Không cần phẫu thuật mà vẫn có thể 'tạm biệt kính cận' vào ban ngày nhờ làm một việc trong lúc ngủ

'Không muốn con phải đeo kính nhưng bỏ kính thì lại sợ con không nhìn thấy rõ và độ cận tăng thêm' là điều mà rất nhiều phụ huynh quan tâm ngày nay.

Hình ảnh những em nhỏ mang cặp kính cận ngày càng trở nên phổ biến. Thậm chí, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự đoán 50% dân số trên thế giới sẽ bị cận vào năm 2050.

Cận thị không chỉ ảnh hưởng đến vẻ bề ngoài mà còn có thể làm giảm kết quả học tập, sinh hoạt của trẻ. Đó cũng chính là điều trăn trở của không ít bậc phụ huynh có con phải đeo kính cận.

Không muốn con đeo kính nhưng chưa thể phẫu thuật

Có con gái học cấp 2 và phải đeo kính cận dày 4 độ, điều mà chị M.Anh (Hà Đông, Hà Nội) mong muốn làm cho con nhất là giúp con bỏ được chiếc kính. Không phải vì chị sợ con đeo kính sẽ xấu mà chị lo lắng vào những ngày mưa gió, con đạp xe tới trường sẽ rất nguy hiểm. Không ít lần con than phiền việc đi mưa ướt hết kính, bỏ ra thì không nhìn thấy gì khiến chị càng không yên tâm hơn.

Muốn giúp con "tạm biệt chiếc kính", không dưới 2 lần chị đưa con tới các bệnh viện về mắt để tìm hiểu phương phẫu thuật điều trị cận thị cho con. Và câu trả lời chị nhận được là: Muốn hết cận thì phải phẫu thuật. Thế nhưng, con chị chưa tới 18 tuổi nên đây không phải là giải pháp tối ưu.

Cùng nỗi niềm như chị M.Anh, vợ chồng anh Nam Thanh (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng đang loay hoay với bài toán "làm sao để con không phải đeo kính cận mà không cần phẫu thuật". Con trai anh chị mới đeo kính cận chưa lâu nhưng đã lên tới 3 độ. Nguyên nhân trước đó con không nói với bố mẹ mắt nhìn mờ hơn là vì sợ phải đeo kính sẽ... xấu trai và ảnh hưởng việc chơi thể thao. Anh Nam Thanh cũng đã tìm hiểu phương pháp mổ cận cho con nhưng vì bé mới 12 tuổi nên chưa thể thực hiện được.

Kiểm soát độ cận thị cho trẻ dưới 18 tuổi nhờ đeo kính lúc ngủ

"Không muốn con phải đeo kính nhưng bỏ kính thì lại sợ con không nhìn thấy rõ và độ cận tăng thêm" là điều mà rất nhiều phụ huynh quan tâm ngày nay chứ không riêng gì chị M.Anh hay gia đình anh Nam Thanh. Và không ít phụ huynh cũng đã nghĩ đến chuyện phẫu thuật điều trị cận thị cho con.

Chia sẻ về tình trạng cận thị cũng như các biện pháp kiểm soát cận thị cho trẻ, Ths.BS Đặng Thị Như Quỳnh (Trưởng khoa Phẫu thuật, Bệnh viện Mắt Quốc tế DND) cho biết: Hiện nay, nhiều bệnh nhân cận thị lựa chọn phẫu thuật để không bị phụ thuộc vào kính, cải thiện thị lực và nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, phương pháp này không phù hợp với tất cả bệnh nhân.

Trẻ em dưới 18 tuổi không nên mổ mắt cận thị do độ cận chưa ổn định, còn nhiều thay đổi. Thay vào đó, bố mẹ nên có các biện pháp chăm sóc mắt và bảo vệ thị lực cho con. Bố mẹ cũng có thể cho con sử dụng kính áp tròng ban đêm Ortho-K.

Ortho-K (viết tắt của "Orthokeratology") là loại kính áp tròng được thiết kế để định hình tạm thời lại giác mạc. Đa phần các kính Ortho-K được đeo vào ban đêm trong lúc ngủ (khoảng 6–8 tiếng, nhờ đó, có thể mang lại thị lực rõ nét cả ngày hôm sau. Nói cách khác, đeo kính Ortho-K vào ban đêm, con sẽ có tầm nhìn tốt mà không cần đeo kính gọng hoặc kính áp tròng vào ban ngày. Không những thế, phương pháp này còn có tác dụng hạn chế sự tiến triển cận thị ở trẻ nhỏ.

Kính áp tròng ban đêm Ortho-K là phương pháp điều trị tật khúc xạ không cần phẫu thuật được FDA (cơ quan quản lý an toàn thuốc và thực phẩm Mỹ) chứng nhận cho phép sử dụng ở mọi lứa tuổi. Kính có ưu điểm là được làm từ chất liệu đặc biệt, có tính thẩm thấu oxy cao, đảm bảo cung cấp đủ oxy cho giác mạc. Không những thế, đeo kính Ortho-K có thể giữ nguyên vẹn cấu trúc mắt, không làm tổn thương giác mạc nếu sử dụng đúng cách, quá trình định hình giác mạc có thể đảo ngược. Nhờ vậy mà trong tương lai vẫn có thể thực hiện các phẫu thuật nhãn khoa khác.

Kính Ortho-K được thiết kế đặc biệt phù hợp với từng người nhưng với trẻ mắc tật khúc xạ có mắt yếu và nhạy cảm, bị dị ứng khi đeo các loại kính áp tròng hay bị các bệnh về mắt... thì không nên dùng kính. Đồng thời, trước khi dùng kính, trẻ cần đến bệnh viện chuyên khoa mắt uy tín để tiến hành khám chuyên sâu và được tư vấn cụ thể. Tại bệnh viện Mắt Quốc tế DND, trẻ dưới 18 tuổi còn được khảo sát sinh trắc giác mạc trước khi đặt kính.

"Khảo sát sinh trắc giác mạc có tác dụng đánh giá chất lượng giác mạc qua hệ thống máy sinh trắc học giác mạc Pentacam Corvis. Đây là bước quan trọng để đánh giá độ dày, mỏng của giác mạc, kiểm tra giác mạc khỏe hay yếu và xác định độ vững bền, độ cứng, độ giãn lồi của giác mạc... Đây là một trong những phương pháp giúp bác sĩ đánh giá toàn diện chất lượng giác mạc của bệnh nhân để chỉ định giải pháp điều trị phù hợp nhất", BS Đặng Thị Như Quỳnh cho biết.

Mặc dù đây là phương pháp đơn giản nhưng các bác sĩ nhãn khoa cũng khuyến cáo người sử dụng kính Ortho-K cần phải thăm khám lại định kỳ sau khi đeo kính để bác sĩ kiểm soát được kết quả đeo kính. Bên cạnh đó, Ortho-K là loại kính áp tròng cứng được đeo trực tiếp vào mắt nên cần lưu ý đảm bảo tuyệt đối vấn đề vệ sinh kính và quy trình tháo lắp kính. Nếu gặp bất kỳ dấu hiệu đau, đỏ mắt, cần ngưng dùng kính và đến bác sĩ thăm khám.

Mặc dù kính có khả năng kiểm soát cận thị tiến triển hiệu quả tuy nhiên nguyên nhân chính gây ra cận thị tiến triển là do sử dụng mắt nhìn gần quá nhiều, vì vậy cần phải thay đổi thói quen sinh hoạt như hạn chế các thiết bị điện tử, ngồi học đúng tư thế, đủ ánh sáng…

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/khong-can-phau-thuat-ma-van-co-the-tam-biet-kinh-can-vao-ban-ngay-nho-lam-mot-viec-trong-luc-ngu-20230928213846564.htm