Không có quốc gia nào 'hóa rồng', 'hóa hổ' mà không có ngành công nghiệp điện tử

Nêu quan điểm nếu chỉ làm chip bán dẫn thì sẽ phụ thuộc vào các doanh nghiệp thiết bị điện tử, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng không có quốc gia nào 'hóa rồng', 'hóa hổ' mà không có ngành công nghiệp điện tử.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Tại Hội nghị phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã nêu các lợi thế của Việt Nam và phân tích một số tư tưởng chính về ngành bán dẫn của Việt Nam.

Chia sẻ đánh giá về lợi thế khi làm Chiến lược quốc gia về ngành công nghiệp bán dẫn, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định Việt Nam có nhiều lợi thế.

Trước tiên là lợi thế địa chính trị liên quan đến ngành công nghiệp bán dẫn. Nếu như lấy Việt Nam làm tâm quay vòng tròn thì sẽ gồm 80% ngành công nghiệp bán dẫn thế giới, nghĩa là Việt Nam là trung tâm toàn cầu.

Thứ hai, Việt Nam có lợi thế là người Việt Nam có gene về khoa học công nghệ. Lợi thế này không kém gì lợi thế về địa chính trị.

Thứ ba, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, thế giới đang cơ cấu lại ngành công nghiệp bán dẫn theo hướng (X+1), tức là toàn bộ ngành công nghiệp bán dẫn chứ không chỉ là sản xuất. Kể cả nghiên cứu phát triển thì cũng đặt vấn đề X+1 tức là nhân lực và nghiên cứu bán dẫn. Hiện Mỹ cũng có nhu cầu thêm nguồn sản xuất nhân lực thiết kế chip từ các quốc gia khác, Việt Nam là một trong số ít nước này. Thế giới đang thiếu nguồn nhân lực về công nghiệp bán dẫn; sự thiếu hụt này trên toàn cầu nhưng là ngắn hạn, không phải dài hạn.

Việt Nam là nước thứ hai trên thế giới về trữ lượng đất hiếm phục vụ cho công nghiệp bán dẫn, sau Trung Quốc, bằng nửa Trung Quốc. Việt Nam cũng là một trong số ít nước có 20 năm làm công nghiệp bán dẫn, có những nền tảng bước đầu. Chúng ta có lắp ráp, có thiết kế, casting với khoảng trên 6.000 kỹ sư hoạt động trong lĩnh vực này.

Lấy lợi thế địa chính trị, nhân lực, hạ tầng để tạo sức cạnh tranh

Người đứng đầu ngành Thông tin và Truyền thông cũng cho rằng Việt Nam đang phải đương đầu với nhiều thách thức, và chỉ ra 5 tư tưởng chính về ngành bán dẫn của Việt Nam.

Theo ông, có thể phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam một cách hoàn chỉnh nhưng phải có lộ trình trong 26 năm chia làm 3 giai đoạn: Từ nay đến năm 2030; giai đoạn 2030-2040 và giai đoạn 2040-2050. Trong lộ trình gần 30 năm này, công nghiệp bán dẫn Việt Nam không chỉ làm một số công đoạn mà chúng ta sẽ tự chủ đầy đủ các công đoạn bán dẫn và Việt Nam là thị trường chủ lực.

Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển ngành công nghiệp điện tử.

Khẳng định phát triển công nghiệp bán dẫn đi cùng phát triển công nghiệp chủ lực và công nghiệp chuyển đổi số và chip bán dẫn là đầu vào của ngành công nghiệp điện tử, Bộ trưởng Hùng nêu quan điểm ai làm chủ thị trường thiết bị điện tử thì mới thực sự làm chủ công nghiệp bán dẫn. Tất cả quốc gia trong khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc thành công về ngành công nghiệp bán dẫn đều có ngành công nghiệp điện tử phát triển.

"Một nghiên cứu gần đây cho thấy, không có bất kỳ quốc gia nào 'hóa rồng', 'hóa hổ' mà không có ngành công nghiệp điện tử và gần đây còn có khái niệm về ngành công nghiệp chuyển đổi số. Nếu chúng ta chỉ làm chip bán dẫn thì sẽ phụ thuộc vào đầu ra, phụ thuộc vào người mua, chính là các doanh nghiệp thiết bị điện tử", Bộ trưởng Hùng nói.

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, trước mắt cần xây dựng Việt Nam thành tháp nhân lực toàn cầu về ngành công nghiệp bán dẫn từ nay đến năm 2030. Từ tháp nhân lực này tiến tới ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam. Tháp nhân lực sẽ như nam châm thu hút nghiên cứu, sản xuất về Việt Nam.

Về nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn, ông cho rằng Việt Nam có thể đào tạo lại và đào tạo trực tiếp trong ngắn hạn và nêu quan điểm: "Các nước khác muốn đào tạo một kỹ sư điện tử làm về công nghiệp bán dẫn phải đào tạo trong khoảng 2 năm nhưng ở Việt Nam chỉ cần 3-6 tháng hoặc 12 tháng".

Xác định nhân lực là "lõi" để xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho cho rằng phải có thỏa thuận quốc gia cung cấp nguồn nhân lực mới bảo đảm thành công đề án nhân lực. Đào tạo nhân lực cũng phải dựa trên tín hiệu thị trường, đặc biệt có các thỏa thuận doanh nghiệp và thảo thuận của các quốc gia.

Nhấn mạnh về sự kết hợp giữa FDI và tự cường, Bộ trưởng Hùng cho rằng Việt Nam đang tiến tới tự cường trong dài hạn, vẫn thu hút đầu tư nước ngoài vào các công đoạn của công nghiệp bán dẫn, kể cả sản xuất. Việt Nam đang làm tốt FDI nhưng chưa làm tốt tự cường nên chúng ta cần đi đều cả hai chân.

Đồng thời, ông Hùng cũng đặt mối quan tâm về việc xây dựng hệ sinh thái về công nghiệp bán dẫn khi nêu quan điểm: "Nếu chúng ta không phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ về chip bán dẫn, hoặc không tạo điều kiện cho họ 'ngốn' nguồn nhân lực kia thì đề án về nguồn nhân lực cũng sẽ gặp khó khăn". Bộ trưởng khẳng định cần phát triển công nghiệp bán dẫn trong hệ sinh thái quốc gia. Trong ngắn hạn có thể hệ sinh thái với một số quốc gia.

“Đang có chiến dịch chạy đua toàn cầu về thu hút FDI. Chúng ta nên lấy lợi thế địa chính trị, nhân lực, hạ tầng là chính để tạo ra sức cạnh tranh của mình”, người đứng đầu ngành Thông tin và Truyền thông nêu quan điểm.

Ngoài ra, ngành công nghiệp bán dẫn xác định một yếu tố nữa là kết hợp với thị trường. Trong ngành công nghiệp bán dẫn là ngành công nghiệp liên quan đến trọng yếu quốc gia nên vai trò dẫn dắt của Nhà nước là quan trọng. Trong Chiến lược cũng nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như doanh nghiệp lớn trong phát triển ngành công nghiệp bán dẫn để bảo đảm tính linh hoạt, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Anh Lê

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/khong-co-quoc-gia-nao-hoa-rong-hoa-ho-ma-khong-co-nganh-cong-nghiep-dien-tu-post174510.html?utm_source=web_vt&utm_medium=home_noibat_vt&utm_campaign=noibat