Không còn khoản bồi thường từ VSIP III, lãi ròng của Cao su Phước Hòa (PHR) 'lao dốc'

Lãi ròng trong quý 1/2024 của Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa (mã cổ phiếu PHR) đã giảm mạnh khi không còn khoản bồi thường từ VSIP III như năm ngoái.

Mảng cao su và gỗ đóng góp tới 92% tổng doanh thu của Cao su Phước Hòa trong quý 1/2023.

Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa (mã cổ phiếu PHR - sàn HoSE) vừa công bố báo cáo tài chính quý 1/2024 với doanh thu thuần đạt 323 tỷ đồng, gần như đi ngang so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu từ mảng cao su, gỗ chiếm 92%, đạt 298 tỷ đồng.

Đáng chú ý, lợi nhuận gộp của Cao su Phước Hòa trong quý 1/2024 đã tăng 57%, đạt 72 tỷ đồng. Theo đó, biên lợi nhuận gộp được cải thiện mạnh, lên mức 22%.

Sau khi trừ toàn bộ chi phí phát sinh trong kỳ, Cao su Phước Hòa thu về 78 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm tới 66% so với hồi quý 1/2023.

Ban lãnh đạo Cao su Phước Hòa cho biết, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến lợi nhuận sau thuế giảm mạnh là do trong quý 1/2024, công ty không nhận được khoản tiền đề bù từ việc triển khai dự án Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore III (VSIP III) tại tỉnh Bình Dương. Trong quý 1/2023, công ty đã nhận được tới 200 tỷ đồng tiền đền bù.

Năm nay, Cao su Phước Hòa lập kế hoạch kinh doanh thận trọng với mục tiêu tổng doanh thu công ty mẹ ở mức hơn 1.455 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ở mức 245,2 tỷ đồng, lần lượt giảm 10% và 47% so với năm 2023.

Trái ngược với quan điểm thận trọng của ban lãnh đạo Cao su Phước Hòa, hiện một số tổ chức tài chính dự báo kết quả kinh doanh năm nay của Cao su Phước Hòa sẽ hồi phục tích cực khi cả giá cao su tự nhiên lẫn nhu cầu tiêu thụ đang có tín hiệu khởi sắc trở lại.

Cụ thể, động lực tăng trưởng chính đến từ thị trường Trung Quốc, khi nhu cầu tiêu thụ trong lĩnh vực săm lốp ô tô đang dần tăng trở lại. Trong khi đó, nguồn cung cao su tự nhiên đang bị thắt chặt bởi thời tiết bất thường, các hộ tiểu điền ngừng khai thác do giá cao su kém hấp dẫn trong thời gian dài vừa qua.

Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu PHR của Cao su Phước Hòa kể từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Theo đánh giá mới nhất của hãng chứng khoán FPT Securities (FPTS), thị trường toàn cầu có thể thiếu hụt khoảng 750.000 tấn cao su tự nhiên trong năm nay. Điều này sẽ hỗ trợ vững chắc cho đà hồi phục của giá cao su tự nhiên.

Bên cạnh đó, giá cao su tự nhiên còn được hỗ trợ bởi giá dầu thô (nguyên liệu đầu vào cho cao su tổng hợp) dự kiến sẽ neo ở mức cao. Hiện nhiều tổ chức tài chính trên thế giới dự báo giá dầu thô trung bình trong năm 2024 đạt mức 85 USD/thùng, tăng 6% so với mức trung bình cả năm 2023 do liên minh OPEC+ tiếp tục kéo dài việc cắt giảm sản lượng khai thác đến cuối quý 2/2024, và nhu cầu tăng lên theo đà phục hồi kinh tế tại các nước.

Tính đến ngày 31/3/2024, quy mô tổng tài sản của Cao su Phước Hòa đạt gần 6.000 tỷ đồng, giảm nhẹ 2,5% so với hồi đầu năm nay. Nguyên nhân chủ yếu là do các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn giảm, còn 2.000 tỷ đồng, tương đương 33% tổng tài sản của công ty.

Về phía nguồn vốn, nợ phải trả của Cao su Phước Hòa đạt 2.090 tỷ đồng, giảm 11% so với đầu năm. Trong đó, chủ yếu là doanh thu chưa thực hiện dài hạn (chiếm 22%, đạt 1.327 tỷ đồng).

Duy Quang

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.com.vn/bai-viet/khong-con-khoan-boi-thuong-tu-vsip-iii-lai-rong-cua-cao-su-phuoc-hoa-phr-lao-doc-120153.htm