Không cách nào bằng tự rèn mình

Tết đã cận kề, bạn bè đua nhau mua sắm, khoe nào ô tô, điện thoại, đồng hồ, quần áo mới...

Ta phải làm sao với đồng lương còn hạn hẹp, thưởng Tết thì vô cùng hãn hữu? Tặc lưỡi mua sắm, chấp nhận vòng xoáy “thiếu-vay” để có hàng hiệu trưng diện, được bạn bè trầm trồ, xuýt xoa là “biết chơi” hay bấm bụng tiết kiệm, chi tiêu sắm sửa hợp lý coi như thưởng cho mình sau một năm cố gắng phấn đấu và nhận lại lời khen “đúng là anh Bộ đội Cụ Hồ, lúc nào cũng giản dị”? Rồi còn việc uống rượu, bia. Cả năm chẳng mấy khi được về nhà, lại có tiếng “tửu lượng tốt” nên mọi người thường ưu ái mời giao lưu, chúc tụng cũng là điều khó tránh. Nhưng làm thế nào để giữ mình, giữ được sự tỉnh táo trước những lời khích bác “bộ đội mà uống kém thế”, tránh bốc đồng dẫn đến vi phạm pháp luật, kỷ luật?

Trên đây chỉ là hai tình huống đơn giản so với rất nhiều cạm bẫy, cám dỗ khó lường trong cuộc sống, đòi hỏi quân nhân phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, bản lĩnh, lối sống và học tập nâng cao hiểu biết pháp luật để có cách xử trí đúng đắn, tránh vi phạm, bị xử lý kỷ luật.

Bộ đội Trung đoàn 9, Sư đoàn 8 (Quân khu 9) làm các sản phẩm trang trí dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Ảnh: QUANG ĐỨC

Quy định pháp luật, kỷ luật được ban hành trước hết là để cảnh báo, răn đe con người tự ý thức, điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp, góp phần bảo vệ chính mình và xây dựng tổ chức, xã hội ngày một văn minh hơn. Càng trong điều kiện khó khăn, phức tạp; nhiều tác động của mặt trái kinh tế thị trường; trước những thông tin tiêu cực lan truyền trên mạng xã hội; văn hóa phẩm đồi trụy, lệch chuẩn đạo đức, văn hóa; bạo lực, sự suy thoái, xuống cấp về đạo đức của một bộ phận trong xã hội... càng cần chứng tỏ, thể hiện được phẩm chất, bản lĩnh người quân nhân cách mạng. Bản lĩnh đó đương nhiên không thể là sự hơn thua về chén rượu, chạy theo lối sống xu thời, hưởng thụ, đề cao vật chất mà phải là lối sống trung thực, khiêm tốn, giản dị, chân thành, lạc quan, biết sẻ chia, yêu thương, giúp đỡ đồng chí, đồng đội thì mới đứng vững trước cuộc sống xô bồ, nhiều cám dỗ.

Để tránh vi phạm, bị xử lý kỷ luật, trước hết, mỗi quân nhân cần phát huy tốt tính tích cực, tự giác trong tìm hiểu, nắm chắc và chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội. Đây là giải pháp quan trọng có ý nghĩa quyết định bởi mục đích của hoạt động giáo dục bao giờ cũng hướng tới việc biến quá trình giáo dục thành tự giáo dục, trở thành nhu cầu tự thân, thành thói quen của mỗi cán bộ, chiến sĩ. Trên cơ sở những kiến thức pháp luật đã nắm được, quân nhân cần xây dựng động cơ, mục đích, ý chí quyết tâm, tinh thần bền bỉ, tích cực, tự giác trong rèn luyện và chấp hành kỷ luật; tự khắc phục những tư tưởng, hành vi tiêu cực trong tính cách, củng cố ý chí, tự mình kiềm chế, bình tĩnh trong xử lý các mối quan hệ trong học tập, công tác tại đơn vị và ngoài xã hội, bắt đầu từ thói quen đơn giản hằng ngày như chờ đến khi đèn tín hiệu giao thông chuyển màu xanh mới đi, không vội vàng chạy theo đám đông khi vẫn còn đèn đỏ.

NGUYỄN ĐỨC TUẤN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/khong-cach-nao-bang-tu-ren-minh-763220