Không còn ở chế độ 'phép màu kinh tế', nước Đức liệu có dứt khoát 'tuyệt tình' với năng lượng hạt nhân?

Đức đã loại bỏ năng lượng hạt nhân gần một năm trước. Và bất chấp việc tiêu tốn hàng tỷ Euro để lưu trữ chất thải phóng xạ này, một số chính sách vẫn kêu gọi xây dựng các nhà máy hạt nhân mới.

Nhà máy điện hạt nhân Isar 2 tại Đức ngừng hoạt động vào ngày 15/4/2023. (Nguồn: MAGO)

Tháng 4/2023, Berlin đã loại ba nhà máy điện hạt nhân cuối cùng ra khỏi lưới điện, đưa công nghệ này vào "lịch sử". Ba nhà máy bị đóng cửa là Isar II, Emsland và Neckarwestheim II.

Phản ứng phân hạch hạt nhân từng được coi là tương lai. Đầu những năm 1960, các chính trị gia và nhà khoa học ở Đức nghĩ rằng nó sẽ cung cấp nguồn điện vô tận mà không gây ô nhiễm không khí. Khi đó, có rất ít cuộc thảo luận về nguy cơ xảy ra tai nạn hạt nhân.

Chuyên gia về năng lượng nguyên tử tại tổ chức Greenpeace Heinz Smital nói rằng, các chính trị gia vào thời điểm đó rất phấn khích: "Ngay từ đầu, năng lượng hạt nhân đã được hưởng lợi từ việc các nước quan tâm đến công nghệ này vì vũ khí hạt nhân. Các công ty năng lượng thì không”.

Ông Jochen Flasbarth, Quốc vụ khanh của Bộ Phát triển, cho biết thêm: "Trong những năm 1960, Đức vẫn ở chế độ 'phép màu kinh tế'. Có một niềm tin to lớn và gần như ngây thơ vào công nghệ".

Vào thời điểm đó, phần lớn không khí ở Đức rất bẩn và bầu trời thường xuyên bị mây mù che phủ, đặc biệt là ở khu vực công nghiệp hóa mạnh phía Tây Ruhr, nơi tập trung phần lớn ngành công nghiệp thép và than. Các nhà máy điện đốt than là một nguồn điện quan trọng. Khi đó, năng lượng hạt nhân là một giải pháp thay thế rõ ràng, hứa hẹn là nguồn năng lượng “sạch”.

Suy nghĩ tương tự cũng diễn ra ở Đông Đức cũ, nơi nhà máy điện hạt nhân thương mại đầu tiên đi vào hoạt động vào năm 1961. Trong những năm tiếp theo, tổng cộng 37 lò phản ứng hạt nhân đã đi vào hoạt động.

Sự cố Three Mile Island và Chernobyl

Thái độ đã thay đổi vào những năm 1970. Các nhà hoạt động xã hội từ phong trào bảo vệ môi trường, vốn đang phát triển thời điểm đó, đã biểu tình tại công trường xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới.

Năm 1979, nhà máy điện hạt nhân Three Mile Island ở Mỹ gặp tai nạn tồi tệ nhất thế giới tính tới thời điểm đó. Bà Steffi Lemke của đảng Xanh, Bộ trưởng Môi trường Liên bang Đức, nói: "Sự hưng phấn về hạt nhân ngày càng nhường chỗ cho nhận thức rằng năng lượng hạt nhân không phải là thứ chúng ta có thể kiểm soát”.

7 năm sau sự cố nhà máy điện hạt nhân tại Mỹ, lại xảy ra thảm họa Chernobyl ở Ukraine, khi đó thuộc Liên Xô. Vào ngày 26/4/1986, một vụ nổ lò phản ứng đã gây ra một vụ tai nạn hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử cả về phí tổn và thương vong. Khu vực này đến nay vẫn bị ô nhiễm và hậu quả vẫn chưa thể khắc phục được.

Thảm họa Chernobyl góp phần làm tăng thêm sự hoài nghi về năng lượng hạt nhân ở Đức. Ông Heinz Smital của Greenpeace cho biết: “Việc xây dựng các nhà máy điện đã sụp đổ sau đó. Chỉ riêng ở Đức đã có kế hoạch xây dựng 60 nhà máy điện hạt nhân”.

Năm 1980, đảng Xanh nổi lên từ phong trào chống hạt nhân. Việc đóng cửa các lò phản ứng hạt nhân là một phần cốt lõi trong chương trình của nước này.

Năm 1983, đảng vào Quốc hội Liên bang Đức (Bundestag). Năm 1998, đảng Xanh lần đầu tiên trở thành một phần của liên minh cầm quyền, gia nhập đảng Dân chủ xã hội (SPD). Hai bên đã chuyển sang loại bỏ dần dần năng lượng hạt nhân, trước sự phản kháng quyết liệt từ đảng Dân chủ Thiên chúa giáo trung hữu (CDU) và Liên minh xã hội Thiên chúa giáo (CSU), những người sau này đã kêu gọi "từ bỏ dần dần".

Nhưng vào năm 2011, CDU và CSU đã thay đổi quan điểm sau thảm họa hạt nhân ở Fukushima, Nhật Bản. Thủ tướng Angela Merkel tuyên bố chấm dứt năng lượng hạt nhân ở Đức.

Lò phản ứng cuối cùng ở quốc gia Tây Âu này đã ngừng hoạt động vào tháng 4/2023.

Kêu gọi xây dựng thêm nhà máy

Kể từ đó, CDU và CSU lại thay đổi quan điểm về năng lượng hạt nhân. Hiện nay, nhiều người trong đảng đang kêu gọi xây dựng các lò phản ứng mới.

Lãnh đạo CDU Friedrich Merz nói, việc đóng cửa các lò phản ứng cuối cùng là một "ngày đen tối đối với nước Đức".

Các bên cũng cho rằng, các lò phản ứng cũ nên được kết nối lại với lưới điện. Ông Merz cho biết, nước này nên khởi động lại ba nhà máy điện cuối cùng đã ngừng hoạt động - với lý do giá dầu và khí đốt tăng.

Tuy nhiên, những đề xuất đó không nhận được nhiều sự đồng tình từ các công ty năng lượng của nền kinh tế đầu tầu châu Âu.

Bộ trưởng Môi trường Steffi Lemke không ngạc nhiên, nói: "Các công ty năng lượng đã điều chỉnh từ lâu và ngày nay họ vẫn từ chối năng lượng hạt nhân ở Đức. Năng lượng hạt nhân là công nghệ có rủi ro cao, chất thải phóng xạ sẽ tiếp tục độc hại trong hàng nghìn năm và sẽ là vấn đề của nhiều thế hệ".

Biển báo dừng hoạt động đặt bên ngoài nhà máy điện hạt nhân Emsland ở Lingen, miền Tây nước Đức. (Nguồn: AFP)

Năng lượng hạt nhân trên toàn cầu

Hiện có 412 lò phản ứng đang được sử dụng trên toàn thế giới, trải rộng tại 32 quốc gia. Trong nhiều năm qua, có một số lò phản ứng mới được xây dựng, trong khi một số khác ngừng hoạt động, nên số lượng gần như không thay đổi.

Các nước như Trung Quốc, Pháp và Anh đã công bố xây dựng mới một số công trình. Trong khi đó, một số quốc gia có ý định xây dựng các lò phản ứng nhỏ, hiện đại.

Theo chuyên gia Smital của tổ chức Greenpeace, các lò phản ứng nhỏ thường tập trung vào mục đích quân sự hơn là sản xuất năng lượng.

"Một trong số đó là ở Triều Tiên. Nơi này sản xuất nhiên liệu cho toàn bộ chương trình vũ khí hạt nhân của đất nước. Vấn đề không phải là hiệu quả kinh tế. Tôi thấy mối nguy hiểm lớn ở những lò phản ứng nhỏ này", ông nhận định.

Vấn đề lưu trữ chất thải

Ở Đức, câu hỏi về nơi lưu trữ chất thải hạt nhân nguy hiểm vẫn chưa được giải quyết. Vật liệu này từ lâu đã được cất giữ tại các cơ sở tạm thời gần các nhà máy điện hạt nhân. Nhưng đây không phải là giải pháp lâu dài.

Các cơ quan chức năng phải tìm kiếm địa điểm phù hợp, lựa chọn và tiến hành khoan thử nghiệm. Cộng đồng địa phương, những người không muốn chất thải hạt nhân được chôn ở bất cứ đâu gần họ, thường phản đối. Việc tìm nguồn tài chính để thực hiện và thời gian là điều khó khăn.

Ông Dagmar Dehmer thuộc cơ quan xử lý chất thải hạt nhân của chính phủ nói: “Tôi không thể ước tính bất kỳ điều gì vào lúc này. Chúng tôi phải xem xét một số khu vực. Việc khoan thăm dò nơi lưu trữ chất thải hạt nhân tốn hàng triệu Euro. Chỉ riêng việc đánh giá đã tốn khoảng 5 triệu Euro".

Cơ quan này ước tính, đến năm 2046, có thể đưa vào sử dụng một cơ sở lưu trữ chất thải hạt nhân. Một số chuyên gia cho biết, tổng chi phí để xây dựng cơ sở này tốn khoảng 5,5 tỷ Euro (6 tỷ USD).

Liệu năng lượng hạt nhân có trở lại ở Đức?

Bộ trưởng Môi trường Lemke tin rằng, khả năng tồn tại của nền kinh tế sẽ quyết định việc nước này có quay trở lại sử dụng năng lượng hạt nhân hay không.

Bà Lemke nói: "Không có công ty điện lực nào xây dựng nhà máy hạt nhân ở Đức vì chi phí quá cao. Các nhà máy điện hạt nhân chỉ có thể được xây dựng với các khoản trợ cấp công và trợ cấp ngầm khổng lồ, bao gồm cả việc miễn một phần các yêu cầu về bảo hiểm".

Hiện tại, có vẻ như năng lượng hạt nhân thực sự đã là lịch sử ở Đức.

(theo DW)

Hải An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/khong-con-o-che-do-phep-mau-kinh-te-nuoc-duc-lieu-co-dut-khoat-tuyet-tinh-voi-nang-luong-hat-nhan-259408.html