'Không án' nhờ Tổ hòa giải kiểu mẫu

Nhiều năm nay, ở khu 4 (xã Lang Sơn, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ) không có vụ việc gây mất an ninh trật tự, mâu thuẫn phải đưa ra tòa xét xử. Điều này có được là nhờ hoạt động có hiệu quả của Tổ hòa giải kiểu mẫu khu 4.

Các thành viên trong Tổ hòa giải kiểu mẫu khu 4 trao đổi công việc.

Được thành lập năm 2018, Tổ hòa giải khu 4 có 7 thành viên là những người gương mẫu, có uy tín trong cộng đồng dân cư. “Từ khi Tổ hòa giải được thành lập, đến nay, ở khu 4 chưa từng có mâu thuẫn nào phải đưa ra tòa xét xử. Trong 5 tổ của xã thì khu 4 được tỉnh công nhận là “Tổ hòa giải cơ sở kiểu mẫu”. Đây là mô hình hoạt động rất có hiệu quả” - ông Phạm Văn Lường - Chủ tịch UBND xã Lang Sơn nói.

Ông Nguyễn Hữu Phúc - Tổ trưởng Tổ hòa giải kiểu mẫu khu 4 cho biết, với trách nhiệm, cũng như mong muốn quê hương được bình yên, các thành viên trong Tổ không nề hà vất vả, khó khăn. Cùng phương châm “việc lớn hóa nhỏ, việc nhỏ hóa không có gì”, Tổ đã hòa giải thành công nhiều vụ việc.

Cũng theo ông Phúc, khu 4 có 309 hộ với 982 nhân khẩu, đa số người dân sống đoàn kết, chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, cũng không tránh khỏi những va chạm, tranh chấp quyền lợi dẫn đến phát sinh mâu thuẫn, xích mích. Để tránh những hậu quả đáng tiếc, ngay khi vụ việc phát sinh, các hòa giải viên đã có mặt kịp thời tìm hướng làm dịu sự việc. Ngoài ra, Tổ hòa giải tìm hiểu các quy định pháp luật liên quan đến các bên, phân tích tình hình và tìm hướng hòa giải phù hợp. Nhờ đó, những bất đồng trong khu được kịp thời giải quyết. Không những vậy còn góp phần nâng cao sự hiểu biết, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người dân.

Trong hơn 20 vụ hòa giải thành công, mỗi vụ có những “chiêu” và kỷ niệm khác nhau, nhưng với ông Phúc, đợt làm đường thoát nước qua nhà ông Kh. là đáng nhớ nhất. Nhà ông Kh. gần đường cống, mỗi lần mưa khiến gần 20 hộ trong khu bị ngập. Người dân có nhiều ý kiến phản ánh, thậm chí là đưa cả lên mạng xã hội, tình làng nghĩa xóm bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, khi đó, gia đình ông Kh. đang xây nhà và công trình kiên cố trên phần đất của mình. “Hơn 10 lần thành viên trong Tổ hòa giải phải đến nhà, nhờ cả anh em họ hàng của ông Kh. vận động. Cuối cùng, ông Kh. cũng đồng ý hiến đất, việc sửa chữa công trình thì phải hỗ trợ thêm cho gia đình. Sau thời gian vận động dân làng và người xa quê được 40-50 triệu đồng, đường cống đã được làm trong sự vui vẻ, đồng tình của những người liên quan” - ông Phúc cho biết.

Hay như, vụ việc mâu thuẫn giữa gia đình ông Th. với nhà chị L. trong quá trình xử lý mương nước thải có nguy cơ gây mất an ninh trật tự. Sau khi tới tìm hiểu thực tế, Tổ hòa giải đã khuyên giải, tuyên truyền để các hộ gia đình liên quan bình tĩnh đối thoại. Sau khi được phân tích cụ thể với các lý lẽ thuyết phục, cả 2 gia đình đã nhanh chóng khắc phục các hạng mục để không làm ảnh hưởng đến hàng xóm. Vụ việc được giải quyết “êm thấm”, bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên theo đúng quy định của pháp luật.

“Người dân trong khu dân cư đôi khi chỉ vì những chuyện rất nhỏ nhặt, nhưng do cái tôi của mình quá lớn, bên cạnh đó sự hiểu biết về pháp luật còn hạn chế nên dẫn đến những hành vi thiếu chuẩn mực thậm chí là vi phạm pháp luật. Nếu hòa giải thành công sẽ hàn gắn và khôi phục tình cảm giữa các bên tranh chấp, giúp duy trì mối quan hệ đoàn kết, gắn bó trong gia đình, cộng đồng dân cư” - ông Phúc cho biết thêm.

Với những thành tích đạt được, tháng 8/2022, UBND huyện Hạ Hòa đã lựa chọn Tổ hòa giải khu 4 là mô hình điểm “Tổ hòa giải cơ sở kiểu mẫu” - đây là Tổ hòa giải kiểu mẫu đầu tiên của huyện do tỉnh Phú Thọ công nhận.

Ngô Hùng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/khong-an-nho-to-hoa-giai-kieu-mau-5738766.html