Không chủ quan, lơ là trước cơn bão số 1

Bão số 1 (tên quốc tế là TALIM) là cơn bão đầu tiên năm 2023 sẽ đổ bộ vào đất liền. Để chủ động ứng phó với cơn bão số 1 và ảnh hưởng do bão, tỉnh đã tập trung chỉ đạo, sẵn sàng các điều kiện vật chất, lực lượng, đảm bảo chủ động trong mọi tình huống.

Công nhân Xí nghiệp thủy lợi Vĩnh Tường vớt bèo, rác, khơi thông dòng chảy kênh tiêu thoát nước phòng tắc nghẽn khi có mưa lớn do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 1. Ảnh: Thế Hùng

Là tỉnh ít chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão và áp thấp nhiệt đới, nhưng do nằm ở phía Tây Nam của dãy núi Tam Đảo, nên Vĩnh Phúc là một trong những tâm mưa lớn của cả nước. Vì vậy, ngay khi có thông tin về bão số 1, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo ứng phó với bão; chuyển Công điện chỉ đạo của Trung ương đến các ngành, địa phương trong tỉnh để chủ động triển khai.

Tổ chức kiểm tra các công trình có nguy cơ ngập úng; đôn đốc các địa phương, các công ty thủy lợi khơi thông các tuyến kênh tiêu, trục tiêu, cống tiêu được giao quản lý khai thác; hoàn thành bảo dưỡng, vận hành thử các trạm bơm tiêu, hồ đập, điều tiết... kịp thời sửa chữa, khắc phục hư hỏng, đảm bảo sẵn sàng vận hành tiêu thoát khi có mưa lũ, ngập úng xảy ra.

Cùng với đó, lãnh đạo UBND tỉnh đã trực tiếp kiểm tra công tác ứng phó tại cơ sở và yêu cầu các cấp, ngành, địa phương không được chủ quan, lơ là, quyết liệt triển khai công tác ứng phó với bão, mưa lũ, trong đó chủ động thông tin kịp thời, hướng dẫn người dân ứng phó bão số 1; sẵn sàng lực lượng, phương tiện thực hiện hỗ trợ, cứu hộ cứu nạn khi có tình huống xảy ra; trực ban 24/24h.

Triển khai công tác bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập thủy lợi, nhất là các tuyến đê, hồ đập xung yếu, công trình đang thi công sửa chữa; bảo vệ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản; hướng dẫn, phân luồng giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để kịp thời khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.

Các huyện, thành phố đều thành lập các đoàn công tác do các đồng chí lãnh đạo UBND đi kiểm tra, rà soát tại các vị trí xung yếu trên địa bàn.

Theo rà soát của Sở Giao thông vận tải (GTVT), các vị trí trên các tuyến đường do sở quản lý thường xuyên xảy ra ngập, úng cục bộ khi có mưa lớn xảy ra gồm ĐT.310B (gầm cầu chui đường sắt); ĐT.304 (khu vực cầu Trắng - đường Lam Sơn, thành phố Vĩnh Yên).

Các vị trí ngầm tràn trên các tuyến đường như đập tràn Thanh Cao, Km 19+880, Km 20+920, Km 22+300, Km 25+900 trên ĐT.301; tràn cầu Nhội, Km29+700 trên ĐT.302; tràn Lâm Bò, Km5+800 ĐT.310; tràn Công nông binh ĐT.310C và một số vị trí, đoạn tuyến đường bị ngập khi có mưa lớn như Km4-Km4+500 (cầu Rạt) ĐT.310B; khu vực cầu Hương ĐT.304; Nguyễn Tất Thành (Vĩnh Yên); QL.2C đoạn Km30+600 – Km30+800 (thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương).

Để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông và chủ động ứng phó với bão số 1, Sở GTVT đã chỉ đạo các đơn vị quản lý bảo trì kiểm tra, rà soát, tập trung nhân lực, máy móc thiết bị sửa chữa ngay các hư hỏng nền, mặt đường, vá ổ gà; nạo vét, khơi thông cống rãnh, dòng chảy thượng hạ lưu; phát quang cây cỏ trên dải phân cách giữa hè và lề đường, vệ sinh mặt đường, vỉa hè; tăng cường công tác tuần đường, bố trí nhân lực trực đảm bảo an toàn giao thông.

Khi có mưa, bão, Sở GTVT chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông và các đơn vị quản lý, bảo trì tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng như công an, chính quyền địa phương tổ chức trực gác và phân luồng, hướng dẫn giao thông tại các vị trí ngập úng cục bộ, khẩn trương di chuyển đất đá sạt lở, chặt cây đổ, giải phóng mặt đường để đảm bảo thông xe bước 1.

Riêng vị trí gầm cầu chui đường sắt ĐT.310B, Sở GTVT chỉ đạo đơn vị quản lý bảo trì theo dõi, nắm tình hình mực nước dâng trong phạm vi khu vực gầm cầu để kịp thời bơm rút nước ngập trên mặt đường và có phương án đảm bảo an toàn cho hệ thống máy bơm.

Tại bến phà Đức Bác khi nước sông Lô vượt báo động cấp 3 (mức nước 15,85 m) cho phép phà ngừng hoạt động. Các xe ô tô từ Phú Thọ qua các huyện Sông Lô, Lập Thạch sẽ đi phà Then theo đường tỉnh 307B và đường tỉnh 307 hoặc đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai xuống nút giao Văn Quán (IC6). Các phà và ca nô tại bến Đức Bác, bến Then sẵn sàng ứng cứu khi có lụt bão xảy ra và sơ tán dân vùng đê bối huyện Vĩnh Tường và huyện Yên Lạc khi có yêu cầu.

Hộ ông Nguyễn Văn Ngọc, thị trấn Tam Hồng, huyện Yên Lạc chủ động chắn lưới để đảm bảo an toàn cho thủy sản nuôi trước bão số 1. Ảnh: Lâm Hải

Là huyện miền núi, khi có mưa lớn xảy ra nguy cơ sạt lở đất lớn, để chủ động ứng phó với bão số 1, UBND huyện Sông Lô đã tổ chức họp và chỉ đạo các biện pháp ứng phó. Theo đó, các phòng, ban, đoàn thể, cơ quan, đơn vị đã chủ động xuống địa bàn chỉ đạo thực hiện các nội dung, nhiệm vụ PCTT&TKCN; tổ chức trực 24/24h theo quy định.

Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, diễn biến mưa lũ để thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, người dân chủ động các biện pháp phòng tránh, ứng phó; đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, nhất là vị trí xung yếu hoặc đang thi công; sẵn sàng tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp, khu đô thị và khu công nghiệp có nguy cơ ngập lụt.

Chủ động di dời, sơ tán người dân tại khu vực ngập sâu, chia cắt, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất; bảo vệ, quản lý cống dưới đê, kiểm tra đóng mở vận hành thử, đặc biệt cống Cầu Mai (xã Cao Phong) cử người thường trực, đóng mở cống kịp thời.

Khơi thông các tuyến kênh tiêu, luồng tiêu được giao phụ trách, triển khai các phương án bảo vệ hồ chứa, công trình thủy lợi, tổ chức trực ban 24/24h và cung cấp các số liệu về thủy văn ở 2 hồ chứa lớn: Suối Sải và Bò Lạc về Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện; rà soát nhà ở không an toàn, các khu dân cư ven sông, suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ ngập lụt, chủ động sơ tán người dân tại các khu vực có nguy cơ cao đến nơi an toàn.

Tại các xã có công trình đang thi công như kè ở Tứ Yên, cống Cầu Sắt Bạch Lưu, cống Cầu Đọ Yên Thạch, Cầu Ngạc Phương Khoan đã bố trí lực lượng trực canh gác để kịp thời phát hiện sớm các sự cố; các xã như Bạch Lưu, Hải Lựu, Quang Yên, Lãng Công, Đồng Quế, Tân Lập rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở đất và lũ quét, nắm bắt cụ thể từng hộ dân để cảnh báo và sẵn sàng di dời các hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc chủ động ứng phó với bão số 1, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Liễn Sơn đã yêu cầu các đơn vị quản lý luồng tiêu, trục tiêu, kênh tiêu triển khai mở cống tiêu nước đệm, cụ thể, Trạm bơm Cao Đại đã vận hành tiêu nước đệm chiều 16/7; cử cán bộ, công nhân viên kiểm tra, rà soát các trục tiêu, luồng tiêu, giải phóng bèo rác, vật cản đăng đó, rác thải còn tồn đọng tại các vị trí điều tiết.

Đối với các tiểu dự án luồng dẫn kênh hút Trạm bơm Nguyệt Đức từ tỉnh lộ 303 vào hồ điều hòa; kênh xả trạm bơm tiêu Nguyệt Đức và kênh xả trạm bơm tiêu Ngũ Kiên ra sông Hồng thuộc dự án quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc, công ty đã đề nghị chủ đầu tư chỉ đạo đơn vị thi công tháo dỡ các bờ quai thi công, khơi thông nạo vét các luồng tiêu do thi công lấn chiếm đảm bảo thông thoáng các dòng chảy.

Các máy móc ở các trạm bơm tiêu đã vận hành thử đáp ứng yêu cầu khi có mưa lớn xảy ra, đảm bảo an toàn cho gần 20 nghìn ha lúa, rau màu và thủy sản do đơn vị phục vụ tưới, tiêu.

Đến thời điểm này, các cấp, ngành, địa phương đã chủ động chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện; tất cả đều ứng trực tại các địa bàn được phân công, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo chủ động trong mọi tình huống.

Mai Liên

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/96580//khong-chu-quan-lo-la-truoc-con-bao-so-1