Không cần Nord Stream, khí đốt Nga vẫn 'có cửa' chảy mạnh sang châu Âu, Moscow thu đậm từ chiến thuật gây áp lực

EU yêu cầu Hungary mua càng ít dầu khí từ Nga càng tốt nhưng không hỗ trợ nguồn thay thế. Trong khi đó, Moscow đề nghị Budapest thực hiện cơ chế thanh toán trả chậm cho bất kỳ đợt giao khí đốt bổ sung nào.

Đường ống TurkStream (Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ) dẫn khí đốt Nga tới một số nước châu Âu trong đó có Hungary. (Nguồn: Hungarytoday)

Bước đi của Hungary

Tuần trước, tại một cuộc họp báo ở Budapest, Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto cho biết, nước này đã đảm bảo được nguồn cung cấp khí đốt nhờ đường ống TurkStream (Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ) đi qua Biển Đen chứ không phải qua Ukraine.

Hungary, một quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), vốn phụ thuộc nhiều nhất vào nhập khẩu khí đốt của Nga. Khí đốt qua đường ống TurkStream được xuất khẩu sang khu vực phía Nam và Đông châu Âu - gồm các nước Hungary, Hy Lạp, Bosnia & Herzegovina, Romania và Serbia.

Bộ trưởng Szijjarto cho biết: “Chúng tôi đã đạt được thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Bulgaria và Serbia rằng Hungary sẽ xây dựng đường ống Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ, đóng vai trò như một tuyến đường thay thế để cung cấp khí đốt của Nga, không phải qua Ukraine, đến Trung Âu, trong đó có Hungary.

Theo quan chức trên, bất chấp sức ép bởi các lệnh trừng phạt Moscow từ EU, Hungary vẫn bám sát lợi ích quốc gia vì nước này biết rằng, nếu phụ thuộc vào một tuyến đường giao hàng duy nhất, họ có thể gặp rắc rối không nhỏ.

Ông Szijjarto khẳng định: “Những diễn biến đáng tiếc và đáng buồn vừa qua đã chứng minh rằng, chúng tôi đã đưa ra quyết định đúng đắn khi kiên trì với ý tưởng xây dựng đường ống TurkStream vì nếu không, giờ đây chúng tôi sẽ gặp một vấn đề rất, rất nghiêm trọng. Hiện phần lớn khí đốt tới Hungary đang được vận chuyển qua đường ống TurkStream”.

Sau khi đường ống dẫn khí đốt Nord Stream dừng hoạt động do hư hỏng bởi các vụ nổ, một thỏa thuận đã đạt được vào tháng 10/2022 nhằm tăng cường cung cấp khí đốt của Nga dọc theo tuyến đường phía Nam - TurkStream và nhánh của nó qua Bulgaria và Serbia. Năm ngoái, Hungary đã nhận được 4,8 tỷ m3 khí đốt của Nga qua đường ống này.

TurkStream bao gồm hai tuyến ngoài khơi dài 930 km kéo dài từ Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ qua Biển Đen. Ngoài khí đốt, Hungary cũng mua dầu của Nga thông qua nhánh phía Nam của đường ống Druzhba, được miễn lệnh trừng phạt của EU.

TurkStream có thể cung cấp 31,5 tỷ m3 khí đốt tự nhiên mỗi năm, với một nửa đến Thổ Nhĩ Kỳ và nửa còn lại đến Balkan và Trung Âu. Serbia và Hungary là những khách hàng chính ở châu Âu.

Trước đó, vào tháng 8/2023, trong một cuộc họp báo, Ngoại trưởng Szijjarto nhấn mạnh, Hungary coi an ninh năng lượng là một vấn đề vật chất, chứ không phải là vấn đề ý thức hệ hay chính trị và coi đa dạng hóa nguồn tài nguyên càng nhiều càng tốt, chứ không phải “thay đổi hướng địa lý” của sự phụ thuộc năng lượng.

Năm 2021, Hungary đã ký thỏa thuận 15 năm với gã khổng lồ khí đốt Gazprom của Nga để cung cấp 4,5 tỷ m3 khí đốt/năm. Nhưng khi mùa Đông 2022 còn chưa đến, Budapest đã nhập khẩu từ Nga hết lượng khí đốt ký hợp đồng trong 1 năm vì muốn đảm bảo an ninh nguồn cung trước mùa lạnh giá.

Bộc lộ bất đồng trong nội khối

Nằm dưới mực nước biển 3km, đường ống TurkStream cần có thiết bị chuyên dụng được nhập khẩu từ phương Tây để duy trì hoạt động. Nhưng giờ đây, với các lệnh trừng phạt của EU đối với Nga, công việc bảo trì và sửa chữa đường ống đang trở nên phức tạp hơn, tiếp tục đe dọa cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu.

Các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho rằng, đây là chiến thuật gây áp lực mà Moscow sử dụng để tạo ra tình trạng thiếu năng lượng ở châu Âu và gây chia rẽ giữa các quốc gia EU về chính sách năng lượng.

Gazprom bắt đầu cắt giảm xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang EU, khiến giá tăng vọt. Năm ngoái, Nga đã dừng các đường ống Yamal-Europe và Nord Stream, đồng thời cắt giảm mạnh việc vận chuyển qua Ukraine.

Trong bối cảnh thiếu hụt này, EU đang gặp khó khăn về nguồn cung cấp năng lượng và nghĩ tới phương án tài trợ cho các tuyến đường thay thế cũng như tăng nguồn cung năng lượng xanh.

Tại cuộc họp báo ở Budapest, Ngoại trưởng Szijjarto cho biết, EU yêu cầu Hungary mua càng ít dầu khí từ Nga càng tốt nhưng không hỗ trợ để có được nguồn cung cấp năng lượng thay thế. Trong khi đó, Moscow đã đề nghị Budapest thực hiện cơ chế thanh toán trả chậm cho bất kỳ đợt giao khí đốt bổ sung nào.

Hình ảnh rò rỉ đường ống dẫn khí đốt Nord Stream ngoài khơi bờ biển đảo Bornholm của Đan Mạch, ngày 27/9/2022. (Nguồn: AP)

Mặt khác, Nga cho biết, ngày càng có bằng chứng cho thấy Mỹ, quốc gia phản đối dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 ngay từ đầu, đã tham gia phá hủy các đường ống dẫn khí đốt Nord Stream vào tháng 9 năm ngoái. Sau vụ nổ nhân tạo làm hư hỏng đường ống Nord Stream 1 và Nord Stream 2, hệ thống này không thể sử dụng được.

Tình trạng thiếu năng lượng đã buộc các chính phủ EU phải đánh giá lại chuyến đường vận chuyển. Việc giao hàng của Nga tới châu Âu bằng đường ống hiện bị giới hạn ở các luồng qua Ukraine vào điểm Sudzha trên biên giới Nga-Ukraine thông qua chuỗi TurkStream của châu Âu.

Đầu tháng 10 này, chính phủ Đức tuyên bố sẽ đưa một số nhà máy than hoạt động trở lại trong nỗ lực tiết kiệm khí đốt và tránh tình trạng thiếu điện trong mùa Đông tới. Điều này sẽ làm tăng lượng khí thải carbon dioxide. Trong khi đó, một quốc gia EU khác là Tây Ban Nha tiếp tục là nước nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất của Nga.

EU vốn đã bất đồng về nhiều vấn đề khác nhau liên quan chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine, trong đó có các biện pháp trừng phạt Moscow và vấn đề di cư. Tháng 7 năm ngoái, Thủ tướng Hungary Viktor Orban nói EU đã “tự bắn vào phổi mình” bằng các biện pháp trừng phạt kinh tế thiếu cân nhắc đối với Nga. Theo ông, trừ khi được dỡ bỏ, các biện pháp trừng phạt này có nguy cơ phá hủy chính nền kinh tế châu Âu.

Có suy đoán rằng Thủ tướng Viktor Orbán có thể phủ quyết khoản viện trợ trị giá 50 tỷ Euro của EU cho Ukraine, một vấn đề sẽ được đưa ra bỏ phiếu vào tháng 12 tới. Ủy ban châu Âu (EC) cũng có khả năng phản đối việc tài trợ thêm cho Kiev từ chính phủ Slovakia. Hungary và Serbia là những nước hưởng lợi chính từ dòng chảy TurkStream và có mối quan hệ nồng ấm với Nga.

Khi xung đột tiếp diễn, không thể loại trừ các cuộc tấn công vào TurkStream, tương tự những gì đã xảy ra với Nord Stream. Đầu tháng 5 năm nay, ba tàu cao tốc Ukraine đã cố gắng tấn công tàu chiến Ivan Hurs của Nga khi tàu này đang bảo vệ các đường ống dẫn khí đốt TurkStream và Blue Stream, vận chuyển khí đốt từ Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ, ở Biển Đen gần Bosporus.

Cuối cùng, một thành viên NATO khác, Thổ Nhĩ Kỳ, cũng không đồng tình với EU trong quan điểm trừng phạt Nga. Vào tháng 10/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin đề xuất thành lập một “trung tâm khí đốt” ở Thổ Nhĩ Kỳ. Các nước NATO và EU lo ngại, trung tâm khí đốt ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu năng lượng của Nga đang bị phương Tây trừng phạt.

(theo EurAsian Times)

Hải An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/khong-can-nord-stream-khi-dot-nga-van-co-cua-chay-manh-sang-chau-au-moscow-thu-dam-tu-chien-thuat-gay-ap-luc-245708.html