Không buông lỏng quản lý, giáo dục cầu thủ

Tuần qua, việc năm cầu thủ trụ cột của câu lạc bộ bóng đá Hồng Lĩnh Hà Tĩnh đang thi đấu tại V.League 1-2023/2024, bao gồm: Ðinh Thanh Trung, Nguyễn Trung Học, Dương Quang Tuấn, Nguyễn Ngọc Thắng và Nguyễn Văn Trường bị công an tạm giữ vì có hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, đã gây rúng động dư luận, bức xúc trong người hâm mộ.

Thực ra, cũng không có gì lạ bởi đây chỉ là "giọt nước tràn ly" khi đã có nhiều cảnh báo về lối sống, đạo đức đang bị tha hóa của một bộ phận cầu thủ trong suốt thời gian dài vừa qua.

Gần đây nhất là vào tháng 2 cũng có năm cầu thủ câu lạc bộ bóng đá hạng nhất Bà Rịa-Vũng Tàu bị công an khởi tố về tội đánh bạc. Những vụ việc nêu trên tác động tiêu cực đến niềm tin, làm hoen ố hình ảnh, thanh danh của bộ môn bóng đá và ngành thể thao, ảnh hưởng không nhỏ đến các cầu thủ chân chính.

Có thể nói, những cám dỗ trong môi trường bóng đá không chừa bất cứ cầu thủ nào và ngay cả những ngôi sao tên tuổi cũng có thể sa ngã, trở thành đối tượng hướng tới của tiêu cực. Trong khi đó, rất khó cho các cầu thủ ở cùng câu lạc bộ, bởi cho dù có biết, song họ có dám dũng cảm đứng ra tố cáo đồng đội mình sử dụng chất kích thích hay cá cược, dàn xếp tỷ số, vì phía sau tiêu cực là không ít sự ràng buộc liên quan trong câu lạc bộ, là những bao che, chế áp, hăm dọa...

Cũng bởi thế, dần dần những "con sâu" sẽ phá hỏng "nồi canh" khi thực tế điều tra cho thấy chính những cầu thủ lớn tuổi trong đội bóng đã lôi kéo làm hư các cầu thủ trẻ như ở hai vụ việc tiêu cực nêu trên.

Ðiều đáng nói, không phải lãnh đạo và những người có trách nhiệm ở các đội bóng đều không có thông tin hay không biết cầu thủ mình làm gì, vấn đề chỉ là họ có dám làm mạnh tay hay không bởi các cầu thủ dính tiêu cực lại đang giữ vai trò quan trọng trong đội. Ðây là bài học đắt giá không chỉ riêng cho câu lạc bộ Hồng Lĩnh Hà Tĩnh mà cho cả các đội bóng khác và tất cả các cầu thủ.

Nhìn vào giai đoạn thăng hoa mấy năm vừa qua của bóng đá Việt Nam, những tưởng các tệ nạn, tiêu cực có thể bị triệt tiêu, song nhìn vào các vụ việc mới bị phát hiện mới thấy tiêu cực trong bóng đá Việt Nam rõ ràng đã ở mức báo động đỏ. Ðiều nguy hiểm ở hai vụ vi phạm pháp luật nghiêm trọng nêu trên là có số đông cầu thủ cùng thực hiện hành vi và nhất là có nhiều cầu thủ trẻ, thậm chí có cả tuyển thủ vừa đá vòng chung kết Giải bóng đá U23 châu Á mới đây. Nó càng trở nên nghiêm trọng hơn với tính hệ thống, có tổ chức và đã xảy ra trong một thời gian dài.

Những án phạt, kỷ luật hay cả các phiên tòa hình sự cũng chưa đủ để phòng chống tiêu cực. Quan trọng nhất vẫn là ngăn ngừa từ chính gốc rễ mà ở đây chính là xây dựng nếp sống văn hóa ở từng câu lạc bộ và giáo dục đạo đức cầu thủ luôn song hành công tác chuyên môn trong đào tạo.

Bên cạnh nhận thức, sự tự giác của cầu thủ, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và các cấp câu lạc bộ phải chủ động, tăng cường tuyên truyền, giáo dục. Việc thực hiện triển khai kiểm tra doping cầu thủ ở các giải bóng đá chuyên nghiệp phải trở thành bắt buộc và với các biện pháp, chế tài nghiêm khắc.

Bóng đá Việt Nam đang ở một giai đoạn bấp bênh, tiến chưa được nhiều, nhưng liên tục có những "lỗ hổng" từ nền tảng chất lượng chuyên môn đến suy thoái về đạo đức, bê tha trong sinh hoạt ở một bộ phận cầu thủ và câu lạc bộ. Phải chăng, đây là hệ quả của việc lơ là trong công tác quản lý, điều hành do mê mải với những thành tích và nhiều mục tiêu quá tầm. Vì thế, chúng ta cần khẩn cấp điều chỉnh và có giải pháp xử lý triệt để với phương châm "Có vững gốc thì mới đạt ngọn".

Theo nhandan.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/khong-buong-long-quan-ly-giao-duc-cau-thu-5008212.html