ rất nhanh chóng yêu cuộc sống mới và hầu như ai cũng muốn kéo dài nhiệm kỳ để ở lại.

Họ yêu điều gì trong cuộc sống ở Việt Nam? Có lẽ không phải là cái nhìn toàn diện nhưng tôi tin một trong những lý do quan trọng để họ yêu cuộc sống tại Việt Nam là vì ở đây, với mức thu nhập cao, với khoảng cách giàu nghèo còn khá lớn, họ được đối xử "như vua". Thật khó để từ chối cám dỗ của cuộc sống vương giả như vậy.

Khi mới chuyển từ Việt Nam sang Thụy Sĩ làm việc, tôi cũng được tiêu chuẩn expat của tập đoàn. Thế nhưng, cuộc sống của tôi ở nước này khác hẳn những expat tại Việt Nam. Ở Việt Nam, dù chưa phải giàu có nhưng tôi được xem là người khá giả. Vậy mà sang Thụy Sĩ, thời gian đầu tôi phải chật vật làm quen với không ít khó khăn.

Trước hết, tôi phải tự làm việc nhà, đi chợ, nấu cơm, giặt giũ, ủi quần áo… - những công việc không tên mà tôi không làm hàng chục năm khi ở Việt Nam vì đã có người giúp việc. Tôi đã quen với việc có tài xế đưa đón hằng ngày, nếu không thì cũng dễ dàng bước lên một chiếc taxi trong hàng dài xe đậu chờ sẵn trước sảnh khu căn hộ của mình. Tôi vốn quen với việc chỉ cần gọi một cuộc điện thoại là 1-2 giờ sau các món ăn cho một bữa tiệc thịnh soạn để mời đãi bạn bè đã có đủ…

Tóm lại, tôi đã quen được phục vụ, quen với việc được sử dụng các đặc quyền mà nhờ mức thu nhập khá cao của mình ở Việt Nam cũng có thể chi trả. Đó là một cuộc sống không dễ dàng từ bỏ nếu đã quen.

Ở Thụy Sĩ, tôi có mức thu nhập thuộc hàng khá tại một trong những thành phố có mức thu nhập bình quân cao nhất nước (khoảng 150.000-250.000 franc/năm với vị trí chuyên viên bậc trung). Dù vậy, đó không phải là mức thu nhập để tôi có được cuộc sống thoải mái như khi ở Việt Nam.

Thực tế, ở một số nước giàu hoặc những khu vực giàu có ở phương Tây, không phải cứ có tiền là người ta có thể dễ dàng tìm được các dịch vụ phục vụ. Gia đình tôi có một căn nhà nghỉ mát ở khu vực hồ Como của Ý. Ở đây, du khách rất đông vào mùa du lịch (từ tháng 4 đến tháng 9) nhưng lại vô cùng vắng vẻ vào các tháng còn lại trong năm. Hầu hết nhà hàng đều đóng cửa. Thậm chí, có lần tôi gọi taxi, tài xế trả lời điện thoại rằng phải đặt trước ít nhất nửa ngày, còn bây giờ cô ấy đang bận nấu bữa tối cho gia đình.

Tôi nhận ra rằng khi sống trong một xã hội mà những nhu cầu sinh hoạt tối thiểu, quan trọng nhất được bảo đảm thì nhiều lúc người ta không còn khao khát kiếm tiền bằng mọi giá. Nói cách khác, người ta dành ưu tiên cho những niềm vui trong cuộc sống mà không phải do tiền mang lại, như hoạt động thể thao ngoài trời - đi bộ trong rừng, leo núi, lướt ván; dành thời gian bên gia đình, bạn bè…

Tác giả đang sống và làm việc ở Thụy Sĩ. (Ảnh do tác giả cung cấp)

"Welfare" và "well-being"

Thời gian đầu sống ở Thụy Sĩ, phải từ bỏ thói quen được các dịch vụ phục vụ tận nhà, tôi cảm thấy không ít khó khăn. Thế nhưng, tôi dần quen và bắt đầu biết sắp xếp lại cuộc sống để có thể tận hưởng thiên nhiên tươi đẹp xung quanh.

Tôi từ từ hiểu ra vì sao tất cả cửa hàng, siêu thị ở đây đều đóng cửa ngày chủ nhật. Tôi không còn ngạc nhiên và khó chịu khi vào mùa hè - những tháng đông du khách nhất trong năm, rất nhiều nhà hàng đóng cửa cả tháng để cả chủ lẫn nhân viên đi tắm biển...

Từ khi sống ở châu Âu, tôi được làm quen với những khái niệm về chất lượng cuộc sống, như "welfare" hay "well-being". Khi người dân được hưởng các chế độ phúc lợi (welfare) từ xã hội thì sự hài lòng của họ về cuộc sống (well-being) tăng lên, dẫn đến việc cải thiện chất lượng sức khỏe đáng kể, cả thể chất lẫn tinh thần. Đó chính là một trong những hình thái của hạnh phúc.

Mới đây, tôi gặp lại anh bạn đồng nghiệp - người đã hoàn thành nhiệm kỳ mấy năm ở Ấn Độ, sau đó làm thêm vài năm tại Hàn Quốc rồi quay lại Thụy Sĩ sinh sống. Anh cho biết: "Bọn trẻ nhà tôi đã lớn rồi. Tôi không muốn chúng quen và bị làm hư bởi cuộc sống xa hoa với sự phục vụ quá chu đáo của những người giúp việc. Họ luôn vây quanh, sẵn lòng làm bất cứ điều gì để vừa lòng những "ông chủ" nhí".

Theo anh, trẻ không thể lớn lên theo cách như thế được. Trẻ phải học cách tự đáp ứng các nhu cầu của bản thân trước khi quá quen với việc được người khác săn đón để đáp ứng nhu cầu.

"Đó là cuộc sống trong mơ nhưng vì chưa đến tuổi làm việc, bọn trẻ chưa xứng đáng với cuộc sống ấy. Trẻ phải được học cách sống độc lập và làm việc đã. Nếu không thì sau này, trẻ có thể "bán linh hồn cho quỷ" để có cuộc sống mà chúng không thể thiếu được ấy" - anh nhìn nhận.

Tôi hiểu điều anh nói vì đó cũng là cách tôi nuôi dạy con mình lớn lên. Tôi muốn chắc chắn rằng con mình phải tự giành lấy, xứng đáng với cuộc sống mà bé muốn có sau này. Tôi vẫn nói với con mình rằng hãy nhớ là không ai hoặc bao nhiêu tiền có thể mua được con. Bởi lẽ, con có thể tạo ra cuộc sống mà mình mong muốn.

Từ thực tế ở nước ngoài, tôi nhận thấy rất rõ rằng những người thu nhập cao hầu như không thể "mua" được cuộc sống của người "well-being", dù người đó chỉ có thu nhập trung bình hoặc thấp, để phục vụ cuộc sống vương giả mà họ muốn.

Có lẽ một số người thu nhập thấp hơn sẽ cân nhắc rằng cái giá cuộc sống của họ liệu có đáng để đổi hoặc bán chỉ nhằm có thêm một ít giá trị vật chất khác, như nhà to hơn, xe hơi chạy nhanh hơn...?

Chu Hoài Phương

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/khong-cu-co-tien-la-duoc-sai-khien-196231216200011338.htm